Khám phá trường học bóng đá lớn nhất thế giới

Thể thaoThứ Ba, 31/01/2017 17:35:00 +07:00

Trung Quốc đã làm khuynh đảo thị trường chuyển nhượng khi rải mưa tiền chiêu mộ những ngôi sao. Nhưng cũng ở đây, một trường học bóng đá lớn nhất thế giới đang âm thầm tạo ra những tài năng lương lai.

Trường bóng đá Evergrande rộng lớn ở phía Nam Trung Quốc có tới 48 sân bóng phục vụ cho 2.800 học sinh của mình. Ở đây, những đứa trẻ tập luyện mỗi ngày trong niềm hy vọng về vinh quang và sự giàu có.

“Bóng đá sẽ là sự nghiệp của cháu sau khi lớn lên”, Wang Kai, một học viên 13 tuổi - học nội trú ở trường hơn 3 năm, cho biết trong buổi tập luyện dưới sự giám sát của một huấn luyện viên người Tây Ban Nha. “Cháu muốn là Cristiano Ronaldo của Trung Quốc”.

2

Evergrande, với 48 sân bóng đá, là trường nội trú bóng đá lớn nhất trên thế giới  

Những giấc mơ trở thành một Ronaldo hay một Messi tiếp theo đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở đất nước mà Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện niềm khao khát biến Trung Quốc thành một quốc gia quyền lực về bóng đá.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền của cho bóng đá khiến người hâm mộ khắp thế giới không khỏi choáng váng. Những cầu thủ nổi tiếng từ châu Âu và Nam Mỹ được đưa về với phí chuyển nhượng và mức lương cao ngất. Nhưng tất nhiên điều đó là chưa đủ để bóng đá ở đất nước đông dân nhất thế giới phát triển.

3

 Các ngôi sao đang ồ ạt đổ về Trung Quốc chơi bóng, chủ yếu vì mức lương trên trời không thể cưỡng lại

Trong 2 năm qua, chính phủ đã nỗ lực tập trung vào bóng đá mà trước đây từng đầu tư để giành huy chương Olympic ở các môn thể thao cá nhân như nhảy cầu, điền kinh và thể dục dụng cụ.

Với mục tiêu củng cố và phát triển bóng đá chuyên nghiệp, Trung Quốc đã xây dựng một thế hệ cầu thủ mới bằng cách tạo ra hàng chục nghìn sân bóng đá, cộng thêm chương trình bóng đá trong hàng chục nghìn trường học. Mục đích cuối cùng là thiết lập một dòng chảy cầu thủ hàng đầu để có khả năng tìm kiếm thành công ở World Cup.

4

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi động kế hoạch biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới bóng đá 

Tuy nhiên, nếu bóng đá là tham vọng lớn của người Trung Quốc thì kế hoạch của quốc gia này có vẻ đang được tiến hành một cách vội vã và bị bóp méo, đặc biệt là ở cấp địa phương.

Hiện có nhiều cha mẹ lo lắng về con cái của mình đã dành thời gian quý báu vào việc học chơi bóng, trong khi các CLB không ngừng phung phí vào những ngôi sao nước ngoài thay vì bồi dưỡng tài năng cây nhà lá vườn.

Nhưng ít nhất, nhiều người có thể lạc quan khi biết rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tập trung vào một kế hoạch dài hơi bằng việc đào tạo xây dựng bài bản các thế hệ cầu thủ tiếp theo.

5

Buổi tập của học viên 8 tuổi ở trường bóng đá Evergrande tại Thanh Viễn, thành phố ở phía nam Trung Quốc  

Theo đó, kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng 50.000 trường học đào tạo chuyên sâu về bóng đá vào năm 2025, một bước nhảy vọt từ 5.000 trường trong năm 2015.

Số lượng các sân bóng trên cả nước sẽ tăng từ dưới 11.000 lên đến hơn 70.000 vào cuối năm 2020. Nói cách khác, 50 triệu người Trung Quốc, trong đó có 30 triệu học sinh, sẽ thường xuyên chơi bóng đá trong tương lai.

Trong khi Trung Quốc rất xuất sắc ở môn thể thao cá nhân với yêu cầu kỷ luật cao từ nhỏ thì họ lại không thực hiện tốt việc bồi dưỡng cho các môn thể thao tập thể. Tuy nhiên, trường dạy bóng đá tư nhân Evergrande đang cố gắng khắc phục hạn chế này.

Ngôi trường dạy bóng đá nội trú lớn nhất thế giới cho biết, công thức của họ là đào tạo cường độ cao kết hợp với một nền giáo dục vững chắc để có thể mở đường cho việc phát triển cầu thủ trẻ.

6

 Một học sinh 7 tuổi trong ký túc xá trường Evergrande

“Khi nhiều trường bóng đá lớn hơn được xây dựng, sẽ ngày càng có nhiều trẻ em chơi bóng và các ngôi sao cũng được nhân lên”, Liu Jiangnan, hiệu trưởng nhà trường nói. “Tôi đoán rằng trong 7 hay 8 năm nữa, một nửa số thành viên của đội tuyển Trung Quốc sẽ đến từ trường này”.

Được vẽ bởi những hy vọng như vậy, các bậc cha mẹ phải trả khoản tiền lên đến 8.700 USD một năm để gửi con ở đây, nơi 24 HLV người Tây Ban Nha giám sát đào tạo. Học sinh dành 90 phút mỗi ngày trên sân tập cũng như thi đấu vào cuối tuần. Các cầu thủ triển vọng được nhận học bổng, trẻ em từ các gia đình nghèo được giảm học phí.

Tuy nhiên, theo Sergio Zarco Diaz - một HLV người Tây Ban Nha, ngay cả ở đây, trẻ em đến với bóng đá muộn hơn ở châu Âu và Nam Mỹ, chúng thường thiếu nền tảng vững chắc trong những công việc theo nhóm và chiến thuật.

7

 Khu vườn trong khuôn viên của trường Evergrande.

Nhưng phương pháp của trường Evergrande là quá đắt đỏ để được sao chép rộng rãi. Một số trường học phải đối mặt với sự thiếu hụt huấn luyện viên và không gian cho các sân bóng.

“Bóng đá Trung Quốc đã thất bại khi đã vội vã tìm kiếm thành công ngay lập tức”, ông Zhang Lu - một bình luận viên bóng đá - cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh. Ông nhớ lại những nỗ lực thất bại trước đó vào những năm 1980 và 1990.

8

 

“Vấn đề là suy nghĩ của tất cả mọi người vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu trong tư tưởng truyền thống. Mọi người đều nghĩ rằng bóng đá chỉ là việc tạo ra những kết quả, cạnh tranh, đào tạo, tạo ra những ngôi sao”.

Thay vào đó, ông Zhang khuyến khích các trường học tập trung vào niềm vui và sự tham gia rộng rãi cho học sinh. Cách tiếp cận này giúp nhiều trẻ em vượt qua được sự đơn điệu của các lớp học và cuối cùng sẽ mang lại nhiều hơn nhà vô địch tương lai.

(Nguồn: webthethao.vn)
Bình luận
vtcnews.vn