Hành trình đưa sóng di động về bản không điện miền Trung

Kinh tếThứ Hai, 30/11/2015 06:18:00 +07:00

Tại Chơ Chun, một xã nghèo của Quảng Nam, trạm thu phát sóng chạy bằng máy nổ đã được lắp đặt để người dân nơi đây có thể liên lạc bằng điện thoại di động.

Để đảm bảo sóng di động ổn định cho người dân tại xã Chơ Chun cách trung tâm thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam gần 200 km, Viettel đã cho lắp đặt trạm thu phát sóng chạy bằng máy nổ.
Xã Chơ Chun cách trung tâm thành phố Tam Kỳ gần 200 km. Để đảm bảo sóng di động ổn định cho người dân tại đây, nhân viên kỹ thuật của Viettel - đơn vị lắp đặt trạm phát sóng chạy máy nổ ở Chơ Chun - phải thường xuyên đi đường xa và băng rừng 3 km để đến kiểm tra định kỳ. 
Mỗi tuần, anh Mai Văn Tới, nhân viên kỹ thuật của Viettel tại ChaVal (Nam Giang, Quảng Nam) đều kiểm tra trạm phát sóng xã Chơ Chun 1-2 lần, không kể những lần ứng cứu thông tin khẩn cấp. 
 Sau khi vượt qua 20 km đường đồi núi quanh co dốc đứng, anh Tới tiếp tục đi qua 20 km đường đất đỏ, sình lầy và trơn trượt. Những ngày mưa, xe phải quấn xích mới vượt được qua những chặng đường lầy lội.
Phút nghỉ ngơi dọc đường của những nhân viên kỹ thuật. Khi lên trạm phát sóng, đội kỹ thuật thường có 2 người. Tuy nhiên, lúc xảy ra sự cố ở nhiều nơi họ phải chia nhau giải quyết. 
Viettel thuê nhà vợ chồng anh Alan Diết và chị Arắc Hâm ở Chơ Chun làm nơi chạy máy nổ phục vụ cho trạm phát sóng. Hàng ngày anh chị Alan đổ dầu, chạy máy nổ theo giờ quy định. 
Mỗi ngày, máy nổ cần 20 lít dầu để chạy. Để vận chuyển dầu đến đây, công ty đã thuê xe đầu kéo mang lên mỗi tuần. 
Máy nổ được phân chia giờ theo quy định để phục vụ trạm phát sóng. 
 Từ nơi đặt máy nổ đến trạm phát sóng là 3 km đi bộ trong rừng. Do không có đường mòn, các nhân viên kỹ thuật phải phát quang bụi rậm. Vào mùa mưa, đường đi nhiều vắt, họ phải bỏ muối vào vớ để không bị cắn.
Chơ Chun là xã vùng cao hiểm trở nên chưa có điện lưới. Cuộc sống sinh hoạt của người dân rất thiếu thốn thông tin. Nhờ có trạm phát sóng di động duy nhất của Viettel, người dân ở đây có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc. 
Do không có điện lưới, nên điện ở đây được cung cấp bằng tua bin đặt dưới suối. Điện chỉ đủ để dùng cho ánh sáng tối thiểu và sạc điện thoại. Chiếc điện thoại có lúc trở thành đèn pin dùng ban đêm. 
Một ngày làm việc tại trạm phát sóng của nhân viên kỹ thuật kết thúc vào chập tối. 
 Khi đã bám dây để xuống núi, họ lại tiếp tục chặng đường xa quay về. Không ít lần đến đêm các anh mới về tới nhà. Dù vậy, anh Tới vẫn vui vẻ nói: “Vất vả, nhưng hạnh phúc, vì giúp được bà con”.


Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn