Khám phá chàng trai 400 triệu USD của Instagram

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 15/04/2012 03:00:00 +07:00

(VTC News) - Instagram đã trở nên nổi tiếng sau vụ mua lại của Facebook, nhà sáng lập Kevin Systrom cầm chắc 400 triệu USD ở tuổi 28 tuổi.

(VTC News) - Instagram đã trở nên nổi tiếng sau vụ mua lại của Facebook, nhà sáng lập Kevin Systrom cầm chắc 400 triệu USD ở tuổi 28 tuổi. Thành công của anh chàng này đến từ tiềm lực của bản thân và sự đam mê thực sự với những "tấm ảnh vuông" kỳ ảo.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Times, nhà sáng lập Systrom đã nói về ý tưởng ban đầu của anh cho ra đời “một công cụ với khả năng chia sẻ qua mạng xã hội từng khoảnh khắc trên đường đi”. Dù trong mơ anh cũng không bao giờ hình dung được đó chính là sự khởi đầu cho một công ty có giá trị lên tới hàng tỷ USD sau này.

Nhà sáng lập Kevin Systrom 

Ứng dụng di động với 30 triệu người dùng

Instagram không phải ứng dụng di động đầu tiên cho phép mọi người chia sẻ ảnh lên Twitter, Facebook, Flickr... đây cũng không phải chương trình đầu tiên hỗ trợ các bộ lọc và hiệu ứng để ảnh mang hơi thở mới nhưng nhà tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg đã quyết định đầu tư 1 tỷ USD mua lại Instagram đúng thời điểm mạng tải ảnh này đạt 30 triệu người dùng.

Thâu tóm Instagram là thương vụ lớn nhất của Facebook từ trước đến nay. Kể từ khi khai trương dịch vụ chia sẻ ảnh miễn phí trên điện thoại di động, ông chủ Facebook đã thấy trước tiềm năng và dành hơn một năm trời theo đuổi cuộc đàm phán để có cơ hội mang tính cách mạng này.

Giới phân tích cho biết, Facebook mua lại ứng dụng này không phải là mua lại khả năng xử lý ảnh của instagram bởi lẽ Facebook đủ tiềm lực phát triển về mặt tính năng, mà điều cốt lõi là mua lại 30 triệu người dùng của Instagram.

Instagram là ứng dụng chụp ảnh được người dùng iPhone và Android ưa chuộng, mang tới cho người dùng tính năng tạo thêm các hiệu ứng nghệ thuật với hàng loạt hiệu ứng lọc màu sắc các bức ảnh chụp từ di động hoặc lưu sẵn trên máy, bổ sung thêm khung viền. Instagram cũng cho phép tải và chia sẻ hình ảnh cá nhân của mình với bạn bè giống như một mạng xã hội thu nhỏ nhưng chuyên về ảnh, có thể liên kết và tải ảnh nhanh lên Facebook, Twitter...

Xét về một khía cạnh nào đó, chàng trai trẻ 28 tuổi gần như là một mối đe doạ trực tiếp nhà tỷ phú Mark Zuckerberg. Người dùng Instagram là nhóm khách hàng mục tiêu dùng di động: Facebook bỏ ra 1 tỷ USD để thâu tóm 1 thị trường nhiều tỷ USD chứ không phải là ném tiền qua cửa sổ. Thực chất Instagram hoạt động như một mạng xã hội trên nền di động, có tiềm năng đe doạ vị trí của Facebook ở phân khúc này. Quyết định mua lại chính là để triệt hạ đối thủ tiềm năng của mình.

Ảnh định dạng vuông chụp và bổ sung hiệu ứng trên Instagram 

Thông thường ảnh được sử dụng bởi các máy ảnh trên điện thoại di động tỷ lệ 4:3 nhưng tính năng đặc biệt của Instagram được định dạng hình vuông, tương tự như hình ảnh chụp bằng Kodak Instamatic và Polaroid ra ảnh ngay. Ảnh trong Instagram là ảnh vuông với nhiều sự khác biệt nhưng lại là phần mềm chỉnh sửa ảnh dành cho bất kỳ ai không cần phải thành thạo về xử lý ảnh cũng có thể dễ dàng sử dụng được.

Tích hợp càng nhiều dịch vụ tiện ích sẽ càng làm tăng giá trị của Facebook và thỏa mãn kỳ vọng thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của công ty này đạt 100 tỷ USD trong tương lai không xa.

Ông chủ Zuckerberg đã nghe nói về chàng sinh viên Systrom học trường Stanford say mê xây dựng dịch vụ chia sẻ ảnh, trong khi Facebook cũng cần có công cụ cho người dùng chia sẻ ảnh.

Năm 2004, Zuckerberg đã gặp riêng Systrom để mời anh đầu quân cho công ty của mình nhưng Systrom đã khước từ cơ hội việc làm đó.

Zuckerberg đã muốn mua lại Instagram ngay từ khi được ra mắt, nhưng sau những cuộc thương lượng bất thành, đã xuất hiện tin đồn ông chủ Facebook đã để mắt tới Path, một ứng dụng chia sẻ ảnh khác trên nền di động cũng rất ấn tượng của nhà sáng lập Shawn Fanning.

Ứng dụng Path trên di động 

Người sử dụng Path có thể tải ảnh lên, tag ảnh và viết bình luận nhưng điểm làm cho ứng dụng này không được thuyết phục bởi tính năng cá nhân hóa của nó chỉ cho phép lưu 150 bạn và giới hạn tin nhắn.

Nhà kinh doanh đi làm phần mềm

Ở tuổi 28, Systrom là đồng sáng lập công ty Instagram thu về 400 triệu USD từ thương vụ bán lại cho Facebook.

Giao diện Instagram trên di động 

Instagram là một trong số rất ít những công ty đạt giá trị 10 con số chỉ sau hơn một năm ra đời. Ông chủ của nó mới 28 tuổi và toàn bộ nhân viên cũng chỉ có 13 người.

Trong thời cấp 3, Systrom được miễn trừ môn ngoại ngữ nên có thêm thời gian tham gia một vài lớp học về công nghệ. Lớp học đầu tiên Systrom chọn là về lập trình Pascal, và sau đó là C++. Bên cạnh đó, Systrom cũng bắt đầu tập làm quen với MySQL và PHP, nhưng chưa từng làm điều gì thật sự to tát cả.

Chơi game chính là nguồn cảm hứng đưa Systrom đến gần với chiếc máy tính. Anh đã tự mày mò thiết kế game của riêng mình và làm quen với Photoshop trong kỳ nghỉ hè để chỉnh sửa hình ảnh cho game của mình. Chính những chức năng thay đổi màu sắc đậm nhạt của phần mềm đã bắt nguồn cho sở thích chụp ảnh của anh.

Trong năm đầu đại học tại Stanford, chàng sinh viên Systrom học thực sự không tốt lắm. Xung quanh toàn những cá nhân thông minh xuất chúng khiến anh nghĩ rằng có lẽ mình hợp hơn với những thứ như kinh doanh. Chính anh phát hiện ra rằng chẳng có lớp đại học nào trang bị cho bạn kiến thức để khởi nghiệp cả và chỉ có thể học được nếu tự tay làm việc đó.

Ngay từ khi học đại học, Systrom đã rất mê nhiếp ảnh và luôn nghĩ ra những cách khác nhau để chia sẻ ảnh trực tuyến.

Anh từng thực tập tại Odeo cũng như có một thời gian ngắn làm marketing cho Google rồi lại chuyển tới Nextstop, trang tư vấn về du lịch được Facebook mua lại với giá 2,5 triệu USD.

Systrom sau đó khởi động Burbn (tên đồ uống mà anh yêu thích) - dự án tham gia vào những lĩnh vực "hot" trên di động như chia sẻ ảnh, địa điểm giống Foursquare. Nhưng nó thiếu sự định hướng rõ ràng. Đồng hành với Systrom có Krieger, cũng là một sinh viên Đại học Stanford. Cả hai nghĩ đến chuyện thu hẹp lại chiến lược và muốn chỉ tập trung vào phát triển thật tốt một thứ gì đó.

Instagram được thành lập vào tháng 6/2010 và ứng dụng ảnh cho iOS và Android trình làng tháng 10/2010. Sau 551 ngày, hay 78 tuần, 2 nhà sáng lập tuổi ngoài đôi mươi đã biến đội ngũ nhân viên ít ỏi (đa số gia nhập cuối năm 2011 đầu 2012) thành những người giàu có và được coi là may mắn bậc nhất thung lũng Silicon.

Nếu chia trung bình từ ngày thành lập, Instagram kiếm được 1,8 triệu USD mỗi ngày, hay 12,7 triệu USD mỗi tuần, từ mạng xã hội Facebook.

Vũ Anh Tú (ảnh: Flickr, Facebook)


Bình luận
vtcnews.vn