Kem chống nắng Mỹ gây cháy da

Kinh tếThứ Hai, 22/10/2012 12:47:00 +07:00

Nhà sản xuất kem chống nắng Mỹ Banana Boat vừa phải thu hồi một số sản phẩm dưới dạng xịt do tiềm ẩn nguy cơ gây cháy da người sử dụng.

Nhà sản xuất kem chống nắng Mỹ Banana Boat vừa phải thu hồi một số sản phẩm dưới dạng xịt do tiềm ẩn nguy cơ gây cháy da người sử dụng.

Theo quyết định thu hồi của Energizer Holdings - công ty quản lý Banana Boat - một số lượng khá lớn kem chống nắng UltraMist đã phải rời khỏi các kệ hàng. Nhiều người tiêu dùng cho biết, sau khi thoa kem, nếu tiếp xúc với lửa, da họ rất dễ bắt lửa và bốc cháy. Có ba sản phẩm kem chống nắng nằm trong danh sách thu hồi là UltraMist Sport, UltraMist Defense và UltraMist Kids.

Người phát ngôn công ty cho hay, hiện họ đã nhận được báo cáo về 5 trường hợp khách hàng bị cháy da sau khi thoa kem chống nắng hồi năm ngoái. Trong đó, có 4 trường hợp xảy ra tại Mỹ và 1 trường hợp ở Canada. Theo số liệu thống kê, hơn 20 triệu sản phẩm kem chống nắng UltraMist đã được bán ra kể từ năm 2010.

Chuyên gia kỹ thuật của Energizer giải thích, nguyên nhân có thể nằm ở van xịt của lọ kem chống nắng. Lỗi từ bộ phận này khiến khách hàng, khi thoa một lượng lớn kem lên da, sẽ mất nhiều thời gian hơn để chờ kem khô đi. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ gây cháy da.

"Nếu khách hàng tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa hoặc thậm chí tàn lửa trước khi lớp kem thoa lên da khô hoàn toàn, có khả năng lớp kem này sẽ bắt lửa và gây cháy", thông cáo báo chí của Energizer nhấn mạnh.

Sản phẩm kem chống nắng UltraMist bị thu hồi. 
Thực ra, trên bao bì kem chống nắng UltraMist có ghi: "Tránh xa nguồn gây cháy - Không hút thuốc". Tuy nhiên, chuyên gia da liễu khẳng định, đa phần người tiêu dùng không thường đọc những cảnh báo trên nhãn mác như vậy.

"Người ta thoa kem chống nắng khi có việc ra ngoài. Vì vậy, tôi nghĩ mọi người khó tránh được nguồn gây cháy như hướng dẫn trên sản phẩm", bác sĩ Michele Green - khoa Da liễu Bệnh viện Lenox Hill, New York cho biết.

Cũng theo bác sĩ Green, kem chống nắng chứa aerosol trở nên rất thông dụng vài năm trở lại đây do chúng nhanh hơn và dễ dùng hơn loại kem chống nắng thông thường.

Nhiều chuyên gia về bỏng nhận định, hiện tượng bắt lửa khi sử dụng kem chống nắng cực kỳ hiếm gặp. Tiến sĩ Darrel Rigel - giáo sư ngành da liễu học tại Đại học New York - thú nhận: "Tôi đã làm trong lĩnh vực này suốt 30 năm qua và chưa hề chứng kiến hoặc nghe thấy trường hợp tương tự xảy ra trước đây".

Giáo sư Rigel chỉ ra rằng, thành phần dễ cháy trong aerosol, như cồn chẳng hạn, là nguyên liệu thường gặp trong rất nhiều sản phẩm như keo xịt tóc, lăn khử mùi dạng xịt.

Trong khi đó, Dan Dillard, thành viên Ban giám đốc Burn Prevention Network, tiết lộ, nhóm của ông đã nhận được báo cáo về 2 trường hợp bỏng liên quan tới kem chống nắng dạng xịt: Một người đàn ông bị cháy da khi đang đứng gần lò nướng thịt cừu và một phụ nữ gặp sự cố khi đang thao tác với dụng cụ có lửa trong đám cưới. Cả hai nạn nhân đều được kết luận bỏng độ 2 và độ 3.

Khánh Huyền
(theo AP)
Bình luận
vtcnews.vn