'Không thể có chuyện tỷ giá tăng thì đổ hết cho người tiêu dùng'

Kinh tếThứ Sáu, 11/09/2015 08:19:00 +07:00

Khi tỷ giá tăng, nhiều DN than lỗ đòi tăng giá bán sản phẩm vì tỷ giá tăng, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng không thể cứ tăng giá là đổ hết cho người dân

(VTC News) – Sau khi tỷ giá tăng, nhiều doanh nghiệp than lỗ đòi tăng giá bán sản phẩm nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng không thể có chuyện là tăng giá thì đổ hết cho người tiêu dùng.

Sau cuộc họp báo của Bộ Công thương tuần trước, người dân và doanh nghiệp nhận một tin không vui khi ba tập đoàn Than - khoáng sản, Dầu khí và Điện lực cùng kêu phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá lên đến cả chục ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân là do tỷ giá tăng.

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa kiến nghị Bộ Công Thương cho tính khoản chênh lệch tỷ giá 1.200 tỷ đồng của tập đoàn này vào giá thành điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì cho biết tỉ trọng điện của TKV chỉ chiếm 10%-15% toàn hệ thống nhưng đã phát sinh khoản lỗ nói trên.

Như vậy, nếu cộng tất cả số liệu của ngành điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng. Do vậy, EVN cũng đang thống kê số liệu báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết.

Tỷ giá tăng, các Tập đoàn đòi tăng giá bán sản phẩm
Tỷ giá tăng, các Tập đoàn đòi tăng giá bán sản phẩm
Tuy nhiên, đề xuất tính phần lỗ do tăng tỷ giá vào giá thành điện của các tập đoàn sản xuất điện tuy chưa được thông qua nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá là điều mà tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt và khoản lỗ này được hạch toán vào giá thành là hợp lý về nguyên tắc nhưng nguyên tắc này chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường và kinh doanh những loại hàng hóa bình thường.

Còn với ngành điện, hạch toán như thế sẽ bất lợi cho người tiêu dùng bởi đây là ngành kinh doanh độc quyền.

Một điều thuận lợi hơn nữa đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ là ngay cả khi khoản chênh lệch lãi suất là như nhau thì khi vay VND các doanh nghiệp phải trả lãi ngay cho phần lãi suất chênh lệch so với vay ngoại tệ.


Trong khi các doanh nghiệp vay ngoại tệ thì phần lỗ tỷ giá tương ứng với phần chênh lệch lãi suất lại được trả từ từ theo kỳ hạn trả nợ. Nói cách khác, có vẻ như việc vay ngoại tệ đang được lợi đơn lợi kép so với vay VND.


Có thể thấy, sự giảm giá của VND chắc chắn sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhưng có nguồn thu từ nội tệ, tuy nhiên những ảnh hưởng này xấu hay tốt và mức độ đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là mức độ giảm giá VND so với sự chênh lệch lãi suất VND và ngoại tệ, những ảnh hưởng về dòng tiền do chính sách thuế đối với khoản lãi/lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện..

Theo TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khi doanh nghiệp tính toán bài toán lỗ lãi, họ chỉ tính có một phần. Ví dụ, trước đây vay 1 triệu USD tương đương với 20 tỷ đồng. Nếu điều chỉnh tỉ giá lên 22.000 đồng, doanh nghiệp sẽ nghĩ mình bị lỗ 2.000 đồng/USD.

Thế nhưng, điều doanh nghiệp thường quên là trong nhiều năm qua, khi họ vay ngoại tệ thì chênh lệch lãi suất USD rất lớn so với lãi suất vay bằng VND. Doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều từ chênh lệch này bởi đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận.

Việc TKV than lỗ đang dấy lên lo ngại doanh nghiệp lợi dụng việc tỷ giá tăng để đổ lỗi rằng “không có trong kế hoạch kinh doanh” và viện cớ đó để tăng giá.

Trên thế giới, nghiệp vụ ngoại hối phái sinh đã được sử dụng rất rộng rãi để phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp và nó đã thể hiện được tầm quan trọng đối với các chủ thể tham gia vào thị trường tài chính.

Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cho phép hệ thống ngân hàng thương mại thực hiện các nghiệp vụ phái sinh để phòng ngừa và hạn chế rủi ro tỷ giá từ năm 2005, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ lợi ích của công cụ này.

Điều này đã đặt các doanh nghiệp trước những rủi ro lớn và nguy cơ thua lỗ cao do thị trường ngoại hối biến động mạnh. Nghiệp vụ ngoại hối phái sinh ra đời để hạn chế thấp nhất rủi ro và thua lỗ có thể xảy ra cho các chủ thể tham gia vào thị trường tài chính.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng mua bán ngoại tệ giao ngay để thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ của mình.

Theo ông Hà, ngân hàng Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đã chào khách hàng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để đảm bảo phòng ngừa và bảo vệ cho khách hàng trước các rủi ro biến động tỷ giá. Do vậy, ông Hà cũng khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm phái sinh này.

Phương Linh
Bình luận
vtcnews.vn