Kế hoạch mới của thủy thủ tàu ngầm Đà Nẵng

Thời sựThứ Bảy, 22/03/2014 10:52:00 +07:00

Cán bộ, thủy thủ kíp tàu ngầm số 5 Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực phấn đấu khi sang Nga học tập, huấn luyện chuyên ngành tàu ngầm.

Cán bộ, thủy thủ kíp tàu ngầm số 5 Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực phấn đấu khi sang Nga học tập, huấn luyện chuyên ngành tàu ngầm.

Chiều 20/3, tại Trung tâm huấn luyện 125 thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự đóng quân ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Quân chủng Hải quân đã tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho kíp tàu ngầm số 5 mang tên Đà Nẵng đi học tập tại Nga.

Tham dự hội nghị có Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân; ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; đại diện các cơ quan chức năng Quân chủng Hải quân và cán bộ, thủy thủ kíp tàu ngầm số 5.

Theo đánh giá của chỉ huy khung thường trực quản lý lực lượng tàu ngầm Hải quân, sau một thời gian học tập, đến nay, cán bộ, thủy thủ kíp tàu ngầm số 5 Đà Nẵng đã hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra và sẵn sàng lên đường sang Nga tiếp tục học tập, đào tạo, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật.
 Cán bộ, thủy thủ kíp tàu ngầm số 5 Đà Nẵng
Đây là kết quả và yếu tố quan trọng để cán bộ, thủy thủ kíp tàu ngầm số 5 tiếp tục nỗ lực phấn đấu khi sang Nga học tập, huấn luyện chuyên ngành tàu ngầm.

Thủy thủ tàu ngầm được quan tâm đặc biệt không chỉ trong việc huấn luyện mà còn trong chế độ dinh dưỡng và mức lương.

Theo các chuyên gia đầu ngành, vấn đề chăm lo sức khỏe cho thủy thủ tàu ngầm là yêu cầu mới và cấp bách không những đối với y học Hải quân mà cả ngành quân y của Việt Nam.

Trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103 - Học viện Quân Y cho biết:

 "Chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho các thủy thủ làm việc dưới tàu ngầm phải đảm bảo những nhu cầu chung tối thiểu là không khí, nước sạch, ánh sáng, nhiệt độ và các nhu yếu phẩm riêng theo tiêu chuẩn riêng để đảm bảo cho các thủy thủ đoàn có thể hoạt động làm việc bình thường cũng như nâng cao khả năng thích nghi và sức chịu đựng trong thời gian đi biển độc lập dài ngày".

Trước đó, năm 2012, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) cũng đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng sử dụng cho lực lượng tàu ngầm.

Sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Viên nén được thiết kế theo tiêu chí thực phẩm cứu sinh (tối ưu về dinh dưỡng, tối thiểu về trọng lượng).

Mỗi viên nén có khối lượng từ 3g đến 3,5g, năng lượng từ 8 Kcal/viên đến 10 Kcal/viên, được đóng gói phù hợp, thuận tiện trong sử dụng (sản phẩm dùng cho cá nhân được đóng gói dạng tuýp, dùng cho tập thể được đóng gói trong hộp thiếc).

Sản phẩm được dùng để bổ sung hoàn thiện khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thể sử dụng thay thế bữa ăn trong tình huống cứu sinh, thủy thủ tàu ngầm có thể nhai, ngậm để bổ sung dinh dưỡng, chống oxi hóa, chống căng thẳng và mệt mỏi.

Đối với mức lương, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân cho hay: "Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định ban hành chế độ chính sách cho lực lượng đặc biệt này (hải quân) với nhiều ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở, tuổi phục vụ...
 Phó Tư lệnh hải quân Việt Nam - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh
Hải quân đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà công vụ cho tất cả sĩ quan hải quân đang tại ngũ - một kiểu “thành phố quân sự” để anh em yên tâm chuyện gia đình mà lo tập trung huấn luyện chiến đấu.

Chế độ lương mới cho sĩ quan và chiến sĩ tàu ngầm cũng đã có. Theo tôi, mức lương 35 triệu đồng cho một trung úy và 55 triệu đồng cho một đại tá phục vụ dưới tàu ngầm (gấp hơn hai lần so với lương chuẩn đô đốc của tôi) đủ cho một sĩ quan yên tâm lo cho một gia đình nhỏ để phục vụ quân đội và quân chủng lâu dài".

» Tiết lộ 3 'sát thủ' của tàu ngầm Kilo Việt Nam
» Tàu ngầm TP.Hồ Chí Minh sắp cập cảng Cam Ranh
» Tàu ngầm TP.HCM cần cảnh giác với chiến hạm nước ngoài ở Malacca
» Khi nào Việt Nam đón tàu ngầm TP. Hồ Chí Minh?

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn