Hợp tác công – tư: Giải pháp vốn cho hạ tầng VN

Kinh tếThứ Tư, 04/05/2011 09:02:00 +07:00

(VTC News) – Đa số các đại biểu đều cho rằng, việc phát triển hợp tác công – tư chính là giải pháp vốn hiệu quả cho hạ tầng Việt Nam.

(VTC News) – “Cách đây hơn 10 năm, tôi xây dựng 2 con đường ở TP.HCM bằng hình thức đối tác công tư (PPP), nhiều người đổ cho tôi tội bán đường cho tư nhân. Nhưng thực tế, đây là hình thức tận dụng vốn của tư nhân rất tốt. Chính phủ bỏ ra 1 đồng “mồi”, thì huy động được 53 đồng của tư nhân để đầy tư hạ tầng”, TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM dẫn ra một câu chuyện về hình thức đầu tư PPP.

 

Chiều 3/5, phiên họp thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại VN đã bàn về chủ đề “Đối tác công – tư (PPP)”.

 

Chia sẻ gánh nặng vốn

 

Theo ông Phạm Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của VN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công thương dự báo tốc độ tăng trưởng nguồn điện giai đoạn 2011 – 2015 sẽ khoảng 14,1% - 16%, và giai đoạn 2016 – 2020 sẽ khoảng 11,3% - 11,6%.

 

Với tốc độ tăng trưởng nguồn điện như trên, dự kiến từ năm 2011 đến năm 2020 , VN cần phải đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mới với tổng công suất khoảng trên 50.000 MW. Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2015, cần xây dựng 23.000MW nguồn điện (trung bình gần 4.600 MW/năm), giai đoạn 2016 – 2020 cần xây dựng 27.200 MW nguồn điện (trung bình trên 5.400 MW/năm).

 

Để đạt được mục tiêu trên, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì sẽ khó có thể đạt được, vì vậy, Chính phủ VN rất khuyến khúc các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình nguồn điện theo hình thức hợp tác đầu tư công – tư  (PPP) để có đủ nguồn vốn phát triển nguồn điện.

 

Hiện nay, 1 số dự án điện đang được đầu tư theo hình thức này là Nhiệt điện than Sông Hậu 1 tại tỉnh Hậu Giang, dự án Quảng Trị tại tỉnh Quảng Trị và dự án Quỳnh Lập tại tỉnh Nghệ An.

 

“Hợp tác PPP đã góp phần giảm bớt các Bảo lãnh của Chính phủ và tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn điện tại VN. Đầu tư PPP cho phép các nhà đầu tư tư nhân đưa ra các đề xuất tự nguyện và nêu rõ các trường hợp để xử lý các đề xuất này. Đây cũng là cách đổi mới hơn đối với khu vực tư nhân”, ông Hùng nói.

 

Tương tự, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận, so với nhu cầu, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, là một nhân tố cản trở quá trình phát triển của đất nước với nhịp độ tăng trưởng cao hơn.

 

Dịch vụ vận tải có nhiều tiến bộ nhưng chất lượng vẫn đang ở mức thấp, giá thành vận tải làm giảm tính cạnh tranh, đặc biệt tai nạn giao thông vẫn xảy ra.

 

Trong khi đó, khó khăn lớn nhất đối với ngành GTVT là ngân sách nhà nước hạn chế, không có để tham gia các dự án, nguồn cung cấp tín dụng trong nước thì lãi suất cao, thời hạn ngắn, không phù hợp với các dự án lớn.

 

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho biết: Hiện nay nhiều công trình cần nhu cầu vốn rất lớn, nhưng nếu cứ trông chờ chính sách thì sẽ khó thực hiện được.

 

Hợp tác công – tư đã có từ lâu, hành lang chính sách cũng đã có để phát triển. Thực tế nhiều dự án đã thực hiện theo mô hình này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có những chính sách ưu tiên để phát triển.

 

“Có những dự án khó hoàn vốn, Chính phủ sẽ bỏ tiền ra đầu tư hoàn toàn. Còn những dự án có thể hoàn vốn thì nên chuyển sang công – tư để huy động được nguồn vốn từ tư nhân”, ông Ninh bày tỏ quan điểm.

 

Dự án thuận lợi “nhường” cho tư nhân

 

Ưu tiên những dự án thuận lợi cho tư nhân cũng là quan điểm được nhiều nhà lãnh đạo của VN đồng tình trong buổi thảo luận phiên họp.

 

“Hai dự án điện, một dự án ở vùng đất mới, 1 dự án ở vùng đã có sẵn 1 dự án trước đó rồi và có cơ sở hạ tầng. Theo tôi, cái thuận lợi nên ưu tiên cho đầu tư PPP, tức là tạo điều kiện cho tư nhân, còn cái ở vùng đất mới thì Chính phủ sẽ làm”, ông Phạm Hùng nhấn mạnh.

 

Ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, vấn đề đặt ra khi áp dụng hình thức PPP là phải có khung pháp lý ổn định, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Viên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông lấy ví dụ, có những dự án BOT phải mất tới 4 năm mới xong quá trình đàm phán, như vậy rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận được. Vì vậy, vấn đề minh bạch trong chính sách, tránh những thủ tục hành chính rườm rà, sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư vào VN.

 

Còn theo ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực Cam – pu – chia, Lào, Thái Lan và VN thì lưu ý, các dự án đầu tư theo hình thức PPP cần phải đưa các thông tin hướng dẫn lên trên website để các nhà đầu tư cũng như phía Chính phủ dễ dàng theo dõi. Mặt khác, do phần vốn chủ yếu sẽ từ phía tư nhân, nên Chính phủ phải theo dõi sát sao, không nên bỏ rơi doanh nghiệp, tránh tình trạng nhiều dự án quá chậm tiến độ, phải dừng thi công.

 

Bên cạnh đó, khi triển khai hình thức PPP, VN cũng sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia, do đó Chính phủ phải đưa ra các chính sách khiến cho các đối tác thấy được khoản lợi nhuận mà họ thu được sau khi đầu tư.

 

“Hình thức PPP tuy mới ở VN, nhưng cái may mắn là vì mới, vì đi sau nên VN sẽ có nhiều kinh nghiệm từ các nước đi trước”, ông Đông khẳng định.

 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông: Điểm quan trọng của khung chính sách đối tác công – tư là việc nhà nước chủ động xác định đầy đủ các hình thức và cơ chế mà nhà nước tham gia trong dự án PPP. Việc huy động và tham vấn các nhà tư vấn đầu tư hàng đầu của thế giới được thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị dự án, nhằm mục tiêu xây dựng dự án được ngân hàng chấp thuận cho vay vốn. Không dừng lại ở đó, Chính phủ VN chủ trương triển khai chương trình PPP theo một danh mục các dự án xác định, đảm bảo cung cấp tới các nhà đầu tư dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo nên một thị trường PPP thương mại thực sự tại VN.

 

 

Nguyễn Yến

Bình luận
vtcnews.vn