Khó kiểm chứng thông tin phí, giá xăng dầu

Kinh tếThứ Tư, 10/03/2010 10:28:00 +07:00

DN công bố chi tiết cấu thành giá xăng là một bước tiến đáng hoan nghênh nhưng phải công bố chi tiết, nếu không, đó có thể là động thái đánh lạc hướng dư luận.

"Có rất nhiều thông tin khó kiểm chứng, công khai là tốt nhưng cần phải theo dõi xem những con số đó đã chuẩn hay chưa. Tôi cho rằng doanh nghiệp nói công bố là một bước tiến đáng hoan nghênh nhưng phải công bố chi tiết, nếu không, đó có thể là động thái đánh lạc hướng dư luận” - TS Nguyễn Quang A bình luận.

Sau phản ứng của dư luận về giá xăng tăng nhiều, giảm ít, Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex VN) khẳng định với báo giới sẽ đăng tải công thức tính giá cơ sở xăng dầu lên trang chủ website của tổng công ty cho mọi người tham khảo và giám sát.

Vẫn phải chạy theo “anh cả”

 
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex VN, việc công khai công thức tính giá sẽ được thực hiện từ tuần tới. Công thức này sẽ dựa vào công thức đã được công bố theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, bao gồm giá nhập khẩu từ thị trường Singapore, thuế, chiết khấu, chi phí hoạt động và những yếu tố quan trọng khác.

Việc công khai công thức tính giá xăng dầu cũng được đại diện Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội cho là cần thiết. “Sắp tới, khi trang web của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ công khai cách tính giá bán lẻ xăng dầu lên mạng” - ông Cao Văn Hân, giám đốc điều hành đơn vị này, cho biết.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TPHCM bày tỏ việc công khai công thức tính giá cơ sở xăng dầu là thỏa đáng nhưng nếu đã có Petrolimex VN đăng tải lên website, các doanh nghiệp khác không nhất thiết phải đăng vì là công thức chung, người tiêu dùng có thể xem đó là căn cứ để tính toán.

Theo đại diện một doanh nghiệp trong ngành, kể cả khi “anh cả” Petrolimex VN công khai công thức tính giá mặt hàng xăng dầu, các doanh nghiệp khác vẫn phải chạy theo Petrolimex VN trong việc điều chỉnh giá.

Việc giá xăng dầu tăng nhiều, giảm ít đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng thiết yếu này. Ảnh: T.Thạnh

Đã từng có thời điểm các doanh nghiệp khác lỗ nặng vì đầu vào tăng quá cao nhưng vẫn chưa thể điều chỉnh vì còn phải chờ Petrolimex VN.

Trong thực tế, kể từ ngày 15-12-2009, Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, chỉ sau khi doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Petrolimex VN có động thái giảm giá xăng dầu thì các doanh nghiệp khác như PV Oil, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội... mới thông báo áp dụng giá bán với mức giảm tương tự. Thậm chí, nhiều đơn vị phân phối bán lẻ đã giảm giá xăng thấp hơn so với Petrolimex VN.

Nhiều thông tin khó kiểm chứng

Theo các cơ quan quản lý, việc công khai công thức tính giá mặt hàng xăng dầu là cơ sở để cơ quan quản lý và người tiêu dùng nắm được cơ cấu giá, thông qua đó giám sát được giá xăng dầu của doanh nghiệp.

Việc công khai cơ cấu giá này sẽ giải quyết được những vấn đề mà dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong cơ cấu giá thành của xăng dầu từ trước đến nay. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại có cái nhìn thận trọng hơn. TS Nguyễn Quang A cho rằng công thức tính giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu đã nêu rõ ở Nghị định 84/2009/NĐ-CP, muốn tính được phải có đầy đủ thông số đầu vào.

Do đó, quan trọng là doanh nghiệp phải công bố chi tiết chuỗi số liệu như giá nhập khẩu, chi phí, lợi nhuận định mức... Đó không chỉ là số liệu tức thời của thời điểm nhập lô hàng mà cần cung cấp cả “dữ liệu lịch sử” như giá nhập khẩu của 30 ngày trước, thuế, phí, chi phí...

Từ các thông số này, có thể vẽ được đồ thị giá để kiểm tra chính xác giá bán thực tế. Theo TS Nguyễn Quang A, những thông số đầu vào như vậy không phải bí mật kinh doanh, vì doanh nghiệp lớn như Petrolimex VN đằng nào cũng phải qua kiểm toán.

Việc họ có chịu tiết lộ không là chuyện khác và ngay cả khi chịu công bố, số liệu đó chưa chắc đã chính xác. “Giá ký hợp đồng thực có thể thấp hoặc cao hơn giá công bố ở Singapore nên nếu doanh nghiệp gửi giá thì sao? Giá vận chuyển đã là giá tiết kiệm nhất hay chưa?

Còn rất nhiều thông tin khó kiểm chứng, công khai là tốt nhưng cần phải theo dõi xem những con số đó đã chuẩn hay chưa. Tôi cho rằng doanh nghiệp nói công bố là một bước tiến đáng hoan nghênh nhưng phải công bố chi tiết, nếu không, đó có thể là động thái đánh lạc hướng dư luận” - TS Nguyễn Quang A bình luận.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường giá cả, lại cho rằng đây không phải là sự tiến bộ của doanh nghiệp mà chẳng qua vì họ đã đẩy người tiêu dùng đến trạng thái mất lòng tin nên phải công khai để người dân kiểm định và tin rằng tất cả các yếu tố tính giá đều đáng tin cậy.

Quốc gia nào cũng phải tiêu dùng xăng dầu nhưng người dân không phải bận tâm đến giá bán. Ở VN thì khác, người dân rất quan tâm vì họ mất lòng tin.

Mập mờ kết cấu giá thành

Công thức tính giá bán lẻ xăng dầu dựa vào hơn 10 yếu tố tính giá cơ sở.

Trong đó, công thức đã được công khai nhưng các yếu tố cơ sở thì còn mập mờ, ví dụ tính theo tỉ giá nào; lợi nhuận hợp lý là lợi nhuận tính trên vốn chủ sở hữu hay trên doanh thu; giá nhập khẩu lấy ở đâu...

Ngay cả biểu thuế cũng có nhiều loại, doanh nghiệp chỉ đề cập chung chung là thuế nhập khẩu chứ không bóc tách chi tiết các loại thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt.

Nếu công khai được các yếu tố hình thành giá cơ sở mới giải quyết được vấn đề làm rõ lý do tăng, giảm giá; còn mức tăng - giảm hợp lý hay chưa còn phụ thuộc vào khoản thu của Nhà nước, hiện đang chiếm 50% giá thành đối với mặt hàng xăng dầu.

Theo Người lao động

Bình luận
vtcnews.vn