Kệ bán muối ở siêu thị Trung Quốc sạch hàng khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân

Tư liệuThứ Sáu, 25/08/2023 14:50:01 +07:00
(VTC News) -

Người dân một số vùng ven biển Trung Quốc đã đổ xô đi tích trữ muối ăn sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước ô nhiễm hạt nhân Fukushima ra biển.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Giang Tô) ngày 24/8, rất đông khách hàng mua muối và mặt hàng này cũng “sạch bóng” trên nhiều kệ hàng của một số siêu thị.

Nhiều người dân mua muối ăn cho biết, dù biết thời hạn sử dụng của muối ăn tới 3 năm nhưng họ “theo trào lưu” và tích trữ “một ít” khi thấy người khác mua.

Tình hình tượng tự cũng diễn ra tại thành phố Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến).

“Đêm qua tôi nhận được điện thoại của mẹ, nói rằng nước nhiễm hạt nhân đã xả ra biển, lo muối ăn cũng sẽ bị ô nhiễm nên bảo tôi tích trữ một ít muối”, Li - một khách hàng cầm trên tay 2 gói muối chờ thanh toán - chia sẻ.

Người dân mua muối tại một siêu thị ở Thượng Hải, ngày 24/8. (Ảnh: Shine.cn)

Người dân mua muối tại một siêu thị ở Thượng Hải, ngày 24/8. (Ảnh: Shine.cn)

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các kệ muối trong một số siêu thị ở Bắc Kinh hay Thượng Hải cũng trống trơn, trong khi truyền thông cho biết cổ phiếu của một số công ty lọc nước mặn Trung Quốc đã tăng tới 10%.

Một phần sự hoảng loạn của công chúng đến từ các nhóm WeChat, một số nhóm đã bắt đầu chia sẻ thông tin về việc “tích trữ muối”.

“Thực sự tôi không cần thiết phải tích trữ muối, nhưng khi thấy mọi người đổ xô đi mua muối vào sáng nay, tôi đã lặng lẽ đặt 10 gói”, một cư dân mạng cho hay.

Ghi nhận tại một sàn thương mại điện tử thực phẩm tươi sống vào trưa 24/8, các mặt hàng muối natri thấp và muối không i-ốt trên nhiều gian hàng đều hiển thị "hết hàng" và "đang bổ sung".

“Một phút trước, loại muối Hema có hàm lượng natri thấp vẫn còn trong kho nhưng khi chuẩn bị quẹt thanh toán thì đã hết hàng”, một người tiêu dùng cho biết.

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng thành phố Phúc Châu đã lên tiếng trấn an người dân, khẳng định đảm bảo nguồn cung muối ăn và bình ổn giá cả, khuyến cáo người dân mua hàng một cách hợp lý, không tin hay tung tin đồn thất thiệt.

Một quản lý siêu thị ở thành phố Dương Châu cũng chỉ ra rằng, phần lớn mặt hàng muối ở Dương Châu là muối mỏ và phần lớn muối mà người Trung Quốc tiêu thụ cũng là muối mỏ nên người dân không cần phải hoảng sợ và không cần phải lo lắng "dự trữ muối".

Người phụ trách Tập đoàn Công nghiệp muối tỉnh Quảng Đông cho biết, hiện nay dự trữ muối của doanh nghiệp là 108.000 tấn, bao phủ 100% địa bàn hành chính các thành phố, quận trong tỉnh, có thể phản ứng nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo nguồn cung muối cho người dân, đồng thời kêu gọi người dân “đừng hoảng sợ” và không đi theo người khác để “tích trữ muối”. Được biết, hiện muối biển chiếm 1/3 thị trường muối ăn ở tỉnh Quảng Đông.

Ông Wang Xiaoqing, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp muối Trung Quốc, cho biết muối ăn được sản xuất tại Trung Quốc sử dụng muối biển, muối mỏ và muối hồ làm nguyên liệu thô, tỷ lệ thành phần của chúng lần lượt là 22%, 61% và 17%. Các nghiên cứu chỉ ra rằng muối ăn chứa thành phần muối biển ở địa phương vẫn đảm bảo an toàn.

“Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Sản lượng muối trong nước đủ để đáp ứng nhu cầu, vì vậy khách hàng không nên tích trữ”, ông Wang nói.

Siêu thị ở Thượng Hải chỉ cho mỗi khách hàng mua 2 lọ muối/ngày. (Ảnh: Shine.cn)

Siêu thị ở Thượng Hải chỉ cho mỗi khách hàng mua 2 lọ muối/ngày. (Ảnh: Shine.cn)

Nhà máy Fukushima Daiichi bị phá hủy vào tháng 3/2011 sau khi một trận động đất mạnh 9,0 độ richter tạo ra sóng thần mạnh, khiến ba lò phản ứng tan chảy. 

Việc xả nước phóng xạ là một bước quan trọng trong quá trình đóng cửa nhà máy Fukushima, đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cách đây hai năm và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc “bật đèn xanh” tháng trước.

Tuy nhiên, kế hoạch xả thái của Nhật Bản vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nghiệp đoàn đánh cá nước này, cũng như các láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ngay sau khi quy trình xả thải được tiến hành vào ngày 24/8, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản, “để ngăn chặn hoàn toàn các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân của nhà máy Fukushima ra biển, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu”.

Bắc Kinh hồi đầu tuần cũng tuyên bố sẽ thực hiện "các bước cần thiết" để đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường biển. Trước đó, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết cơ quan này sẽ tăng cường giám sát mức độ phóng xạ ở các vùng biển của Trung Quốc và theo dõi mọi tác động từ việc xả thải của Nhật Bản.

Theo báo cáo của nhà máy điện lực Tokyo (Tepco), dự kiến quá trình xả nước thải, hiện có tổng cộng hơn 1,3 triệu tấn, sẽ mất khoảng 30 năm. Nước thải từ nhà máy Fukushima sẽ được xả theo từng phần nhỏ và được kiểm tra đánh giá thường xuyên. Lần đầu tiên xả 7.800 mét khối, tương đương khoảng ba bể bơi Olympic, dự kiến kéo dài trong khoảng 17 ngày.

Kết quả kiểm tra được Tepco công bố hôm 24/8 cho thấy, nước thải chứa khoảng 63 becquerel tritium mỗi lít, thấp hơn quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về giới hạn trong nước uống là 10.000 becquerel mỗi lít. Becquerel là một đơn vị đo độ phóng xạ.

Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết sẽ tiến hành giám sát xung quanh khu vực xả nước và công bố kết quả hằng tuần.

Hoa Vũ(Nguồn: Global Times)
Bình luận
vtcnews.vn