Hậu quả khôn lường khi K+ độc quyền Ngoại hạng Anh

Thể thaoThứ Ba, 30/07/2013 06:35:00 +07:00

(VTC News) - Một khi người tiêu dùng Việt Nam cùng tẩy chay K+ như đã từng tẩy chay nhiều hàng ngoại kém chất lượng thì hậu quả khôn lường.

(VTC News) -  Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã góp tiếng nói riêng của mình vào vấn đề “độc quyền” phát sóng  Ngoại hạng Anh của K+ với bài viết sâu sắc được chúng tôi trích đăng dưới đây.


"... Đầu năm nay Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) đã xin ý kiến Bộ Thông Tin và Truyền thông (TT-TT) họp bàn thống nhất ủy quyền VTV đại diện đàm phán mua bản quyền truyền hình trực tiếp Ngoại hạng Anh với mức giá tăng khoảng 20% so với trước đây. Tuy nhiên, Canal+ đã lặng lẽ “đi đêm” với Hãng IMG (Hoa Kỳ ) để họ nhanh chóng ôm trọn gói Ngoại hạng Anh rồi bán lại cho K+ độc quyền phát sóng ở Việt Nam với một mức giá khiến các nước trong khu vực phải lè lưỡi lắc đầu (hơn 33 triệu USD). 
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm 
Sẽ không quá khó để điều tra thực chất của việc mua bán này nếu VNPayTV nhờ đến sự can thiệp của tòa án Châu Âu hay những cơ quan thực thi luật pháp khác. VTV nếu có hay không trách nhiệm trong chuyện này và vì sao họ cho Canal+, IMG qua mặt dễ dàng vậy?
Việt Nam có luật chống độc quyền. Đến như than, điện, xăng dầu... còn phải chịu sự điều tiết giá, thậm chí còn phải bán thấp hơn giá thành. Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền lợi chính đáng của mọi công dân, đặc biệt là quyền được hưởng thụ văn hóa, thông tin, thể thao... bình đẳng. 
Vậy thì không nên nhầm lẫn giữa bản quyền và độc quyền ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực báo chí - phát thanh truyền hình. Bởi xin thưa, sóng truyền hình cũng phải có chủ quyền, mọi công dân Việt Nam đều có trách nhiệm phải bảo vệ. 
Hiện K+ chỉ mới có được chừng 450.000 thuê bao (phần lớn từ truyền hình vệ tinh VTV trước đây) - chiếm 0,5% dân số, sao có thể dễ dàng bắt 99,5% người Việt phải chấp nhận sự độc quyền vô lý của K+ được? Đừng bắt chẹt người tiêu dùng quá đáng vì bóng đá Anh không phải là tất cả truyền hình và số lượng người Việt mê bóng đá Anh dù nhiều cũng không quá 10% dân chúng. 
Và một khi người tiêu dùng Việt Nam cùng tẩy chay K+ như đã từng tẩy chay nhiều hàng ngoại kém chất lượng thì hậu quả khôn lường. K+ cũng đừng nên mơ hồ về quyền quản lý nhà nước của Bộ TT-TT với báo chí, phát thanh - truyền hình - kể cả VTV trước cái gọi là “độc quyền” Ngoại hạng Anh. Họ có thừa thẩm quyền can thiệp, ngăn cấm khi quyền lợi của đông đảo người Việt Nam bị xâm phạm.
Người Việt Nam sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi không xem bóng đá Anh một thời gian song chính Ngoại Hạng Anh mới bị thiệt nhiều hơn vì bỗng dưng mất đi hàng chục triệu người xem Việt Nam. 

Phản đối K+ độc quyền
Cổ động viên khắp VN lên tiếng phản đối K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh (Ảnh: Nhạc Dương)

Mới đây Tòa án cao nhất Châu Âu đã ra phán quyết, cho phép tất cả các đài truyền hình 28 quốc gia thuộc EU có quyền phát miễn phí các trận đấu World Cup và Euro, bác bỏ mọi khiếu nại của FIFA và UEFA (hai giải này chiếm 85-90% nguồn thu của hai tổ chức trên). VFF cần liên hệ với FA và ban tổ chức Ngoại hạng Anh về quyền được ưu tiên cho các đài Việt Nam, chấm dứt ngay tiền lệ cho nước ngoài “độc quyền” chiếm sóng Việt Nam về giải Ngoại hạng Anh. 
Mới đây Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son có phát biểu : “... Về mặt quản lý nhà nươc sẽ có điều tiết để đảm bảo vị thế của Việt Nam trên sân nhà. Nếu không cẩn thận sẽ có tình trạng vì lợi ích nhóm ,một số người để cho người nước ngoài quyết định hoàn toàn vấn đề bản quyền ở nước ta. Họ chấp nhận thua lỗ mua bản quyền với giá cao (có thể là đẩy giá-PV),trong khi người dân không được hưởng thụ, gây bức xúc toàn xã hội” (theo trang mạng của Bộ TT-TT)...
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải tách K+ là một doanh nghiệp cổ phần độc lập, không thuộc VTV nữa để bảo đảm sự công bằng với mọi đơn vị truyền hình trả tiền và để bảo vệ sự trong sáng, sang trọng của Đài Truyền hình Quốc gia". 
Nhà vănVõ Khắc Nghiêm
Bình luận
vtcnews.vn