'Hung thủ' khiến huyết áp luôn ở mức cao, đây là yếu tố bạn nhất định phải tránh

Tư vấnThứ Sáu, 15/04/2022 19:45:00 +07:00
(VTC News) -

Những thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân âm thầm gây ra tình trạng tăng huyết áp và khiến những người huyết áp cao thêm trầm trọng.

Chúng ta thường không quan tâm lắm đến chỉ số huyết áp của mình, cho đến khi được bác sĩ cảnh báo.

Nhiều người thường chỉ lo lắng tới những bệnh mà họ nghĩ rằng nguy hiểm như ung thư, đột quỵ hay đau tim. Tuy nhiên, huyết áp cao cũng là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không chỉ dễ bị bỏ qua mà còn có thể dẫn đến một số bệnh mãn tính khác. Vì không có triệu chứng nên huyết áp cao còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng".

Thông thường, chỉ sau khi đối mặt với những hậu quả, người ta mới nhận thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Huyết áp cao không chỉ ảnh hưởng đến tim và động mạch mà còn khiến người bệnh dễ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm đến tính mạng như đau tim, suy tim, đột quỵ và hơn thế nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải thận trọng hơn với vấn đề này.

Mức huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg. Huyết áp cao được định nghĩa là huyết áp trên 140/90 mmHg. Nếu huyết áp trên 180/120 mmHg thì được xếp vào mức độ nghiêm trọng.

'Hung thủ' khiến huyết áp luôn ở mức cao, đây là yếu tố bạn nhất định phải tránh - 1

Những người thường xuyên bị huyết áp cao cần lưu ý một số thứ có thể góp phần làm huyết áp tăng vọt mà bạn không ngờ tới.

Dư thừa natri

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết: “Có một mối liên hệ chặt chẽ, trực tiếp giữa bài tiết natri và huyết áp cao. Theo cơ quan y tế Hoa Kỳ, những người có lượng natri ước tính cao hơn bình thường cũng sẽ có huyết áp cao hơn. Ngay cả khi bạn đang cắt giảm lượng muối khi chế biến thực phẩm, bạn cũng phải đề phòng các nguồn natri ẩn chứa trong các loại thực phẩm đóng gói sẵn và đồ nướng.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cảnh báo: “Một chế độ ăn uống quá nhiều muối, cũng như calo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp”.

Không ăn đủ rau và trái cây

Theo AHA, kali là khoáng chất chống lại natri. Điều đó có nghĩa bạn càng ăn nhiều kali, thì cơ thể càng thải nhiều natri qua nước tiểu. Hơn nữa, kali được cho là làm giảm huyết áp của động mạch và thành mạch máu. Cách tốt nhất để tăng lượng kali trong cơ thể là áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh.

Các loại rau và trái cây như rau chân vịt, súp lơ xanh, bơ, chuối, củ cải đường, cam, cà chua, nước dừa đều là những nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Đó là lý do tại sao bạn nên đưa chúng vào chế độ ăn uống của mình nếu đang bị huyết áp cao.

Căng thẳng quá mức

'Hung thủ' khiến huyết áp luôn ở mức cao, đây là yếu tố bạn nhất định phải tránh - 2

Không giống như chế độ ăn uống và sinh hoạt, căng thẳng không ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp của cơ thể. Khi căng thẳng, mức huyết áp sẽ tăng lên và khi giảm căng thẳng, thần kinh sẽ bình tĩnh lại.

Tuy nhiên, quá căng thẳng có thể gây tổn thương thành mạch máu. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, căng thẳng cũng có thể khuyến khích các hành vi không lành mạnh làm tăng huyết áp như lười vận động, ăn uống kém, hút thuốc và uống rượu.

Không ngủ đủ giấc

Chất lượng giấc ngủ kém cũng có liên quan đến tăng nguy cơ cao huyết áp. Theo một phân tích tổng hợp trên Tạp chí Tăng huyết áp Lâm sàng năm 2018, những người ngủ không đủ giấc dễ bị tăng huyết áp hơn 48%. Ngoài ra, những người huyết áp cao cũng có thể trở nặng, nếu họ không ngủ ngon.

'Hung thủ' khiến huyết áp luôn ở mức cao, đây là yếu tố bạn nhất định phải tránh - 3

Uống quá nhiều rượu

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp đến mức không tốt cho sức khỏe. Nó ảnh hưởng đến các cơ trong mạch máu, khiến mạch máu hẹp lại. Điều này có thể buộc tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến các bộ phận khác của cơ thể, gây căng thẳng quá mức và dẫn đến đau tim, suy tim hoặc ngừng tim.

Theo AHA, việc sử dụng nhiều rượu bia thường xuyên có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm suy tim, đột quỵ và nhịp tim không đều (loạn nhịp tim). Nó có thể khiến huyết áp của bạn tăng đột ngột và cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư, béo phì, nghiện rượu, tự tử và tai nạn.

Những người bị huyết áp cao hầu như luôn có các bệnh lý khác đi kèm bao gồm cholesterol cao - có liên quan đến các bệnh tim.

Cholesterol cao là khi có quá nhiều chất béo trong máu, dẫn đến hình thành các mảng bám, hạn chế máu lưu thông dễ dàng. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc kiểm tra huyết áp cao, hãy theo dõi cả các tình trạng khác của cơ thể có nguy cơ khiến sức khỏe trở nên tồi tệ hơn.

Bảo Anh(Nguồn: Times of India)
Bình luận
vtcnews.vn