Gỡ khó cho doanh nghiệp từ giải pháp thuế

Kinh tếThứ Năm, 13/11/2014 03:56:00 +07:00

Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại tạo cơ hội cho DN Việt cạnh tranh sòng phẳng với DN đa quốc gia, DN FDI.

Tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thể hiện trên toàn bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Đứng trước thực trạng, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với một loạt các khó khăn. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân đang chững lại, tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp... Dự thảo Luật được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những hỗ trợ đáng kể thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo tờ trình của Chính, doanh nghiệp sẽ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20% trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thậm chí từ ngày 1/1/2016, thu nhập của một số lĩnh vực còn được áp dụng thuế suất 17%. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng được ưu đãi rất cao.
Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại tạo cơ hội cho DN Việt cạnh tranh sòng phẳng với DN đa quốc gia, DN FDI
Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại tạo cơ hội cho DN Việt cạnh tranh sòng phẳng với DN đa quốc gia, DN FDI 

Theo đó, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...

Để thu hút các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, tác động sâu, rộng đến kinh tế - xã hội của địa phương hoặc vùng kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định: thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp  có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ... được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Một thay đổi mang tính đột phá khác là Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh… Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn ĐB Hà Nội), luật thuế không khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại là một bước tiến lớn. Tính đúng, tính đủ chi phí quảng cáo tiếp thị thì cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài sẽ mở rộng hơn cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp đồng nghĩa với việc giảm nguồn thu đối với ngân sách. Chính vì vậy, theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2014, Quốc hội yêu cầu không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn với việc ngay trong năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế này dự kiến mỗi năm giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế GTGT khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng.

“Khoanh” rõ trách nhiệm

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, quá trình sửa đổi các luật thuế Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan thực thi việc nộp thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp chây ỳ, tái phạm nhiều lần việc nộp thuế. Đồng thời cũng có thể tiến hành “khoanh nợ” cho doanh nghiệp gặp khó khăn, khi làm ăn khá lên thì phải nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải công tâm, nghiêm minh để tránh hiện tượng lợi dụng trục lợi.

Đồng tình với việc sửa đổi các luật thuế lần này, đại biểu Trần Tiến Dũng (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, các sắc thuế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, phát triển đất nước và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhìn nhận, việc sửa đổi các sắc thuế phải có giải pháp hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển, phát huy tiềm năng và lợi thế của khu vực còn nhiều khó khăn này như đảm bảo đầu ra, đầu vào của sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Luật Quản lý thuế vẫn còn bộc lộ những điểm yếu như thu chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời và phải hiện đại công tác quản lý thuế. Đặc biệt, ngoài quản lý đối tượng thu thuế nhưng phải quản lý và chế tài chặt chẽ cả cán bộ đi thu thuế. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (tỉnh Bắc Ninh) kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức tài chính vi mô thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bởi đây là các tổ chức tài chính nhỏ, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị và xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ, vùng sâu, vùng xa.

Một trong những mặt hàng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là thuốc lá. Việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giá mặt hàng này tăng theo nhưng liệu có giảm người tiêu thụ? Mặt khác, quản lý không tốt sẽ để cho thuốc ngoại tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và thất thu ngân sách quốc gia khi mà thuốc lá nội cạnh tranh không nổi với thuốc lá ngoại. Đây là bài toàn nan giải đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Nếu không quản lý tốt thì vô hình trung sẽ tác dụng ngược đối với mặt hàng này hiện nay.

Đặc biệt, điều làm cho đại biểu hết sức quan tâm là việc sửa đổi các sắc thuế lần này cần phải quản lý thuế hiệu quả hơn đối với các hành vi “chuyển giá để trốn thuế”, “lỗ giả lãi thật” của không ít doanh nghiệp, đang gây nhức nhối hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.

Kỳ vọng từ doanh nghiệp


Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, số thu ngân sách cũng sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật thuế TTĐB.
Theo kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vào tháng 10 vừa qua cho thấy, hơn 86% số doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng các mức thuế suất sẽ được tiếp tục điều chỉnh giảm trong thời gian tới để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp V1000, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn ở mức cao là quan ngại lớn nhất của họ.


Rõ ràng, mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm xuống mức 22%, nhưng đây chưa phải là mức thuế suất “hài lòng” của doanh nghiệp Việt, đặc biệt khi kinh doanh đang có xu hướng “đi ngang” như hiện nay.

Khi được hỏi về tác động của cải cách thủ tục hành chính thuế tới doanh nghiệp trong thời gian qua, có hơn 67% doanh nghiệp nhận định, các thủ tục hành chính thuế đang được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1/3 số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, thậm chí 11,6% số doanh nghiệp còn cho rằng, những cải cách này đang khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên khó khăn hơn.

Con số trên chỉ ra rằng, công cuộc cải cách hành chính thuế sẽ còn cả một chặng dài phía trước, đòi hỏi cơ quan Thuế triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, tránh tình trạng cán bộ thuế gây nhũng nhiễu, hách dịch với người nộp thuế…

PV
Bình luận
vtcnews.vn