Học cách lấy lại niềm tin

Tổng hợpThứ Hai, 30/05/2011 10:14:00 +07:00

Tôi tâm sự chuyện này với một cô bạn thân. Cô ấy cũng đã từng mời được ông về công ty để nói chuyện về một cuốn sách - Một công trình nghiên cứu khác...

Tôi nhấc điện thoại gọi cho ông để xin hẹn một cuộc phỏng vấn về vấn đề nên hay không nên viết về những thói hư tật xấu của người Việt. Ở đầu dây bên kia, ông nhận lời với duy nhất điều kiện: gửi trước cho ông câu hỏi phỏng vấn để ông cũng có sự chuẩn bị. “Tôi từng có một scandan với cánh báo chí trước đây”, ông giải thích. Điều kiện đó ông không yêu cầu, tôi vẫn làm vì nó là một phần trong những thao tác nghiệp vụ mà cánh phóng viên chúng tôi nắm rất rõ.

 
Tối về tôi bắt đầu soạn câu hỏi một cách cẩn thận và tỉ mỉ trên cơ sở tôi đã đọc rất nhiều bài viết, bài phát biểu của ông và cả các bài báo phỏng vấn ông trước đó. Mọi chuyện dường như rất ổn cho đến sáng hôm sau khi tôi còn đang lục tục chuẩn bị đến văn phòng thì ông gọi điện:

-        Tôi xin lỗi, tôi vừa đi thể dục về và tôi đã suy nghĩ...

Im lặng một lúc...

-        Tôi xin được hủy cuộc phỏng vấn sáng nay vì cảm thấy câu hỏi của bạn không trùng khớp với phần chuẩn bị của tôi. Và vì... vì... bạn hãy hiểu cho tôi, tôi đã 70 tuổi, tuổi già lúc thế này lúc thế khác... và hơn nữa, tôi không khỏe...

-        Ồ, có lẽ nào câu hỏi tôi gửi cho ông không kỹ lưỡng, có gì sai sót hoặc ông thấy nó quá... ngớ ngẩn? - Giọng tôi đầy thất vọng.

Ông vội vàng thanh minh:

-        Không không, xin bạn đừng nói như vậy. Tôi thấy bạn đã tìm hiểu và chuẩn bị khá kỹ... chỉ là... chỉ là... mong bạn hãy thông cảm cho ông già này. Tôi đã 70 tuổi và... bạn biết đấy... tôi... Mong bạn hiểu.

Tôi buông túi xách xuống bàn, lòng đầy thất vọng. Tôi tự trách có thể vì những câu hỏi mình đưa ra làm cho người được hỏi cảm thấy nó quá ngốc nghếch, nông cạn và thiếu hiểu biết chăng? Hay vì những điều tôi hỏi không đủ tầm với ông?... Vả chăng, có thể những câu tôi hỏi đã chạm đến tổn thương của ông do một bài báo nào đó đã từng làm, gây ra một vụ scandand trong báo giới cách đây vài năm?

Tôi tâm sự chuyện này với một cô bạn thân. Cô ấy cũng đã từng mời được ông về công ty để nói chuyện về một cuốn sách - Một công trình nghiên cứu khác. Cô ấy nói, “tớ cảm thấy ông ấy khá rụt rè, cẩn trọng với các câu hỏi. Có lẽ câu hỏi của bạn có chỗ nào nhạy cảm?”. Lại một anh bạn phóng viên của một tờ báo nọ chép miệng “ông ấy có lẽ không tin báo chí nữa rồi, nghĩ cũng khổ”. Tôi thì nghĩ, ai mất niềm tin cũng khổ cả. Một người mất niềm tin đã bất hạnh. Một xã hội mất niềm tin còn bất hạnh nữa.

Quay lại với bài phỏng vấn “truy bức” ông đã khiến nhà nghiên cứu, vị học giả già cảm thấy sốc và bị xúc phạm nặng nề đến độ cảnh giác cao độ với báo chí. Có lẽ đó là một bài báo độc nhất vô nhị có lối phỏng vấn như vậy. Một nhà văn đã bảo vệ ông khi viết về bài phỏng vấn này, rằng đó “là một món quà quý cho các giáo sư ngành báo chí, vì khó có thể tìm thấy một ví dụ đời thực nào minh hoạ được rõ ràng hơn những gì ta không nên làm trong một cuộc phỏng vấn” và, rằng “ông phải cảm ơn các phóng viên của tờ báo nọ “vì họ đã bày tỏ những quan niệm này một cách thản nhiên và kiêu hãnh đến mức sự ngớ ngẩn của chúng hiện ra rõ như một tiếng kèn đồng oai hùng nhưng lệch nhịp giữa một bản giao hưởng”. Và rất nhiều người khác cũng đã lên án sự “thiếu chuyên nghiệp” của bài báo đó.

Nhưng tất cả, dường như vẫn không thể xoa dịu, làm cho ông quên được, cũng không nguôi ngoai được. Bằng chứng  là khi ông đọc câu hỏi của tôi, những câu hỏi có đôi chút lật lại vấn đề cũ đã khiến ông thẳng thắn từ chối né tránh. Có thể ông cảm thấy không cần thiết phải mất thời giờ cho tôi, một cô phóng viên xa lạ hay cũng có thể vì ông “mất niềm tin”?

Tôi mất vài ngày suy ngẫm về việc này và về sau quyết định gửi câu hỏi cho một người khác, anh cũng là một nhà phê bình văn học, một nhà văn, nhà báo. Trong số những câu hỏi chuẩn bị lần này, tôi hỏi thêm về “chấn thương tâm lý” của nhà văn khi viết về thói hư tật xấu của người Việt có thể mắc phải trước dư luận xã hội, anh nói với tôi “tôi tin một người dám phê phán thói xấu sẽ không vì một sự tổn thương nho nhỏ nào mà ngưng công việc của mình”.

Tôi cũng đã hy vọng như vậy. Hy vọng rằng, không có sự tổn thương nào là đáng kể so với công việc “thanh lọc” phẩm chất người Việt của ông, gieo hy vọng cho những người  tin vào cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Bởi vốn dĩ, bản chất của công việc ấy đã có quá nhiều sự chịu đựng, sự giằng xé và tổn thương. Nếu chấp nhận những chấn thương tâm lý là một phần tất yếu cũng là cách chúng ta đối diện với chính mình thì việc còn lại, tìm ra “liều thuốc” chữa cho cả xã hội sẽ dễ dàng hơn biết nhường nào. Và, một điều nữa, “học cách lấy lại niềm tin với người khác” cũng là một cách để chữa lành những chấn thương tâm lý của con người.

Nhưng liệu rằng, một người mất lòng tin có thể “chữa bệnh mất lòng tin” cho những người khác hay không???

Bài: Minh Minh - Ảnh: Hts

Bình luận
vtcnews.vn