Hoãn phiên toà vụ bị cáo bị khởi tố 15 năm mới được đưa ra xét xử

Bản tin 113Thứ Năm, 15/06/2023 18:13:03 +07:00
(VTC News) -

Bị truy nã suốt hơn 10 năm nhưng bị cáo không hề hay biết, vẫn sinh sống, làm việc bình thường cho đến khi bị bắt và đưa ra xét xử.

Ngày 15/6, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên phúc thẩm, xét xử bị cáo Đỗ Thị Nhã (SN 1972, quê TP Hải Phòng, trú tại Thái Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Tuy nhiên, do luật sư bào chữa có đơn xin hoãn vì trùng lịch xét xử, đồng thời bị cáo vắng mặt vì lý do sức khoẻ nên HĐXX quyết định hoãn phiên toà.

Bản án sơ thẩm, TAND TP Hải Dương tuyên bị cáo Nhã 27 tháng tù giam về tội danh trên.

Theo nội dung vụ án, năm 2006, bà Nhã là nhân viên phòng thông tin Bộ tham mưu quân khu 3, Bộ Quốc phòng.

Do có quen biết, bà N.T.P. (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nhờ bà Nhã đưa anh P.H.C. (con nuôi bà Nhã) đi xuất khẩu lao động. Ông H. (bố đẻ anh C.) đưa bà Nhã 20 triệu đồng để học chứng chỉ nghề và học tiếng Hàn Quốc.

Hoãn phiên toà vụ bị cáo bị khởi tố 15 năm mới được đưa ra xét xử - 1

Bà Đỗ Thị Nhã.

Cuối năm 2006, ông H. tiếp tục đưa bà Nhã 3.000 USD để làm thủ tục cho con trai đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do Nhã không đưa được anh C. đi xuất khẩu lao động như đã hứa hẹn nên ngày 10/7/2007, ông H. yêu cầu bà Nhã viết  giấy biên nhận đã nhận 3.000 USD.

Tháng 11/2007, Nhã bảo ông H. lo thêm 3.000 USD để làm thủ tục cho anh C. đi xuất khẩu lao động, nếu sau 3-5 ngày anh C. không được ký hợp đồng và học định hướng, bà Nhã cam kết sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận. Do tin tưởng, ông H. giao tiếp 3.000 USD cho bà Nhã. Mặc dù vậy, anh C. vẫn không được đi xuất khẩu lao động nên ông H. tìm bà Nhã đòi tiền đồng thời làm đơn tố giác bà Nhã.

Ngoài việc nhận làm thủ tục đi xuất khẩu lao động cho anh C., bà Nhã còn nhận tiền đặt cọc và làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động cho nhiều người khác.

Ngày 1/12/2008, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Thị Nhã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 9/1/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương ra quyết định truy nã với bị cáo.

Ngày 10/8/2010, bà Nhã bị bắt theo quyết định truy nã, bị tạm giữ từ ngày bắt đến 19/10/2010 và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm khỏi đi nơi cư trú.

Ngày 17/12/2010, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương lại quyết định truy nã đối với bị cáo tại quyết định truy nã số 04, do bị cáo bỏ trốn. Đến ngày 15/12/2021, Nhã bị bắt theo quyết định truy nã và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tại phiên sơ thẩm, bà Nhã không thừa nhận hành vi chiếm đoạt tiền của ông Hội.

Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, bà Nhã cho biết đã trả trực tiếp cho ông Hội 1.000 USD và 40 triệu đồng vào năm 2007. Số tiền còn lại, bà Nhã trả cho ông Hội thông qua bà N.T.P. vào ngày 6/2/2008, tức ngày 30 Tết năm 2007.

"Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà ngày 14/7/2008, ông H. làm đơn tố cáo tôi ra Công an TP Hải Dương cáo buộc tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông H. số tiền 20 triệu đồng và 6.000 USD. Trong thời gian ông H. tố cáo tôi, tôi không hề hay biết, vì thời điểm đó tôi đã chuyển khẩu lên sinh sống ở phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội", bà Nhã trình bày.

Bà Nhã cho biết, trong hồ sơ vụ án có văn bản trình bày của bà P.T.T. (vợ ông H.) đã nhận đủ lại số tiền mà ông H. đã đưa cho bà Nhã trước khi ông H. làm đơn tố cáo, đồng thời ông H. sau đó cũng có văn bản giải trình rằng việc tố cáo oan sai cho bà Nhã vì vợ đã nhận lại số tiền trên nhưng do ông H. không biết nên mới tố cáo. Đồng thời, ông H. làm đơn đề nghị công an không giải quyết vụ án trên nữa.

Ngày 18/8/2010, gia đình ông P.H.H. cùng các nhân chứng cầm các giấy tờ chứng từ chứng minh việc đã nhận đủ số tiền mà bà Nhã trả lại cho gia đình họ lên công an, giao cho điều tra viên, vì vậy bà Nhã được thả tự do.

Hoãn phiên toà vụ bị cáo bị khởi tố 15 năm mới được đưa ra xét xử - 2

Luật sư Lê Giang Nam.

Nêu quan điểm về vụ án, luật sư Lê Giang Nam – Văn phòng luật sư An Việt, Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhã cho rằng, có rất nhiều bất thường cả về trình tự thủ tục, trong tố tụng giai đoạn khởi tố vụ án từ năm 2008 cho đến cách thức giải quyết, hồ sơ vụ án thay đổi nhiều bút lục.

Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Nhã bỏ trốn 11 năm, nhiều lần ra lệnh truy nã, tuy nhiên khi bắt được bà Nhã lại không thấy có quyết định tạm giữ, tạm giam, trong khi đó bà Nhã cho rằng bị giam giữ 12 ngày của năm 2021. Các tài liệu này không có trong hồ sơ vụ án.

Ngoài ra, trong đó có một bản cam kết cấm đi khỏi nơi cư trú hoàn toàn không giống chữ viết và chữ ký của bà Nhã. Thậm chí, bà Nhã vẫn sống tại nơi có đăng ký hộ khẩu.

Năm 2011, bà Nhã vẫn tới Công an huyện Đông Hưng (Thái Bình) để cấp Chứng minh nhân dân nhưng không hề bị bắt giữ. Thời điểm này chính bị cáo cũng không hề biết mình đang có lệnh truy nã cho đến khi bị bắt vào năm 2021.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn