Hồi sinh ngón tay bị đứt rời cho bệnh nhi 9 tuổi

Tin tứcThứ Ba, 09/05/2023 17:10:00 +07:00
(VTC News) -

Sau khi được nối ngón tay, sức khoẻ của bệnh nhân ổn định, ngón tay hồng, ấm, phản hồi mao mạch.

Bác sĩ Hoàng Hồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa thực hiện phẫu thuật nối ngón tay bị đứt rời cho 2 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhi 9 tuổi.

Gãy ngón tay vì cho tay vào máy giặt

H.G.B, 9 tuổi, ở Thanh Hóa, bị tai nạn vì cho tay vào lồng máy giặt cửa đứng lúc máy đang chạy. Sau tai nạn, trẻ được sơ cứu ở bệnh viện huyện, sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh và chuyển ra Hà Nội.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhi được chẩn đoán vết thương đứt rời hoàn toàn mạch máu, thần kinh tại vị trí nền đốt 1 bàn ngón II tay phải, gãy xương nền đốt 1 ngón II tay phải.

Các bác sĩ đã xử lý bằng thủ thuật xuyên kim Kirschner, cố định đốt ngón 1 vào xương bàn ngón II tay phải. Sau đó, thực hiện nối vi phẫu dưới kính hiển vi động mạch riêng ngón II bên trụ, thần kinh riêng ngón II bên quay và tĩnh mạch mu tay ngón II bàn tay phải.

Đây là ca phẫu thuật khó, vì thời gian từ khi tổn thương tới khi phẫu thuật kéo dài (10 tiếng đồng hồ), trẻ bị tổn thương mạch đứt rời ngón phức tạp, dạng tổn thương dập nát, xoắn vặn; trong khi mạch máu nuôi ngón trỏ rất nhỏ, ở trẻ em còn nhỏ hơn, nên rất khó khăn cho các bác sĩ trong thao tác tìm động mạch nuôi, động mạch nhận, tĩnh mạch…

Sau 2 ngày được phẫu thuật, tình trạng của trẻ đã ổn định, ngón II tay phải hồng, ấm, có phản hồi mao mạch. Kết quả phẫu thuật của cháu bé tạm ổn nhưng do tổn thương đụng dập nặng, cần theo dõi thêm.

Hồi sinh ngón tay bị đứt rời cho bệnh nhi 9 tuổi - 1

Sau khi được nối ngón tay, sức khoẻ của các bệnh nhân ổn định, ngón tay hồng, ấm, phản hồi mao mạch. (Ảnh: BVCC)

Đứt rời ngón chân, tay sau mâu thuẫn

Cũng trong ngày 7/5, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật nối trồng ngón tay và ngón chân bị đứt rời cho bệnh nhân N.G.T (22 tuổi, quê Thanh Hóa).

Do xích mích với người khác nên T. bị chém nhiều nhát vào người. Sau tai nạn, T. được sơ cứu tại tuyến địa phương.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, T. được chẩn đoán đa vết thương. Vết thương bàn tay phải đứt rời ngón I, vết thương bàn tay trái có đứt hoàn toàn thần kinh giữa, gãy hở xương mác phải, vết thương bàn chân phải đứt gân duỗi ngón I, II, III, đứt gần rời ngón V, vết thương lóc da gối phải, vết thương khuyết da cẳng chân phải, vết thương cẳng chân trái đứt chày trước, vết thương lưng trái.

Các bác sĩ đã nối vi phẫu trồng ngón I tay phải: Găm kim Kischner qua đốt gần và xương đốt bàn ngón I tay phải; khâu nối gân duỗi; nối vi phẫu 2 động mạch, 2 tĩnh mạch và hai thần kinh riêng ngón I tay phải.

Sau đó bệnh nhân được phẫu thuật cố định xương mác phải; nối gân duỗi ngón I, II, III chân phải; cố định, bảo tốn ngón V chân phải; cắt lọc, xử lý vết thương phần mềm gối phải, vết thương phần mềm cẳng chân 2 bên, vết thương phần mềm lưng trái; cắt lọc, găm kim xương đốt bàn IV, đốt gần ngón V; nối gân duỗi ngón IV, V, gân gấp nông, sâu ngón II-IV, gấp sâu ngón V; nối thần kinh giữa, cung động mạch gan tay nông bàn tay trái.

Bệnh nhân bị đa vết thương, với những tổn thương phức tạp, cần phải phục hồi động mạch, tĩnh mạch nhỏ. Do mất máu nhiều nên phải truyền 2 lít hồng cầu khối.

Hiện T có những dấu hiệu phục hồi. Ngón I tay phải hồng, ấm, toàn trạng đã ổn định, có thể xuất viện sau thời gian khoảng 1 tuần.

Nguyễn Thúy Hoa
Bình luận
vtcnews.vn