Khai tử loạt show truyền hình để tránh những hiểm họa khôn lường

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 21/03/2015 05:59:00 +07:00

(VTC News) - Những gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, thiếu văn hóa sẽ đẩy khán giả đến những hiểm họa khôn lường.

(VTC News) - Những gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, thiếu văn hóa sẽ đẩy khán giả đến những hiểm họa khôn lường.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mạnh tay rà soát các chương trình truyền hình, trong đó sai phạm chủ yếu thuộc về các chương trình liên kết, tập trung vào lĩnh vực giải trí, gameshow phát sóng trên kênh VTV3.

Đáng chú ý, có nhiều chương trình do đối tác liên kết thực hiện để xảy ra sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần như: Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD); Công ty TNHH Quảng cáo, tư vấn và tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa.  

Trong số này, BHD và Cát Tiên Sa được coi là hai “ông lớn’ trong thị trường giải trí trên truyền hình. Hầu hết những chương trình “hot”, lượng người xem lớn chiếm sóng khung giờ vàng đều do hai đơn vị này sản xuất.

Tiết mục Lấy khăn Piêu của người Thái làm khố của người Tây Nguyên gây bức xúc của F Band:



Trong số những gameshow bị “sờ gáy” lần này có nhiều chương trình đã rục rịch lên sóng mùa tiếp theo, hoàn thiện hết khâu chuẩn bị, hoặc chỉ còn đợi “chạy” theo kịch bản, từ nội dung đến scandal và chờ đợi bội thu quảng cáo.

Để dẫn đến sự việc ồn ào này, có lẽ nhà đài phải tự trách mình trước, khi trao quá nhiều quyền hành cho các đơn vị liên kết.

Khán giả vẫn còn nhớ các thí sinh của một show truyền hình thực tế dùng khăn Piêu của người dân tộc Thái làm khố của người Tây Nguyên, gameshow dung tục cởi áo, cãi nhau như hàng tôm hàng cá hay trào lưu giả nam giả nữ tràn lan trong nhiều chương trình.
truyền hình thực tế
Lấy khăn Piêu của người Thái làm khố của người Tây Nguyên trong một chương trình truyền hình thực tế 
Vài năm trở lại đây, truyền hình thực tế du nhập vào Việt Nam, nhanh chóng trở thành lãnh địa béo bở của các đơn vị truyền thông cũng như nhà đài. Từ đó, liên tiếp các chương trình của nước ngoài được mua bản quyền sản xuất và lên sóng, kín mít sóng truyền hình nhiều ngày trong tuần.

Không ít lần, khán giả màn ảnh nhỏ ra sức  ‘la ó’ vì sự lũng đoạn của truyền hình thực tế. Nhưng ngay lập tức, chẳng còn ai ‘la ó’, thay vào đó là sự kinh ngạc khi biết mức lợi nhuận khổng lồ từ các chương trình này mang lại.

Chương trình The Voice – Giọng hát Việt có mức giá quảng cáo 150 triệu đồng/ 30 giây, chung kết The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí 2013 có mức giá quảng cáo 280 triệu đồng /30 giây…đỉnh điểm là chung kết Gương mặt thân quen 2014 công khai mức giá 320 triệu đồng/ 30 giây quảng cáo.

Với khoản siêu lợi nhuận kếch xù ấy, ai đủ dũng cảm nói lời từ chối phát sóng?

Và để có được cái giá ngất ngưỡng này, các đơn vị sản xuất phải tìm mọi cách kéo khán giả ngồi lại trước màn hình.

Giữa những đòi hỏi cạnh tranh khốc liệt kéo khán giả ngồi trước màn hình tivi, scandal trở thành món ăn không thể thiếu trong các chương trình truyền hình thực tế: lộ kết quả, mua nước mắt, câu khách bằng hoàn cảnh éo le, chuyển giới…

Thế nên thí sinh được chọn trong các chương trình truyền hình thực tế chưa hẳn đã là người xuất sắc nhất, mà đôi khi lại là người gây được hiệu ứng khán giả tốt nhất.
Quỳnh Anh trở thành ‘hiện tượng’ giữa tâm bão scandal mùa Vietnam’s Got Talent đầu tiên
Quỳnh Anh trở thành ‘hiện tượng’ giữa tâm bão scandal mùa Vietnam’s Got Talent đầu tiên 
Ví như trong một show truyền hình thực tế Trung Quốc, cậu bé 9 tuổi Uudam đã khiến tất cả người xem bật khóc với phần thể hiện bài hát Mother in the dream (Mẹ về trong mơ) với rất nhiều xúc cảm, vì mẹ cậu bé đã không còn.

Cũng ca khúc này, ở phiên bản Việt trong chương trình Đồ Rê Mí 2012, Trần Nhật Tiến lại không nhận được sự đồng cảm khi khóc ‘như mưa như gió’. Nhiều người thẳng thắn cho rằng tiết mục đã được dàn dựng thái quá, đánh cắp đi sự hồn nhiên con trẻ.

Hay việc Quỳnh Anh trở thành ‘hiện tượng’ giữa tâm bão scandal mùa Vietnam’s Got Talent đầu tiên.

Sau khi Quỳnh Anh bị loại, mẹ cô bé lập tức lên các phương tiện truyền thông, trang tin nội bộ nơi bà làm việc đưa ra những ý kiến gay gắt cho rằng con gái mình bị loại thiếu thuyết phục.

Đi cùng với đó là những tranh cãi ồn ào, cách hành xử lời qua tiếng lại thiếu văn minh giữa những người lớn đẩy cô bé 15 tuổi vào vòng xoáy dư luận không đáng có.

Chiêu trò thu hút sự chú ý dư luận của nhà sản xuất đã dẫn đến hệ lụy thật đáng buồn, đó là sự tổn thương của một cô bé mới lớn, về lòng tin cuộc sống khi lần đầu bước chân vào một sân chơi mang tính giải trí.

Sau khi chứng kiến những gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, đầy rẫy cảnh dung tục, cởi áo, cãi nhau thiếu văn hóa, trẻ em rộ ‘mốt’ nam giả nữ… Những yếu tố cấu thành nên văn hóa đang ngày càng trở nên thiếu văn hóa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn với VTC News, rằng với cách duy trì như thế này, sự suy thoái văn hóa sẽ chạm ngưỡng và sẽ đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường.

Nhiều chương trình đứng trước nguy cơ khai tử, là sự cảnh tỉnh cho những ông lớn đang tìm mọi cách làm xấu xí đi các chương trình giải trí vì mục đích lợi nhuận.

Clip thí sinh Vietnam's Got Talent 2014 uống nhầm axit trên sân khấu:


Thuần Vũ
Bình luận
vtcnews.vn