Hà Nội: Phát hiện 5.800 vụ vi phạm về hàng hóa

Kinh tếThứ Ba, 21/12/2010 11:20:00 +07:00

Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý và đăng ký giá của DN. Theo đó, HN phát hiện hơn 5.000 vụ vi phạm về hàng hóa

Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý và đăng ký giá của doanh nghiệp tại các địa phương. Theo đó, Hà Nội phát hiện hơn 5.000 vụ vi phạm về hàng hóa; TP.HCM phát hiện, xử lý 279 vụ vi phạm về giá, số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Các tỉnh, thành khác cũng phát hiện nhiều sai phạm trong việc đăng ký giá và chất lượng sản phẩm... Đây là những số liệu về quản lý giá và hàng hóa vừa được các địa phương công bố những ngày qua.

Nhiều công ty lớn vi phạm

Ba đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý và đăng ký giá của doanh nghiệp tại các địa phương.

Một đợt kiểm tra mới đang được tiến hành để góp phần đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa. (Ảnh minh họa). 

Các mặt hàng được kiểm tra thuộc diện phải đăng ký giá, gồm: Phân bón hóa học, thóc gạo, đường ăn, sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, xi măng, thép xây dựng. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) không hề biết mình thuộc diện phải đăng ký giá.

Chiều 20/12, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Kim Liên cho biết: Theo kết quả kiểm tra, có 4/16 DN chưa thực hiện đăng ký giá. Trong số 12/16 DN đã đăng ký giá, thì lại tăng giá không đúng quy định. Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa 2 lần tăng giá với mức tăng khoảng 23 - 24%.

Cũng theo kết quả kiểm tra, có 3/16 DN đăng ký thiếu mặt hàng kinh doanh, bao gồm Công ty cổ phần Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty TNHH Dược phẩm 3A, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên.

Các DN này chỉ đăng ký những mặt hàng kinh doanh chủ yếu, còn các mặt hàng ít giao dịch hoặc giao dịch với số lượng thấp thì không thực hiện đăng ký. Đối với các đơn vị chưa thực hiện đăng ký giá cho các mặt hàng, các đoàn kiểm tra đã thực hiện phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký giá 7/16 đơn vị với tổng số tiền phạt là 47,5 triệu đồng.

Đại diện Bộ Tài chính đã đưa ra 5 giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá. Trước mắt, trong dịp Tết Tân Mão và quý I năm 2011 sẽ giữ ổn định giá các mặt hàng: Điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch và các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục. Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đủ điều kiện, dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu bình ổn giá nhất là các thời điểm diễn ra lễ, Tết...

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ ngày 1/1/2011, báo cáo hàng ngày của ngành Tài chính sẽ phải bổ sung thêm nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đồng thời đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương.

Hà Nội phát hiện 5.800 vi phạm

Qua kiểm tra về giá, các tỉnh đã xử phạt nhiều vụ vi phạm: Tỉnh Lâm Đồng xử lý 13 vụ vi phạm, phạt 420 triệu đồng, TP. Hồ Chí Minh xử lý 279 vụ với tổng số tiền nộp phạt lên tới 1,2 tỷ đồng; Tiền Giang xử lý 4 vụ với hơn 26 triệu đồng liên quan đến các doanh nghiệp sữa, thuốc, vật liệu xây dựng.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, những ngày qua 2 cơ quan này đã liên tục có các đoàn thanh tra, kiểm tra quyết liệt không để xảy ra tình trạng "sốt" giá hàng hóa dịp cuối năm đồng thời giám sát hành vi đầu cơ tăng giá, đẩy giá lên cao bất hợp lý.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ nay đến hết 31/12 Chi cục Quản lý thị trường các địa phương sẽ kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tại các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ nhằm thiết lập sự bình ổn trên thị trường, kiên quyết xử lý các điểm bán hàng không theo niêm yết giá. Mục tiêu của đợt kiểm tra này sẽ tập trung kiểm tra chất lượng và giá cả hàng hóa.

Trong khi đó, trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội cho biết: Từ đầu tháng 11 đến nay, qua kiểm tra trên 12.000 điểm, cửa hàng... Chi cục đã phát hiện 5.800 vụ vi phạm, trong đó có 985 vi phạm về hàng lậu, 2.100 vi phạm về hàng kém chất lượng, thu nộp ngân sách 541 tỷ đồng.

Để đảm bảo yêu cầu bình ổn giá cả, Sở Công Thương TP.Hà Nội sẽ thực hiện việc kiểm soát giá cả thị trường thông qua việc đăng ký giá bán các mặt hàng thiết yếu, định kỳ 2 lần/tuần đối với rau quả và thực phẩm tươi sống.


Theo Dân Việt

Bình luận
vtcnews.vn