"Hàng triệu NTD gánh hậu quả từ 1 hợp đồng của K+"

Bóng đá AnhThứ Bảy, 31/07/2010 01:35:00 +07:00

Sau quyết định của Bộ TT-TT về việc các Đài Truyền hình phải chia sẻ bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh, dư luận vẫn chưa lắng dịu…

Rất nhiều ầm ĩ và tranh cãi quanh bản hợp đồng độc quyền giải Ngoại hạng Anh của K+ và để rộng đường dư luận, VTC News xin đăng bài viết thể hiện quan điểm của Luật sư Lê Thanh Sơn (AIC Lawyers & Consultants) để có thêm một góc nhìn về vụ việc này.

Trong nhiều ngày qua việc độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh đang là chủ đề nóng gây xôn xao dư luận. Với tư cách một khán giả mà cũng là một luật sư, xin được đưa ra một vài nhận định pháp lý về vụ việc này.

Luật sư Lê Thanh Sơn cho rằng K+ cạnh tranh không lành mạnh.

Theo thông tin từ Tổng GĐ của VSTV, ông Cao Văn Liết đăng trên báo Tuổi Trẻ số 203/2010 thì hợp đồng mua bản quyền phát sóng ký kết giữa K+ và MP&Silva không cho phép K+ bán lại hay cho không bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh cho bất kỳ đơn vị nào khác. Đồng thời, cũng theo các thông tin báo chí ngày 30/7 thì Đài TH Hà Nội sẽ phát sóng miễn phí các trận bóng đá giải Ngoại hạng Anh vào các ngày thứ 7 và thứ 2. Cho đến nay, đã có ít nhất 3 đơn vị đã ký hợp đồng mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh của nhà cung cấp nước ngoài.

Như vậy, người ta có thể thấy rằng đối tác nước ngoài MP&Silva - đơn vị phân phối Giải ngoại hạng Anh đã lợi dụng triệt để việc các nhà cung cấp của Việt Nam không đồng thuận trong việc đàm phán hợp đồng để đưa ra phương thức đàm phán thương lượng với từng đơn vị riêng lẻ, và tạo ra một thị trường “cạnh tranh ảo” giữa các đơn vị này để đẩy giá mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh lên rất cao. Theo đó, tổng số tiền mà các đơn vị trong nước và K+ phải bỏ ra để mua bản quyền phát sóng có thể cao hơn rất nhiều so với những gì mà báo chí đã đưa tin trong những ngày qua.

Một câu hỏi được đặt ra là các nhà đài lấy ngân sách ở đâu để mua bản quyền với giá cao như vậy?. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả các đơn vị này đều là doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà nguồn vốn đó được hình thành từ tiền đóng thuế của nhân dân. Có thể nói rằng do việc K+ ký hợp đồng phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh vào ngày Chủ nhật dẫn đến tất cả các đơn vị khác buộc lòng phải ký hợp đồng để nhằm mục đích phục vụ khán giả, bất chấp giá cả quá cao so với những mùa giải trước đây gây lãng phí ngân sách nhà nước mà hàng triệu người tiêu dùng là đối tượng phải gánh chịu mọi hậu quả.

Như vậy, sự lơi lỏng trong công tác quản lý truyền hình trả tiền cộng với sự thiếu thống nhất giữa các nhà đài của Việt Nam đã ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của người dân, lợi ích quốc gia và chỉ đem lại lợi ích lớn nhất cho nhà phân phối bản quyền nước ngoài cũng như một nhóm lợi ích trong xã hội.

Một câu hỏi cần đặt ra là nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ một số nội dung liên quan tới hợp đồng độc quyền phát sóng ký kết giữa K+ và MP&Silva cũng như việc thực hiện hợp đồng của K+ dưới góc độ pháp luật.

Đầu tiên là việc MP&Silva và K+ đã ký kết hợp đồng mua bản quyền trong đó quy định độc quyền phát sóng dẫn đến K+ không được quyền chia sẻ hoặc chuyển nhượng quyền này cho bất kỳ nhà đài nào khác, đồng thời áp đặt giá cung cấp dịch vụ bất hợp lý đối với các thuê bao muốn xem giải Ngoại hạng Anh. Mức chi phí người tiêu dùng phải chịu gồm phí thuê bao 250.000 đồng/tháng và tiền mua đầu thu 1.500.000 đồng. Mức chi phí này cao hơn rất nhiều so với mức chi phí trước đây mà người tiêu dùng phải trả. Đồng thời buộc người tiêu dùng chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải mua dịch vụ của K+ với mức phí ấn định không có mặc cả hay đàm phán. Vậy, K+ đã lợi dụng vị trí độc quyền để áp đặt giá cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lên mức bất hợp lý vi phạm Khoản 2 Điều 13 và Điều 14 Luật cạnh tranh về các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm trong đó có quy định hành vi “Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng”.

Thêm vào đó, nếu một thuê bao đang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác giờ họ muốn xem giải Ngoại hạng Anh thì không còn lựa chọn nào khác là phải từ bỏ dịch vụ đã sử dụng và chuyển sang sử dụng dịch vụ của K+. Vậy, K+ đã lợi dụng vị trí độc quyền để áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng vi phạm Khoản 2 Điều 14 Luật cạnh tranh quy định các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm trong đó có hành vi “Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng”.

Chỉ có thể phát sóng trên truyền hình số vệ tinh (DTS) nhưng K+ lại mua bản quyền phát sóng ở tất cả các hạ tầng kỹ thuật khác như DTH, analog, cáp. Mặc dù, ông Cao Văn Liết, Tổng GĐ VSTV đã đưa ra giải thích về mục tiêu thực hiện việc phát sóng trên tất cả các hạ tầng trong tương lai. Tuy nhiên, hành vi này chỉ có thể được hiểu là nhằm mục đích bao thầu toàn bộ gói phát sóng không để cho các nhà cung cấp khác được tham gia. Như thế, K+ đã ký kết một hợp đồng nhằm mục đích giành vị trí độc quyền để ngăn cản sự tham gia thị trường của các nhà cung cấp khác vi phạm Khoản 6 Điều 13 và Điều 14 Luật cạnh tranh quy định các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm trong đó có hành vi “Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh…”.

Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy K+ vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh đã ký hợp đồng mua bản quyền với MP&Silva nhằm áp đặt giá cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lên mức bất hợp lý, tạo ra các điều kiện bất lợi cho khách hàng và ngăn cản sự tham gia thị trường của các nhà cung cấp khác. Hành vi này của K+ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm Khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh “…gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng” đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng như hiện nay và hàng triệu người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả từ một hợp đồng vi phạm pháp luật.

Do vậy, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cần lên tiếng yêu cầu Hội tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam làm đơn khiếu nại gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh &  Hội đồng cạnh tranh, Bộ Công thương để tự bảo vệ mình.

Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước trọng trách là cơ quan đại diện cho quyền lợi chính đáng của người dân Việt Nam.

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn