Khi con hỏi “Tại sao lại thế?”

Tổng hợpThứ Tư, 31/10/2012 08:05:00 +07:00

“Con sinh ra từ đâu hả mẹ?” – Phương, cô bé 8 tuổi tò mò hỏi mẹ. “Con sinh ra từ bụng mẹ, con ạ!” – chị Thanh mỉm cười, trả lời rất thật...

“Con sinh ra từ đâu hả mẹ?” – Phương, cô bé 8 tuổi tò mò hỏi mẹ. “Con sinh ra từ bụng mẹ, con ạ!” – chị Thanh mỉm cười, trả lời rất thật. “Tại sao mẹ lại lấy bố mà không phải ai khác?” “Vì mẹ lấy bố mới sinh ra được con” – chị Thanh cũng rất thật.

“Mẹ thì mẹ đẻ ra con, còn bố làm gì?” Đến lúc này, chị thật sự không biết trả lời cô con gái nhỏ ra sao cho đúng. Chị đành phải nói: “Lớn lên, mẹ sẽ nói cho con biết!”. Nhưng con bé vẫn cứ nằng nặc: “Tại sao không phải bây giờ ạ?”... Trong quán ăn vỉa hè, chị Thanh kể cho tôi nghe chuyện “trên trời, dưới đất” của lũ trẻ nhà chị.

Đôi khi những câu hỏi của trẻ con khiến các ông bố, bà mẹ như chị phải “bó tay”. Thực tế, trẻ rất tò mò về cuộc sống xung quanh và những điều chúng nhìn thấy. Khi trẻ hỏi, bố mẹ cần trả lời một cách cẩn trọng. Bởi câu trả lời có thể khiến trẻ có cái nhìn đúng hoặc lệch lạc về sự việc ấy trong hiện tại và tương lai.

 
Bữa nọ, bé Phương hí hửng về kể với mẹ: “Ngày xưa, mẹ anh Tùng đẻ ra anh Tùng. Nhưng nhà nghèo quá, đem anh Tùng cho người khác nên giờ anh Tùng có hai mẹ”. Chị Thanh mới giật thót mình hỏi lại: “Ai nói với con vậy?” Phương hồn nhiên bảo: “Bà nội bảo thế”. Chị Thanh biết rằng, câu chuyện cô bé được biết hoàn toàn không đúng. Với cách trả lời này có thể khiến Phương nghĩ rằng mẹ Tùng là người không tốt, bỏ con cái cho người khác nuôi.

Nhưng nếu mẹ Phương phủ nhận câu trả lời của người bà sẽ khiến cô bé  nghĩ bà nội mình đã nói dối. Chính vì vậy, chị rất khéo léo để xoa dịu mối nghi ngờ của con: “Chắc bà sợ con không hiểu, chứ sự thực không phải như thế đâu”. Cô bé nhanh nhảu hỏi lại: “Thế là thế nào hả mẹ?”. Chị Thanh chưa muốn đứa con gái nhỏ của mình để ý đến những chuyện xung quanh cuộc sống của người khác nên chị bảo con: “Thôi được rồi, để khoảng một, hai năm nữa mẹ sẽ nói cho con. Con sẽ hiểu”.

Nhưng cô bé vẫn rất tò mò, giục mẹ: “Thôi, mẹ nói luôn đi!”. Phải đắn đo hồi lâu, chị Thanh mới nghĩ rằng đó không có gì là tế nhị, phải giấu giếm con cả: “Thực tế, chuyện vợ chồng ly hôn đã nhan nhản ở ngoài xã hội, trẻ con biết chứ có phải không biết đâu”. Chị tìm cách trả lời bé một cách khéo léo và dễ hiểu nhất: “Vì bố anh Tùng và mẹ anh Tùng không hợp nhau nên không ở với nhau nữa. Bố anh Tùng lấy người khác và anh Tùng cũng phải gọi người đó là mẹ”. Lúc đó, Phương mới không hỏi nữa. Chị Thanh nhận ra rằng: nói dối hoặc lảng tránh không phải cách hay để dạy con cái.

 
Khi đối diện với những câu hỏi hóc búa của trẻ, bố mẹ nên trả lời đúng sự thật, nội dung câu trả lời không quan trọng bằng cách bạn trả lời. Trả lời trẻ là cách bạn tôn trọng trẻ, để trẻ thấy bố mẹ quan tâm đến những vấn đề của chúng.

Trẻ đi học, tiếp xúc với bạn trai, bạn gái nhiều, nên vấn đề giới tính cũng khiến nhiều trẻ tò mò. “Tại sao con trai và con gái lại không giống nhau?”, “Làm con trai hay con gái thích hơn nhỉ?”… Những câu hỏi này, nhiều khi khiến chị Thanh lo lắng. 

Chị  bảo, nếu nói đúng sự thật sẽ khiến suy nghĩ và hành động của trẻ bị tác động xấu. Nhưng nếu không nói thật, con lại không hiểu rõ về cơ thể mình và tự bảo vệ một cách tốt nhất. Có hôm, Phương nhà chị từ trường trở về, hồn nhiên khoe với mẹ: “Mẹ ơi, ở lớp con ngủ cạnh mấy bạn trai cơ! Có bạn thì ngủ ngoan lắm. Nhưng có bạn ngủ nghịch đè lên cả người con” . Lúc đó, chị mới vỡ lẽ, rồi sốt sắng tìm cách tách con ra khỏi các bạn trai trong lớp.

Câu hỏi của trẻ thường rất ngô nghê, ngây thơ một cách kỳ lạ. Nếu thực sự “cứng lưỡi” khi phải giải đáp thắc mắc của trẻ, cách tốt nhất là nên mua một số cuốn sách nói về những điều đó cho trẻ, như: Những câu hỏi vì sao ngộ nghĩnh;  Tại sao lại thế? Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ; Mười vạn câu hỏi vì sao…   Qua sách, ảnh minh họa, trẻ sẽ hiểu hơn về những thắc mắc đó. Đây là lựa chọn của nhiều bậc làm cha, làm mẹ hiện đại trước những câu hỏi “Tại sao lại thế?” của con.

 
Một số phụ huynh lại tìm cách đặt ra những câu hỏi ngược với trẻ: “Thế con nghĩ thế nào?”, “Tại sao con lại nghĩ vậy?”… Trẻ sẽ có hai phản ứng: Một là  “con không biết”. Nhưng thông thường, trẻ sẽ nói ra suy nghĩ của mình: “Con thấy tại vì…”. Lúc này, bố mẹ nên lắng nghe câu trả lời của trẻ. Trẻ nói không quá xa sự thật thì nói thêm “Con mẹ giỏi quá! Đúng là như vậy, nhưng…”.

Bố mẹ sẽ bổ sung những chi tiết đúng hơn và lập tức trẻ sẽ đặt ra một câu hỏi khác. Từ việc đi hỏi, trẻ trở thành người bị hỏi, trẻ rơi vào tình trạng lúng túng, lúc này thì “ huề”. Bạn có thể cười và ôm con vào lòng.

Chúng ta không nên lợi dụng sự thắc mắc của trẻ, tranh thủ “giáo dục giới tính” để rồi “chết chìm” vào các câu hỏi ngày càng rắc rối. Tốt nhất nên hóa giải bằng cách hỏi ngược. Việc trẻ hỏi han lung tung như thế cho thấy: Trẻ khá thông minh và chỉ có nhu cầu muốn “giao lưu tình cảm” với bố mẹ mà thôi.

Tiểu Cát

Bình luận
vtcnews.vn