Khi con chậm nói

Tổng hợpThứ Hai, 05/12/2011 04:46:00 +07:00

Quả thực chúng tôi cũng học được rất nhiều từ CAMSP. Cứ một thời gian, bác sĩ sẽ có hẹn gặp cả bố mẹ, trao đổi các tiến bộ của con.

Ở CAMSP, các bác sĩ tâm lý không chỉ dạy Nghé cách nhận biết, gọi tên các đồ vật và công dụng của chúng… mà còn trao đổi phương pháp giúp Nghé với cô giáo của Nghé ở trường mẫu giáo và với bố mẹ Nghé. Quả thực chúng tôi cũng học được rất nhiều từ CAMSP. Cứ một thời gian, bác sĩ sẽ có hẹn gặp cả bố mẹ, trao đổi các tiến bộ của con và hướng dẫn bố mẹ cách chơi với con.

 

 

Cùng làm việc nhà

 Một lần tôi khoe với bác sĩ là tôi đã rất vui khi Nghé đi học về bắt đầu kể chuyện cho mẹ chuyện ở lớp. Nào là Nghé có cái này, bạn kia có cái khác; Nghé đã chơi với các bạn như thế nào, học được cái gì…

-        Bác sĩ hỏi: Thế chị có bao giờ kể chuyện công việc của chị hàng ngày cho con không?

-        Tôi ngớ người nói: không

-        Bác sĩ hỏi: Tại sao không?

-        Tôi trả lời: Tôi cũng chẳng biết nữa, có lẽ vì nó mới chỉ hơn 4 tuổi và chưa thể hiểu.

-        Bác sĩ lại nói: Hãy tâm sự những câu chuyện công việc hàng ngày của chị với con, giống như tâm sự với bạn gái thôi. Con có nhu cầu tâm sự các chuyện của con ở lớp với mẹ, thì đáp lại mẹ cũng phải tâm sự chuyện của mẹ ở cơ quan với con.Như vậy mới trở thành người bạn thân thiết của nhau được. Tất nhiên chị hãy làm khi thấy thoải mái, không phải ép buộc.

Quả thực có lẽ đây là sự khác biệt về văn hoá nhưng tôi thấy cũng là ý hay và đã áp dụng. Hàng ngày, khi nấu cơm, làm việc nhà tôi đều rủ Nghé cùng làm. Nói chung Nghé không làm được một mình, nhưng nhớ hết các bước công việc phải làm gì, và khi được lấy dụng cụ cho mẹ thì con đều làm đầy đủ. Có những việc bố Nghé cũng chưa bao giờ làm cùng tôi và chắc cũng không biết cách làm đó là làm bánh gatô nhưng Nghé lại làm rất giỏi. Thậm chí, con biết gọi tên tất cả các thành phần bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt. Nghé có thể lấy đồ cho mẹ đầy đủ và làm các bước công việc một cách khác chính xác.

Hôm qua bố Nghé đi vắng, tôi rán khoai tây cho Nghé ăn, con rất thích ăn. Bình thường mẹ chưa rán xong con đã đòi ăn nhưng hôm qua bỗng nhiên con nói “mẹ ăn cùng”.Và kiên trì ngồi đợi đến khi mẹ rán xong, Nghé bê đĩa khoai ra, mang ketchup, mayonaise ra để lên bàn, đợi mẹ vào hai mẹ con mới ăn. Ăn xong con pha nước chanh uống rồi tự cất đường, nước, bát, đĩa, dọn sạch bàn, rác thì vứt vào thùng, bát đĩa bẩn bỏ vào bồn, lấy khăn cho mẹ lau bàn. Tất nhiêu con làm mọi việc dưới sự chỉ đạo của mẹ, nhưng đáng mừng là con đã hiểu những điều mẹ nói. Chỉ cần mẹ dùng ngôn ngữ ra lệnh, là con làm được mọi việc.

Mấy hôm nay tôi hướng dẫn cho con biết nạo rau củ bằng máy với mẹ, biết phơi quần áo, rút quần áo và cuộn tất rất đẹp. Dạy cái gì cũng có vẻ nhanh hơn, và còn tỏ ra hứng thú, chăm chỉ nữa. Khi mẹ tỏ ra muốn “làm bạn” của con và chủ động “làm bạn” với con thì dường như Nghé hợp tác nhanh hơn hẳn.

 

    Mẹ con ta cùng học

 Cách đây một năm, vấn đề ngôn ngữ của Nghé khiến tôi rất đau đầu. Nhưng giờ đây mọi thứ dường như tiến triển tốt hơn. Ở CAMSP Nghé học nhóm cùng 4 bạn trai khác cũng có vấn đề về ngôn ngữ như Nghé dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ và tâm lý trẻ. Có lẽ ngôn ngữ là cánh cửa để tiếp nhận tri thức, nên khi bị hạn chế về ngôn ngữ, các kỹ năng khác của trẻ cũng chậm hơn. Vì vậy Nghé phát triển chậm hơn các bạn khác một chút. Tuy nhiên thời gian gần đây, tôi rất ngạc nhiên vì sự tiến bộ vượt bậc của Nghé trong quan hệ, giao tiếp, trong cách cư xử và vốn tiếng Pháp cũng như tiếng Việt.

Bà Dominique, người dạy Nghé và các bạn trong nhóm, là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, rất yêu trẻ. Tất nhiên  bà không thể nói tiếng Việt, tiếng Ả rập, nên bà chỉ dạy các bé bằng tiếng Pháp. Nghé giờ đây đã nói những câu tiếng Pháp dài, khá đầy đủ. Nghé biết nhiều từ tiếng Pháp, nhiều con vật cả bố và mẹ đều không biết là con gì. Nghé phát âm khá chuẩn các từ tiếng Pháp (vì bà Dominique dạy rất cẩn thận từng từ) nên tôi cũng học được từ Nghé khá nhiều.

Ở trường bà Dominique dạy con bằng tiếng Pháp, nhưng vì con có một “người bạn” người Việt là mẹ ở nhà nên tiếng Việt của con cũng giỏi lên rất nhiều. Con đă bắt đầu dùng các từ phức tạp hơn để diễn tả các trạng thái khác nhau: “con muốn ... tiếp, nữa, cùng, với....”. Và cứ như thế, hai mẹ con vừa chơi vừa học với nhau giống như “đôi bạn cùng tiến” vậy.

Nghé thực ra không phân biệt đâu là tiếng Pháp, đâu là tiếng Việt, nếu bảo Nghé hãy dịch câu này sang tiếng Pháp đi thì Nghé chịu nhưng nếu tự nhiên thì Nghé có thể nói một câu bằng cả hai thứ tiếng một cách chuẩn xác về ngữ Pháp.

Mỗi khi hai mẹ con cùng ở nhà, chúng tôi thường nằm trên thảm, mở sách ra và cùng học. Hoặc những lúc cùng làm việc nhà, tôi thường chỉ vào các đồ vật và hỏi con. Tôi nói: “Nghé ơi, con có thể dạy mẹ từ này tiếng Pháp có nghĩa là gì không?” Hoặc “Mẹ quên mất cái này gọi là gì rồi?”

Khi ấy, Nghé sẽ rất vui sướng vì “dạy” được cho tôi một từ. Bù lại tôi sẽ dạy Nghé một từ tiếng Việt. Chúng tôi có thể chơi với nhau trò “dạy học” ấy cả buổi rất vui và sau đó bao giờ Nghé cũng nhớ lâu hơn.

Khi Nghé 24 tháng tuổi và chậm nói, tôi cảm thấy rất lo lắng. Đặc biệt là con có những biểu hiện thu mình lại, không giao tiếp với người khác và chỉ chơi một mình. Ở Việt Nam, các bác sĩ khuyên tôi không nên đưa con ra nước ngoài vì có thể như thế “bệnh” của con sẽ càng nặng hơn. Nhưng thực sự khi được các bác sĩ Pháp điều trị và tận tình hướng dẫn chúng tôi cách chơi với con, tôi vui mừng khi thấy con đã tiến bộ rất nhiều.

Có thể, Nghé hơi chậm hơn các bạn một chút, một số cái Nghé chưa biết như các bạn, nhưng đối với tôi, con lúc nào cũng rất rất đáng yêu.Và điều quan trọng hơn, từ nay hai mẹ con sẽ là đôi bạn thân, chia sẻ mọi công việc và tâm sự những câu chuyện hàng ngày.

T.T

Bình luận
vtcnews.vn