Đời sống

Hà Nội giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Làm sao để không 'đánh trống bỏ dùi'?

Thứ Năm, 23/02/2023 12:10:00 +07:00

(VTC News) - Để tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi" khi giành lại vỉa hè, Hà Nội cần thực hiện quyết liệt nhưng cũng không nên máy móc, cần linh hoạt để có giải pháp phù hợp.

Vỉa hè Thủ đô bị hàng quán chiếm dụng, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Tới đây, chính quyền TP Hà Nội kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Trả lời VTC News về kế hoạch này, TS Khương Kim Tạo - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia  - nhìn nhận, hàng chục năm qua, lực lượng chức năng các quận nội thành nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy vậy, một thời gian sau, khi phong trào lắng xuống, người dân lại tiếp tục lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Hà Nội giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Làm sao để không 'đánh trống bỏ dùi'? - 1

Nhiều đoạn vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội bị các cửa hàng kinh doanh ăn uống chiếm dụng. (Ảnh: Ngô Nhung).

Nghiên cứu cho thuê vỉa hè

Ông Khương Kim Tạo cho rằng, chính quyền các cấp, đặc biệt là quận, phường phải quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có giải pháp với số lượng lớn người dân đang “bám” vào vỉa hè để sinh sống.

“Phải tìm hiểu những người lấn chiếm vỉa hè là ai và tại sao họ lấn chiếm”, ông Tạo nêu vấn đề.

Theo TS Khương Kim Tạo, về cơ bản có 2 nhóm đối tượng lấn chiếm vỉa hè. Thứ nhất, người buôn bán từ nơi khác đến chiếm diện tích trên vỉa hè kinh doanh hoặc hộ kinh doanh tại chỗ lấn chiếm diện tích vỉa hè trước mặt tiền ngôi nhà. Còn nhóm thứ hai là những người bán hàng rong, xe đẩy lưu động.

“Những người bán hàng rong, xe đẩy dựa vào vỉa hè để sống và có thể sau gánh hàng rong là cuộc sống của một gia đình. Đây là đối tượng nên được quan tâm để sắp xếp, hỗ trợ chỗ buôn bán. Đảm bảo sinh kế thì người dân sẽ sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Quyết liệt nhưng cũng cần nhân văn, có lý có tình”, ông Tạo nói.

Xét về góc độ văn hóa, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, kể từ xưa nước ta luôn duy trì thói quen sinh hoạt cộng đồng ngoài trời nên vỉa hè còn là một chốn sinh hoạt đô thị. Những quán ăn hè phố đã đi sâu vào tiềm thức và trở thành tập quán, cũng là hồn cốt tạo nên bản sắc của những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM...

“Nếu ra sức dẹp một cách máy móc tất cả những hoạt động đó thì sẽ không còn bản sắc văn hóa sinh hoạt đời thường của người dân. Vì vậy, chính quyền Thủ đô cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp cho việc kinh doanh trên vỉa hè, thậm chí là cho dân thuê vỉa hè giống như các nước phát triển để vừa đảm bảo văn minh đô thị vừa giữ được nét đặc trưng văn hóa”, TS Khương Kim Tạo gợi ý.

Hà Nội giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Làm sao để không 'đánh trống bỏ dùi'? - 2

 

Vỉa hè vẫn phải dành cho người đi bộ nhưng nên kết hợp hài hòa giữa các công năng để đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế đồng thời lợi ích xã hội không bị xâm hại.

KTS Phạm Thanh Tùng

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là điều hiển nhiên. “Ngay từ những bài học về giao thông ở cấp tiểu học đã dạy học sinh phân chia làn đường phải - trái và vỉa hè dành cho người đi bộ. Việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là trả lại điều hiển nhiên”, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Nói về thực trạng vỉa hè đang bị “bức tử” bởi một tổ hợp kinh doanh đa lĩnh vực, từ ăn uống, trông xe đến kinh doanh buôn bán, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm, không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà nên sắp xếp lại cho trật tự, theo các tuyến đường cho phép kinh doanh và quy định thời gian kinh doanh. Như vậy sẽ bảo đảm hài hòa giữa vấn đề mưu sinh của người dân và vấn đề trật tự, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng do hiện tượng lấn chiếm vỉa hè gây ra.

“Những khu vực vỉa hè có khả năng kinh doanh thì phải xây dựng đề án thí điểm cho thuê. Lưu ý việc này phải thực hiện minh bạch, công khai trên nguyên tắc giữ gìn vỉa hè sinh động, sạch sẽ, không cần rộng nhưng phải ngăn nắp”, ông Tùng nói.

Ông Tùng dẫn ví dụ tại Bangkok (Thái Lan), người bán hàng rong phải đăng ký và đóng tiền hàng tháng cho cơ quan quản lý đô thị để có thể buôn bán một cách hợp pháp. Nhiều tuyến đường bị cấm bán hàng rong trong giờ cao điểm để nhường đường cho người đi bộ.

Hay một mô hình khác cũng mới được thí điểm tại Bangkok, dự án “Hello Hab-Re” (Xin chào những người bán hàng rong) được tổ chức bên ngoài khu mua sắm phức hợp Samyan Mitrtown trên đường Rama IV. Theo đó, các quầy bán hàng rong rải rác trên đường phố được sắp xếp tập trung tại một khu vực với diện tích phù hợp cho mỗi quầy và không cản trở lối đi công cộng.

“Vỉa hè vẫn phải dành cho người đi bộ nhưng nên kết hợp hài hòa giữa các công năng để đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế đồng thời lợi ích xã hội không bị xâm hại. Chính quyền Hà Nội cần nghiên cứu thật kỹ để đưa ra quyết sách hợp lý”, ông Tùng lưu ý.

Trả lời VTC News, đại diện Ban Chỉ đạo 197 phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, phường có dân số đông, bên cạnh đó tỷ lệ cao những người vượt ngưỡng độ tuổi lao động và người dân bị thu hồi giải phóng mặt bằng, vì vậy những người ra vỉa hè để bán hàng nước rất nhiều.

"Đây cũng là thực trạng nhưng không phải vì thực trạng này mà chúng tôi không xử lý. Chúng tôi xử lý rất nhiều, thu giữ các vật dụng lấn chiếm vỉa hè nhưng chỉ chuyển biến được một phần chứ không dứt điểm", đại diện Ban Chỉ đạo 197 phường Hoàng Liệt cho hay.

Theo vị này, mặc dù địa phương ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè rất nhiều lần nhưng để triệt để thì cần phải có thời gian.

Hà Nội giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Làm sao để không 'đánh trống bỏ dùi'? - 3

Dự án “Hello Hab-Re” - những người buôn bán hàng rong đến kinh doanh trong những quầy hàng cố định thay vì trên các vỉa hè. (Ảnh: The Nation Thailand).

Giải pháp căn cơ từ quy hoạch

Nhìn từ góc độ quy hoạch, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông Vận tải - nêu rõ, vỉa hè có 4 chức năng, bao gồm lối đi riêng cho người đi bộ (tối thiểu 1,5 m), chứa đựng hạ tầng và tiện ích đô thị (hệ thống cấp điện, nước, đường cáp quang, trồng cây xanh…), bảo đảm bố trí được vào điểm tiếp cận các công trình giao thông khác (cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ) và chức năng không gian công cộng đô thị.

Ông Thủy cho rằng, không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị lớn ở nước ta, khi xây dựng các tuyến phố không tính đến chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh.

Hầu hết các tuyến đường khu phố cổ Hà Nội vỉa hè rộng trên dưới 1 m, ngay cả người dân ở đó cũng không có chỗ để xe, mà các bãi đỗ xe tập trung thì rất ít”, ông Thủy nêu rõ.

Còn những tuyến đường mới mở do thiếu đồng bộ trong việc nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và quản lý xây dựng nên đường vẫn chưa đủ rộng theo quy định.

Mọi vấn đề đều phải được giải quyết từ cái gốc, để đường thông, hè thoáng thì quy hoạch là cốt lõi”, ông Thủy nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết, chính quyền Hà Nội cần tính toán được những nhu cầu về số lượng phương tiện tham gia giao thông cần dừng đỗ, mật độ người đi bộ trên từng tuyến phố nhằm phân tích và xây dựng quy hoạch cho khu vực đỗ xe, khu vực bán hàng mà không ảnh hưởng đến không gian đi bộ.

Để những phân tích chính xác, sát thực tế, theo nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông Vận tải, phải có đầy đủ dữ liệu như dân số, khách du lịch, số người tham gia giao thông, số phương tiện giao thông… ở hiện tại và dự đoán trong tương lai (ít nhất trong 10 - 15 năm).

Sau khi có quy hoạch, phải thực hiện quyết liệt, nghiêm túc nhưng cũng cần điều chỉnh hợp lý so với thực tế chứ không thể cứng nhắc theo đúng giấy tờ”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói thêm.

Hà Nội giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Làm sao để không 'đánh trống bỏ dùi'? - 4

Tại khu vực phố cổ Hà Nội, vỉa hè chật hẹp cùng tình trạng chiếm lấn đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Chia sẻ về thực trạng nhiều người mặc định vỉa hè trước nhà thuộc sở hữu của chủ nhà, khi chính quyền cưỡng chế hành vi lấn chiếm thì bị xem là tước đoạt quyền lợi của nhân dân, TS Khương Kim Tạo cho rằng, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho các gia đình này hiểu được rằng lòng đường, hè phố là không gian công cộng.

Như vậy, những vỉa hè không đủ điều kiện không gian đỗ phương tiện giao thông thì các hộ dân phải cho xe vào nhà”, ông Tạo nói.

Cũng theo ông Tạo, nhiều người mua ngôi nhà giá cực cao ở trung tâm để tận dụng lòng đường, vỉa hè kinh doanh, nhưng nếu siết chặt vấn đề lấn chiếm thì những người này có thể sẽ lựa chọn khu vực dân cư mới, rộng rãi với giá cả phải chăng. Thay vì mua nhà mặt phố giá cao nhưng không thể kinh doanh trên vỉa hè hoặc bị xử lý khi cố tình lấn chiếm vỉa hè.

Điều này góp phần thực hiện chính sách giãn dân của thành phố tốt hơn, giúp giảm ùn tắc giao thông…”, ông Tạo nói thêm.

Hà Nội giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Làm sao để không 'đánh trống bỏ dùi'? - 5

Du khách nước ngoài cũng phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè Hà Nội bị chiếm dụng để kinh doanh.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/3, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn.

Các lực lượng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm. Lực lượng chức năng kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.

Anh Văn - Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn