Kéo cờ trắng

Tổng hợpThứ Ba, 31/05/2011 10:34:00 +07:00

Đang cố gắng nhích lên từng milimet ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, Thịnh nghe có người gọi tên mình. Nhìn ra xung quanh, tất cả phụ nữ đều bịt mặt kín như Nija...

Đang cố gắng nhích lên từng milimet ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, Thịnh nghe có người gọi tên mình. Nhìn ra xung quanh, tất cả phụ nữ đều bịt mặt kín như Nija, thật khó đoán biết âm thanh được phát ra từ đâu. Phân vân chưa biết nên tiếp tục tiến lên hay đợi người gọi mình đến gần, Thịnh chợt nhận thấy một con bé chừng mười tuổi đang bám vào vai mẹ rướn lên vẫy rối rít. Cả con bé cũng bịt khẩu trang và đội mũ bảo hiểm khiến Thịnh không nhận ra con cái nhà ai. Người phụ nữ  lách xe đến chỗ Thịnh reo lên: “Chị ra công tác à? Sao không báo cho em biết? Hôm nay về ăn cơm với mẹ con em đi”. Bây giờ thì Thịnh đã nhận ra Hoài, vợ Tuấn – cậu bạn học cùng phổ thông gần ba chục năm về trước. “Sao lại ăn cơm với mẹ con em? Bà và bố nó đi đâu?” “Con ai người ấy chăm rồi chị ạ. Em và con Bẹp đã dọn về Thái Thịnh được mấy năm”. Thảo nào mấy lần hội lớp gần đây không thấy Tuấn đưa Hoài đi cùng. Hỏi thăm cứ bảo Hoài đi công tác vắng.

 
Hồi Tuấn lấy vợ, cả lớp Thịnh con đàn con đống kéo nhau đi hết. Không khác gì ngày hội trường. Gần bốn mươi tuổi Tuấn mới gặp được Hoài. Bạn bè trong lớp có đứa đã nửa đùa nửa thật sẽ gả con gái cho Tuấn nếu dăm bảy năm nữa Tuấn vẫn chưa cùng ai. Rất nhiều cuộc mai mối không thành. Có năm, sinh nhật Tuấn được bạn bè tổ chức mỗi tháng một lần. Cũng chỉ lấy cớ để mang đến một cô “quá lứa” nhưng “tuyệt hay” giới thiệu cho Tuấn. Cuối cùng Thịnh là người “mát tay” nhất. Hoài làm kế toán cho một dự án phi chính phủ của cơ quan Thịnh. Sau khi Hoài hoàn thành một cơ số bằng cấp, chứng chỉ “đủ để thay giấy dán tường” (theo cách nói của cô) thì mấy đứa bạn thân đã con cái đề huề. Thỉnh thoảng cả gia đình đi nghỉ mát, chúng mang chó, mèo đến nhờ cô trông giúp. Lễ tết, trung thu, sinh nhật, ngày một tháng sáu, chúng í éo gọi “mẹ Hoài mua quà cho cu Bông”; “mẹ Hoài mua quà cho con Mít”… Hoài bảo: “khi nào tao chết chúng mày cho mấy đứa đội khăn xô, đi giật lùi nhé”. Thế là thành “nghĩa vụ”.

Hoài không xấu, thậm chí càng nói chuyện càng thấy cô có duyên. Hồi cô chưa lấy Tuấn, cánh đàn ông trong cơ quan thích rủ cô ra quán Cà phê Trung nguyên gần Hồ Ngọc Khánh để than thở về sếp, xưng tội “dối vợ” và nhờ cô làm trung gian hòa giải. Cô có hẳn một kho lời khuyên về các loại quà tặng cho mọi thành phần, lứa tuổi và giới tính. Có lão còn bảo, hay là cô nên xin nghỉ việc dự án, mở cửa hàng bán quà lưu niệm và tư vấn hôn nhân. Trước hôm Hoài lên xe hoa, nhóm CCCP* (Chè cháo cà phê) đã tổ chức một buổi lễ “truy điệu” hoành tráng - “Đưa người về nơi giá băng”. “Sống với bọn đàn ông vừa lười biếng, vừa vô trách nhiệm như bọn anh thì có sung sướng gì cho cam mà em lại ra đi!”. Lão Nhiệm rầu rầu phát biểu.

Tuấn là con trai duy nhất của mẹ. Bố Tuấn đã bỏ đi từ khi Tuấn còn rất nhỏ, vì cảm thấy mình không còn chỗ đứng trong trái tim của vợ. “Chẳng lẽ lại đi ghen với con mình?” Đấy là lời phân trần duy nhất của ông lúc ra tòa. Ông có thêm hai con nữa với người vợ sau. Mẹ Tuấn ở vậy cho đến giờ. Trong con mắt bà, không có người đàn ông nào đủ tư cách làm bố dượng của con trai mình và cũng chẳng có cô gái nào có thể chăm sóc Tuấn tốt hơn bà. Khi Tuấn được biệt phái sang Lào làm việc một năm, bà xin nhà trường cho nghỉ dạy không lương để đi theo con trai. Tuấn vào Sài gòn, bà cho thuê nhà ở Hà Nội, chuyển vào thuê một căn hộ chung cư, giặt giũ, nấu nướng, đợi cơm, chờ cửa… và coi đấy là niềm hạnh phúc duy nhất của đời mình.

Hoài về làm dâu, bà bị tước mất quyền nấu ăn buổi sáng cho hai mẹ con. Đầu phố nhà Tuấn có cơ man là hàng quà. Hoài thường rủ Tuấn cùng đi ăn rồi mua về cho mẹ. Mấy tuần đầu, bà còn gẩy vài miếng cho các con vui lòng. Về sau bà lấy cớ bị đau bụng, kiên quyết không đụng đũa. Hoài vẫn đi ăn sáng. Tuấn trở lại ăn ở nhà với mẹ như hồi chưa vợ. Chuẩn bị sinh con Bẹp, Hoài bàn với Tuấn mua máy giặt. “Em đẻ xong phải kiêng nước ít nhất một tháng. Chẳng lẽ để mẹ giặt hết đồ của cả nhà”. Vận động mãi bà mới đồng ý cho kê chiếc máy giặt lên tầng thượng và thuê thợ đến lắp đường ống. Trước khi ngủ, Hoài cho quần áo của cả nhà vào máy, sáng dậy sớm lên phơi trước khi đi làm. Chỉ đợi Hoài dắt xe ra cổng là bà mang quần áo của Tuấn ra giặt lại. Bà cho rằng Tuấn không lên được trưởng phòng cũng chỉ vì quần áo của anh bị giặt lẫn với đồ lót đàn bà.

Con Bẹp đến tuổi đi học, Hoài cho con bé tham gia câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, học bơi, học vẽ… Hầu như hôm nào cũng sau bảy giờ hai mẹ con mới về đến nhà. Ở nhà cả ngày không có việc gì, bà vào bếp từ hai giờ chiều. Mâm cơm tối dọn lên, rau muống luộc đã thâm đen, cơm ngấm mồ hôi từ vung nồi nhỏ xuống nhạt hoét. Hoài bảo: “Mùa hè, mẹ cứ ngồi trên nhà đọc sách và xem tivi cho mát. Thỉnh thoảng mẹ nên tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh với các cụ cho đỡ buồn. Cơm nước cứ để tối về con với anh Tuấn tranh thủ cũng được.” Bà xin ra ăn riêng. “Tôi già rồi, giờ giấc lung tung. Đợi anh chị đi làm về là hết muốn ăn. Với lại tôi thích ăn cơm nát, anh chị lại ăn cơm khô. Tôi ăn đồ chay, anh chị với con Bẹp phải có thịt thà tôm cá mới nuốt được”. Bà chia ngăn tủ bếp ra hai phần. Hai giá bát đĩa, hai chai nước mắm, hai bình ga… Buổi tối, Tuấn sợ mẹ ăn cơm một mình buồn nên thường ngồi ăn với mẹ. Hoài và con gái về lúc nào nổi lửa lúc ấy. Ăn riêng, ngủ chung.

Bà đi chợ trời mưa bị thụt chân xuống hố ga trước nhà. Một tháng liền, Tuấn kê giường xếp ngủ trong phòng mẹ. Hai mẹ con nấu ăn ngay trong phòng ngủ bằng chiếc bếp ga du lịch. Buổi tối, bà ngồi dựa vào con trai xem tivi. Con Bẹp vào bóp chân bà cũng không mượn. Bố Tuấn tay đàn ông khỏe hơn. Khi nhúc nhắc đi lại được, bà đòi về quê với bà dì đã góa chồng đang ở cùng con trai. “Nếu anh chị sợ tôi bị vợ thằng Hoạt (con trai bà dì) đối xử tệ bạc thì cứ cho tôi vào nhà dưỡng lão. Vào đấy còn có người chuyện trò. Tôi ở đây cứ như thừa ra…” Tuấn sợ mẹ buồn không dám quay về phòng ngủ của hai vợ chồng. Quần áo của Tuấn, bà đem thẳng về phòng mình là lượt rồi treo lên. Buổi tối, Hoài dạy con học ngay trong phòng ngủ. Phòng khách thênh thang. Chiếc TV 45 inch chẳng có ai bật lên bao giờ. Nhiều hôm nửa đêm Tuấn rón rén bước về phía vợ con, nghe mẹ trở mình thở dài, anh lại dừng chân. Cực chẳng đã, Hoài bảo: “Mẹ và anh sẽ hạnh phúc hơn nếu không có em và con Bẹp. Anh ở lại làm tròn hiếu nghĩa với mẹ. Nếu đợi được thì em đợi.”

Thịnh theo Hoài về thăm chỗ ở của hai mẹ con. Căn hộ này trước kia là của Hoài. Khi lấy Tuấn, Hoài cho sinh viên thuê. Lúc dọn về đây, Tuấn cũng đến giúp sửa sang, quét lại sơn tường, treo tranh và đóng giá sách. “Thấy em và con Bẹp dọn đi, bà nội bảo sao?” Thịnh hỏi. “Bà chỉ nói: “Tùy anh chị”. “Thỉnh thoảng Tuấn có đến thăm hai mẹ con không?”. “Hôm nào nhớ con thì Tuấn đứng đợi ở cổng trường. Hôn hít con bé một lúc, em đến thì Tuấn về với bà.” “Hai vợ chồng vẫn ‘gặp nhau cuối tuần’ chứ?” Thịnh nháy mắt. “Cũng toàn tranh thủ trong giờ như cặp bồ. Tuấn không muốn về muộn, sợ mẹ đợi cơm”. “Em định cứ kéo dài mãi thế này sao?”. “Em không biết. Nhưng mợ của anh Tuấn làm dâu cho đến tận năm 65 tuổi đấy. Bà ngoại anh ấy mất lúc 94”. Hoài hạ giọng thì thầm.

Thanh Chung

Bình luận
vtcnews.vn