Hành trình xuống dốc không phanh của cổ phiếu 'hoàng đế' VSP

Kinh tếThứ Năm, 28/04/2016 07:04:00 +07:00

Có thời được xem là ‘hoàng đế’ nhưng cuối cùng một công ty liên kết của Vinashin lại trở thành “con tàu ma” và đang dần chìm nghỉm giữa “biển khơi”.

(VTC News) – Có thời được xem là ‘hoàng đế’ nhưng cuối cùng một công ty liên kết của Vinashin lại trở thành “con tàu ma” và đang dần chìm nghỉm giữa “biển khơi”.

Một thời làm “hoàng đế”

Trong những ngày đầu thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động, cổ phiếu ngân hàng được xem là “cổ phiếu vua” với khả năng mang lại lợi nhuận rất cao cho cổ đông. Ngành vận tải biển không nóng như ngân hàng nhưng ngành này đã sản sinh ra cổ phiếu vượt trội. Đó là VSP của Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin. VSP thậm chí còn được đánh giá là “cổ phiếu hoàng đế” trên sàn Hà Nội sau màn trình diễn ấn tượng.

VSP niêm yết lần đầu 4 triệu cổ phiếu tại HNX ngày 25/12/2006. Giá đóng cửa ngày chào sàn của VSP 70.000 đồng/CP. Ngay sau đó giá cổ phiếu VSP đã tăng mạnh và đạt đỉnh quan trọng đầu tiên vào 190.000  đồng/CP vào ngày 27/2. Sau vài nhịp điều chỉnh, VSP đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử trong năm 2017. Khi đó, VSP dễ dàng vượt mốc 315.000 đồng/CP.

Trên các diễn đàn chứng khoán, rất nhiều cổ đông hoan hỉ chia sẻ về các thành tích mình đạt được với VSP. Lợi nhuận từ VSP được tính bằng đơn vị mới là “lần” chứ không phải % (Ví dụ 2 lần tương đương 200%).
Thời gian đầu được coi là hoàng đế nhưng VSP nổi tiếng với tên gọi tàu ma hơn
Thời gian đầu được coi là "hoàng đế" nhưng VSP nổi tiếng với tên gọi "tàu ma" hơn
Nguyên nhân chính của sự bứt phá này chính là VSP công bố lợi nhuận quý I đạt 23,5 tỷ đồng, gần bằng kế hoạch kinh doanh cả năm 2007.

Ngoài ra, giá cho thuê tàu tăng cao trong năm 2007 (có lúc đạt 70.000 USD/ngày) đã mang lại mức tỷ suất lợi nhuận rất cao cho VSP và các công ty cho thuê tàu khác. Năm 2007, VSP đạt EPS cả năm 18.000 đồng/cp và là một trong những cổ phiếu có EPS cao nhất trên sàn. VSP đã trở thành “thỏi nam châm” của nhà đầu tư.

Năm 2008, VSP có khoản lãi đột biến lên tới 297,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 72,3 tỷ đồng năm 2007. Tuy nhiên, về cuối năm, hoạt động kinh doanh của VSP sa sút bất ngờ. Công ty thua lỗ 2 quý liên tiếp khiến VSP lao xuống “đáy” 37.000 đồng/CP vào ngày 6/6/2008

Điều ngạc nhiên là, dù VSP có tốc độ giảm kinh khủng nhưng đây vẫn là cổ phiếu nóng được nhà đầu tư rất quan tâm. Thời điểm này, thay vì được gọi là “hoàng đế”, VSP nổi tiếng với tên “tàu ma” hơn. Nhiều thời điểm, “tàu ma” được “đánh lên” và tiếp tục mang lại lợi nhuận khá tốt cho giới đầu cơ vì mọi người đều tin rằng dù có trôi giạt trên biển, “tàu ma” vẫn không thể chìm.

Suy nghĩ đó phần nào có lý khi VSP nhanh chóng có sự phục hồi đáng kinh ngạc. VSP vượt qua mọi cổ phiếu đại gia khác để tăng 400% từ mức 37.000 đồng/CP lên 237.000 đồng/CP vào ngày 26/8/2008. Với EPS 9 tháng đầu năm đạt 25.580 đồng/CP, VSP là quán quân EPS trên thị trường.

VSP lại nổi bật nhất vì thực hiện việc chia cổ phiếu theo tỉ lệ 135%. Nghĩa là nhà đầu tư mua 1 cổ phiếu trước ngày tách (ngày không hưởng quyền) thì được chia thêm 1,35 cổ phiếu mới. Như vậy, nếu tính gộp cả cũ và mới thì nhà đầu tư sẽ được 2,35 cổ phiếu (bằng 235%).

“Tàu ma” chìm nghỉm

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, bi kịch thực sự đến với vị “hoàng đế” một thuở. Giá thuê tàu “lao dốc” không phanh và gánh nặng nợ nần khiến VSP, từ một “cổ phiếu hoàng đế” đã thành “con tàu ma” chìm nghỉm trên thị trường chứng khoán.

Từ quý 4/2008, giá thuê tàu giảm chóng mặt khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của VSP giảm theo. Tình hình còn tồi tệ hơn trong năm 2009 khi mà giá tàu giảm thêm  80% nữa, VSP lỗ ròng 360 tỷ đồng trong năm 2009. Trong đó, hoạt động cho thuê tàu khiến VSP lỗ 246 tỷ đồng.
Thay vì cứu VSP, Khu đô thị golf Mê Linh lại đánh chìm VSP vì gánh nặng nợ nần
Thay vì "cứu" VSP, Khu đô thị golf Mê Linh lại "đánh chìm" VSP vì gánh nặng nợ nần
Sang năm 2010, VSP cố gắng gượng với khoản lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Nhưng đó là tia sáng cuối cùng của VSP. Sau đó, lỗ của VSP càng ngày càng khủng hơn. Nếu 2011, VSP “chỉ” lỗ 535 tỷ đồng thì năm 2012, lỗ của VSP tăng phi mã lên 2.037 tỷ đồng.

Bên cạnh giá tàu giảm, gánh nặng nợ nần là một nguyên nhân rất quan trọng “nhấn chìm” VSP. Từ năm 2008, để đầu tư cho đội tàu mới, VSP mạnh tay vay vốn khiến chi phí lãi vay của công ty tăng cao, đạt 56 tỷ đồng, Sau đó, VSP còn rót vốn vào bất động sản tìm hướng đi mới. VSP sở hữu khá nhiều quỹ đất khủng. Trong đó, Khu đô thị golf Mê Linh ở Vĩnh Phúc được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp VSP trở lại hoàng đế như ngày nào.

Để khẳng định hướng đi mới này cũng như “đoạn tuyệt” với cái tên Vinashin đầy tai tiếng, năm 2010, VSP đổi tên thành Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải. Thế nhưng, thị trường bất động sản lao dốc đã phá hỏng mọi kế hoạch của VSP.

Hàng loạt dự án bị đắp chiếu, VSP oằn mình trả nợ. Những khoản nợ khủng của VSP cũng từng là đề tài nóng trên các mặt báo. Tổng nợ của VSP dao động từ hơn 2.200 tỷ đồng tới gần 2.500 tỷ đồng, nhiều hơn gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. 

Do nợ khủng nên trong giai đoạn 2009-2012, hàng năm, VSP phải trả lãi vay từ 141 tỷ đồng tới 339 tỷ đồng. Thua lỗ nặng và nợ nhiều khiến VSP âm vốn chủ sở hữu 1.553 tỷ đồng vào năm 2012.

Do 3 năm lỗ liên tiếp, VSP đã "đủ điều kiện" để hủy niêm yết. Hơn 38 triệu cổ phiếu VSP chuyển xuống giao dịch tại sàn UpCom sau khi bị hủy niêm yết tại HNX từ ngày 1/6/2012. Và VSP rơi vào nhóm cổ phiếu có rẻ hơn cốc trà đá. Nhiều thời điểm, VSP giao dịch ở mức dưới 1.000 đồng/CP.

Nhưng đây chưa phải bi kịch cuối cùng. Kể từ ngày 6/4/2016, VSP đã dừng cuộc chơi trên UpCom.  Không chỉ có vậy, VSP còn gây sốc khi tuyên bố tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cổ phiếu VSP ngừng giao dịch ở mức 1.100 đồng/CP, chỉ bằng 11% mệnh giá.

Hành trình đầy thăng trầm của “cổ phiếu hoàng đế” đã mang lại nhiều cảm xúc cho giới đầu tư. Có nhà đầu tư mua được nhà, xe nhưng cũng vì VSP có người mất cả nhà, xe. Sẽ không quá lời khi nói rằng VSP là cổ phiếu mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất cho giới đầu tư.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn