Hàng tấn thịt, nội tạng bẩn 'phục kích' chờ lên mâm cỗ Tết người Việt

Kinh tếThứ Hai, 28/12/2015 07:17:00 +07:00

Thực phẩm bẩn 'sẵn sàng' lên mâm cỗ Tết của người Việt

Càng gần đến Tết, hàng tấn mỡ thịt bẩn, nội tạng bẩn liên tiếp bị phát hiện càng nhiều, các cơ sở sản xuất thực phẩm mất vệ sinh cũng vào mùa hoạt động hết công suất.

Nội tạng động vật mốc xanh chuẩn bị lên mâm cỗ Tết

Ngày 14/12, tại 1 kho hàng đông lạnh của Cty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội tại chợ đầu mối Minh Khai, Từ Liêm đã bị lực lượng chức năng phát hiện với hơn 1 tấn thực phẩm gồm tim lợn, chân gà, mề gà đã quá hạn sử dụng tới 5 tháng. Thậm chí những quả tim lợn đã bị mốc xanh.
Số chân gà, tim lợn đông lạnh đang trong quá trình phân hủy bị bắt giữ
Số chân gà, tim lợn đông lạnh đang trong quá trình phân hủy bị bắt giữ  
Đại diện chủ hàng khai nhận, toàn bộ số thực phẩm bẩn này đang được chuẩn bị tung ra thị trường Hà Nội bán trong dịp Tết nguyên đán.

Trên bao bì sản phẩm chân gà in xuất xứ từ nước ngoài, đồng thời lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn tim lợn đông lạnh nhưng đã chuyển màu thâm đen.

Ngay sau đó, ngày 16/12, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện tới 3 tấn thịt bò nhập khẩu từ Úc, Nhật bản đã quá hạn sử dụng tới 4 tháng. Trong đó, rất nhiều túi thịt bò bít tết đã ngả mầu đen.

Ruốc làm từ thịt gà chết

Tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa phát hiện và bắt giữ khoảng 4 tấn ruốc bẩn đang trên đường vận chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội để tiêu thụ.
Thu giữ hơn 4 tấn ruốc gà trộn bột mỳ. Ảnh: Hà Nội Mới
Thu giữ hơn 4 tấn ruốc gà trộn bột mỳ. Ảnh: Hà Nội Mới 
Loại ruốc này có màu sắc vàng óng, mùi thơm rất hấp dẫn, tuy nhiên giá chỉ dao động khoảng 40.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá thành ruốc mà người tiêu dùng tự làm.

Nguy hại hơn là để tăng trọng lượng, chủ hàng đã trộn thêm bột mì và các loại hóa chất khác khiến loại ruốc bẩn này có thể… không mốc trong vòng 3 năm.

Chủ của cơ sở này khai nhận, sở dĩ ruốc có giá rẻ như vậy là do được làm từ gà thải loại, gà chết, gà tiêm kháng sinh ép đẻ với giá rất rẻ, chỉ 18.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá thịt gà tươi mua ngoài chợ.

Thậm chí, nước luộc gà trong quá trình làm ruốc chứa đầy chất độc hại đã được rất nhiều cửa hàng bán phở, hủ tiếu đến mua với giá 40.000/can 20 lít; xương gà được bán với giá 8.000 đồng/kg cho các cơ sở sản xuất bột nêm.

Miến bẩn từ đen đục thành trắng tinh


Cứ vào dịp giáp tết, người dân ở Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) lại tất bật đêm ngày để cho ra đời hàng chục tấn miến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Khi đến làng miến truyền thống này, không ít người rùng mình bởi mùi hỗn tạp từ nước thải cống rãnh của các hộ xả thải ra mà chưa qua xử lý.
Một cơ sở sản xuất bột sắn làm miến mì ở Hoài Đức, Hà Nội
Tại một cơ sở sản xuất bột sắn để làm nguyên liệu sản xuất miến, mì, bánh kẹo ở thôn Minh Hòa 4, Hoài Đức, khung cảnh sản xuất trông ngổn ngang như một… công trường xây dựng.

Người lao động cũng không trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang mà chỉ có mỗi đôi ủng khi sơ chế nguyên liệu.

Các loại sắn, dong riềng được đổ trực tiếp trên nền nhà bẩn thỉu rồi đưa lên máy nghiền thành bột, sau đó được vun vào trong một góc nhà, thậm chí còn tràn ra ngoài lề đường.

Những củ sắn, dong làm nguyên liệu chỉ cần rửa qua 1 lần nước rồi đưa vào nghiền luôn. Kết quả tạo ra một thứ nước bột sủi bọt đen đục.

Thấy phóng viên tỏ vẻ lo ngại về vấn đề sơ chế không đảm bảo, chủ cơ sở này còn trấn an: “Yên tâm, đến lúc đánh bột ra người làm sẽ rửa lại 4 - 5 lần nữa… Đến tay người tiêu dùng vẫn bảo đảm về chất lượng của sản phẩm” (?).

Theo lời của một chủ cơ sở sản xuất bún, miến khác cảnh báo, do giá nguyên liệu đắt đỏ nên không tránh khỏi hiện tượng nhiều nơi sản xuất sẽ độn thêm sợi sắn, sử dụng thêm bột đót và chất phụ gia làm miến trắng hoặc phẩm nhuộm màu miến.

Bì mỡ bẩn làm đủ các loại món

Giáp tết cũng là lúc các lò chế biến mỡ thành phẩm ở ngoại thành Hà Nội phải làm việc hết công suất để có đủ hàng phục vụ nhu cầu của các cơ sở sản xuất thực phẩm phục vụ tết.

Theo chia sẻ của chủ một lò chế biến mỡ ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội, ngày nào chị cũng phải dậy từ rất sớm để đến chợ đầu mối Bắc Thăng Long và lò mổ ở các xã lân cận để gom mỡ, bì, giá từ 3.000 – 8.000 đồng/kg tùy thuộc vào độ tươi.

Càng gần Tết thì giá mỡ nguyên liệu tăng thêm khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg do nhu cầu thu mua của các lò chế biến mỡ nhiều hơn.

Một cơ sở sơ chế bì mỡ lợn bẩn tại Đan Phượng, Hà Nội
Một cơ sở sơ chế bì mỡ lợn bẩn tại Đan Phượng, Hà Nội 
Cơ sở sản xuất mỡ này nằm ở ngay mặt đường liên thôn nên mỗi khi lò nổi lửa là mùi khét lẹt của mỡ cháy, mùi hôi thối của nguyên liệu bốc lên khiến ai đi ngang qua cũng thấy khó chịu.

Thịt mỡ thực chất là những đám mỡ bèo nhèo được các lò mổ cắt ra từ những mảng thịt thừa, trong đó bao gồm cả nội tạng, lòng mề còn chứa cả phân.

Nguyên liệu này sau khi mua về sẽ được mang ra rán trực tiếp trong các chảo lớn rồi lọc lấy mỡ,  được bán cho các đầu mối phân phối mỡ với giá 14.000  – 16.000 đồng/lít

Còn phần tóp mỡ cũng được gom lại để bán cho các cơ sở sản xuất nhân bánh, patê...

Cách đây không lâu, Phòng Cảnh sát môi trường PC49 (Công an TP Hà Nội) cũng đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất mỡ lợn bẩn. Tại đây, 3 tấn mỡ nước, 1 tấn tóp mỡ đã được chế biến đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trên nền nhà 300kg bì lợn, mỡ lợn đã bốc mùi hôi thối chuẩn bị được chế biến. Theo chủ cơ sở, số lượng mỡ, tóp mỡ này sẽ được bán cho các quán cơm rang phở xào, bếp ăn công nghiệp, còn bì lợn được bán cho các cơ sở làm nem chạo trên địa bàn.
Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn