Hãy dừng lại trước khi bạn định tổn thương ai đó

Góc của nàngThứ Hai, 07/09/2015 12:31:00 +07:00

Đã bao giờ vì giận dữ mà bạn vô tình nặng lời với ai đó? Hay đơn giản là trêu chọc đến kỳ thị bạn bè của mình? Và bạn có từng hình dung đến hậu quả của những lời nói vô hình ấy chưa?

Đã bao giờ vì giận dữ mà bạn vô tình nặng lời với ai đó? Hay đơn giản là trêu chọc đến kỳ thị bạn bè của mình? Và bạn có từng hình dung đến hậu quả của những lời nói vô hình ấy chưa?

Ngày nhỏ khi đọc "Totto-chan - cô bé bên cửa sổ", tôi cứ nghĩ trường học là nơi công bằng nhất, vì ở đó ai cũng như ai, không có người giàu hơn, không có người đẹp hơn, vì như thầy hiệu trưởng đáng kính trong truyện đã nói: "Các em biết không, dù là ai, các em cũng là một trên thế giới này". Nhưng sự thật có phải như vậy hay không, khi mà không ít người lớn khi vô tình, khi hữu ý vẫn dạy con kỳ thị người khác. 

 

Một lần đến đón con gái sau khi tan trường về, tôi thấy đám đông các bạn cùng lớp con đang đứng xúm đông xúm đỏ, hình như tụi nhỏ đang trêu chọc một cô bé nhỏ xíu đứng phía trong cùng. Thấy tôi đến gần, các con dần tản ra, chỉ còn lại 2 nhóc có vẻ "đàn anh" nhất vẫn chỉ thẳng vào mặt bạn mà dè bỉu:

- Có mỗi tí tiền quỹ lớp mà cũng không chịu đóng.

- Về bảo bố mẹ đóng tiền quỹ lớp đi nhé, không thì đừng đi học nữa.

Cô bé bị các bạn mắng nhiếc không dám nói lời nào, chỉ khóc nấc lên, cúi gằm mặt xuống đất, nước mắt lăn dài trên má... Nhìn bé, tôi biết chắc hẳn đó là đứa trẻ từng phải chịu đựng rất nhiều vì sự thiếu thốn về vật chất. Khi ấy trời lạnh nhưng gần như con không được mặc ấm, đi một đôi dép lê mà chẳng có tất chân. Chiếc cặp con đang đeo cũng không còn mới, chắc hẳn được ai đó tặng lại. Đột nhiên tôi thấy vô cùng tức giận, vẫn biết hai bạn bắt nạt mới chỉ là những đứa trẻ nhưng tôi tin thái độ này không phải tự nhiên mà có, hẳn người lớn đã làm vậy nhiều lần khiến chúng học theo. Đúng lúc đó thì bố mẹ bọn trẻ cùng đến đón về. Người mẹ dắt tay bé gái đang khóc nhìn rất buồn bã, chị giấu ánh mắt mệt mỏi dưới vành nón đã bạc màu. Còn hai "quý tử" kia cũng được đón về, trước khi ra khỏi cổng, các con còn được bố mẹ dúi vào tay hộp sữa.

Trên đường về, tôi hỏi con về bạn gái bé nhỏ cùng lớp. Con nói với giọng rất thản nhiên, rằng bạn đó tên là Thu, là học sinh duy nhất chưa đóng góp một khoản nào từ đầu năm học đến giờ. Con cũng nói với tôi y hệt giọng điệu mà lúc nãy tôi đã bất chợt nghe được:

- Bạn ấy chẳng chịu đóng tiền mẹ ạ, cô giáo phải đóng cho, kinh mẹ nhỉ?

Vậy là tôi hỏi lại con:

- Vậy con có thể tự đóng tiền học một mình chưa?

Con hồn nhiên trả lời:

- Ơ, tiền học thì bố mẹ phải đóng chứ ạ, con đã đi làm đâu mà có tiền.

- Vậy, nếu chưa đóng được tiền thì lỗi có phải do bạn đâu mà các con trêu bạn?

Chuyện xảy ra khiến tôi nhớ lại một kỉ niệm buồn từ hồi tiểu học, dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng nỗi hối hận thỉnh thoảng lại quay về dày vò tâm trí. Nhưng đáng tiếc là không ai có thể quay ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm mà mình đã gây ra. 

 

Đó là năm học lớp 4, chúng tôi đón một bạn trai mới tên là Tốt vào lớp. Hồi đó, những đứa trẻ thành phố đã có tên đẹp, nên khi nghe cô giới thiệu tên bạn mới cả lớp đứa nào cũng bụm miệng cười, xì xào với nhau rằng: "Làm gì có ai tên là Tốt". Rồi sự kỳ thị còn nặng nề hơn khi tất cả cùng phát hiện ra bạn mới không phải là người thành phố, vì chỉ cần nghe giọng nói và cách ăn mặc là đủ nhận ra điều đó. Thay vì nói từ "Em thưa cô" thì Tốt luôn nói thành "iem thưa cô". Cả lớp từ đó không gọi bạn bằng tên, mà lúc nào cũng chỉ gọi là "thằng La Tốt". 

Khi ấy, tôi là một cô bé rất xinh xắn, học giỏi và quan trọng là có rất nhiều váy áo đẹp để mặc đến trường, vậy nên tôi khinh Tốt ra mặt. Tôi không thèm nói chuyện với bạn, không muốn ngồi cạnh và luôn đầu têu các trò trêu chọc cậu học sinh "nhà quê" này. Bọn tôi bày trò đổ mực ra ghế ngồi và bàn học của Tốt, đẩy bạn ngã ở cầu thang hay kẻ vạch phân định cho phần ngồi riêng của bạn. Kinh khủng hơn, ngày đó tôi còn ra luật: Nếu có ai chơi với Tốt thì sẽ lập tức bị tẩy chay. Thế là gần suốt năm học, Tốt không thể nói chuyện với bất kì ai trong lớp, bạn bị ghẻ lạnh đến mức mắt lúc nào cũng như chực khóc. 

Rồi mọi chuyện càng xấu đi hơn khi tôi biết cả gia đình Tốt chuyển về giữa ngõ nơi tôi ở, sống trong căn nhà rách nát ven hồ. Bố mẹ Tốt làm công việc nhặt phế liệu và hai đứa con thì phụ giúp việc phân loại lon, túi nhựa... Chẳng hiểu sao ngày đó tôi không thể nhận ra Tốt là một học sinh gương mẫu đến dường nào. Dù vừa phải phụ giúp bố mẹ làm việc, vừa chăm sóc đứa em ngẩn ngơ, thế mà cậu bạn này vẫn học giỏi, thậm chí luôn được cô khen trước lớp. Nhìn lại, với chúng tôi ngày ấy, tất cả những ưu điểm của bạn dường như càng khiến cả hội gai mắt hơn. Chúng tôi không thể chấp nhận một thằng La Tốt nghèo khó, nhà quê mà lại dám học giỏi hơn cả học sinh thành phố. 

Ngày kết thúc năm học, thấy Tốt nhận được giấy khen học sinh giỏi, lại xếp thứ nhất, đám học sinh chúng tôi họp nhau tìm cách chơi khăm bạn. Chúng tôi định sẽ rủ Tốt ra hồ bơi, rồi bảo bọn con trai dìm nước "nó" một trận cho bõ tức. Quả nhiên, Tốt thấy các bạn rủ thì đi ngay, chắc hẳn cậu nghĩ mình đã chính thức được công nhận là thành viên mới và còn hồ hởi xuống nước đầu tiên. Nhưng ngay lúc định thực hiện trò ác ý ấy thì một sự việc không hay xảy ra. 

Sơn béo, người định dìm Tốt bỗng nhiên bị chuột rút, cậu ta ngộp nước và kêu cứu, nhưng đám bạn khác trong hội chẳng đứa nào dám lại gần vì sợ... chỉ trừ có Tốt. Lúc đẩy được Sơn vào gần bờ cho hội con gái lội nước kéo vào thì Tốt đột nhiên mất hút. Tôi hét lên rồi đi gọi chú bảo vệ nhưng cả nửa tiếng sau cũng chẳng thấy Tốt đâu. Mãi đến xẩm tối, một bác tuần hồ ở cạnh trường mới tìm được Tốt, cậu bạn ấy đã không bao giờ tỉnh lại lần nữa...

Hơn 20 năm rồi mà tôi vẫn thấy nghẹt thở khi nghĩ về người bạn ấy... Cậu giống như nỗi đau ẩn giấu nơi sâu thẳm trong tim tôi. Thỉnh thoảng, trong những lần hội họp, chúng tôi vẫn nhắc đến cậu, rồi nước mắt và những lời xin lỗi nghẹn ngào cứ thế tuôn ra, dường như cậu cùng có mặt ở đó. Chỉ có điều đều đã quá muộn rồi...

Khi quyết định kể với con câu chuyện này, tôi cũng cân nhắc rất nhiều. Tôi sợ con bị ám ảnh bởi nỗi buồn trong đó có sự "tiếp tay" của mẹ nó. Nhưng hơn hết, tôi biết con mình cần gì, có lẽ một câu chuyện thực sẽ khiến con suy nghĩ thấu đáo hơn khi định làm tổn thương ai đó. Bởi chắc chắn rằng, thời gian sẽ chẳng quay lại để giúp con sửa sai giống như tôi ngày đó. 

 

Và tôi muốn nói thêm điều này với các bạn...

Hãy nhìn những đứa trẻ mồ côi phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh bằng cách đi bán vé số, đi đánh giày mà luôn mỉm cười hạnh phúc đi. Chắc các bạn đủ thông minh và phẩm đức để biết rằng cuộc sống của mình, những thứ các bạn có bây giờ là ước mơ to lớn đối với họ. Nhưng các bạn có hạnh phúc, có lạc quan yêu đời không? 

Suốt ngày chán nản, than phiền, suy nghĩ. Bạn tự lừa dối bản thân mình đến bao giờ nữa, bao lâu rồi bạn cười mà không thấy vui?

Họ sống đó, sinh ra từ nghèo khó - thậm chí, họ chưa bao giờ có thể tin rằng, một ngày nào đó, họ sẽ được sống như bạn, dù chỉ là một bữa cơm no, một chiếc áo ấm. Vậy mà bạn, những con người may mắn hơn họ lại đi coi rẻ những người lao động nghèo, những người gia cảnh kém hơn mình. Có thấy xấu hổ không, biết sợ bản thân mình không?

Ăn ngon mặc đẹp mà phẩm giá không bằng họ vậy bạn có thể làm những việc có ích hơn họ sao? Họ ngoại hình kém bạn thì bạn cũng đừng tỏ ra coi thường khó chịu với họ được không? Xin hãy tôn trọng những người có thể không giàu bằng bạn, không xinh, không được như bạn! Họ đã chịu nhiều đau khổ, họ đã khóc và đã cố gắng rất nhiều để vươn lên trong cuộc sống này. Họ có thể đang nuôi cả gia đình bằng đôi tay lương thiện và cần cù của họ. Nếu bạn là họ, liệu bạn có thể sống được như họ?

Bạn hãy dành ít nhất một lần đặt bản thân mình thử là họ, sống cuộc sống của họ xem bạn có thể bản lĩnh như họ hay không? Bạn hãy tự hỏi bản thân mình đã làm được gì cho cuộc sống này hay cho bố mẹ, gia đình chưa trong khi bạn may mắn và có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đủ điều kiện hơn những con người đau khổ kia!

Lam Dung

Bình luận
vtcnews.vn