Giết người man rợ, cướp giật hung hãn: Mầm mống từ đâu?

Thời sựThứ Sáu, 10/10/2014 07:21:00 +07:00

(VTC News) - Vì sao giết người ngày càng man rợ, cướp giật ngày càng hung hãn là câu hỏi được nhiều lãnh đạo ngành công an phân tích, tìm nguyên nhân.

(VTC News) - Vì sao giết người ngày càng man rợ, cướp giật ngày càng hung hãn là câu hỏi được nhiều lãnh đạo ngành công an phân tích, tìm nguyên nhân.

Hiện nay, đa phần các vụ án giết người man rợ hay cướp giật táo tợn, hung hãn đều có liên quan đến nguyên nhân nghiện ma tuý.

Đó là nhận định cũng như trăn trở của lãnh đạo các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương mà nhất là TP.HCM khi nói về loại tội phạm liên quan đến ma túy trong tình hình hiện nay tại Việt Nam.

Mầm mống của hành vi nguy hiểm

Theo Trung tướng Trần Văn Đạt - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục CS PCTP (Bộ CA), hầu như các loại tội phạm xuất phát chính từ việc liên quan đến ma túy, nảy sinh cướp giật, băng, nhóm... liên kết xuyên quốc gia, đa quốc gia, sử dụng hung khí súng, lựu đạn, sẵn sàng chống trả đến cùng với lực lượng chức năng.

"Gắn liền với ma tuý là tội phạm trộm cắp, nhất là cướp giật thường xuyên và liên tục. Băng nhóm kết hợp tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, buôn lậu, cá độ, đòi nợ thuê, chém mướn, xã hội đen... núp bóng doanh nghiệp, công ty để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, và tai mắt nhân dân, ví dụ Phương "Ninh Hột" ở Quảng Ninh gần đây" - Trung tướng Đạt cho biết.

 
Video: Trung tướng Triệu Văn Đạt - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục CS PCTP (Bộ CA) nói về tội phạm ma túy và hệ quả của nó trong cuộc sống hiện nay

Hay như, các vụ giết người phân xác xuất phát từ việc sử dụng ma túy đá gây ảo giác. Tài xế lái xe dùng ma túy, thanh thiếu niên nam nữ dùng ma túy tại khách sạn rồi quan hệ "bầy đàn", dùng kim tiêm hù dọa nhiễm HIV để trấn lột, cướp tài sản...

Lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát, Hải quan và CA TPHCM phản ánh các loại tội phạm trong đó nổi cộm là tội phạm liên quan đến ma túy. Ảnh: Phan Cường  

Tội phạm ma túy tiềm ẩn phức tạp

Tại TP.HCM, tình hình tội phạm ma túy trong 9 tháng đầu năm 2014 vẫn còn tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng, nổi lên hoạt động đường dây, tổ chức vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất sang Trung Quốc, Úc.

Các băng nhóm tội phạm ma túy liên tỉnh vận chuyển trái phép ma túy về TP.HCM để tiêu thụ vẫn chủ yếu từ các tỉnh biên giới phía Tây giáp Campuchia và một số tỉnh phía Bắc với tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm.

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp tại các khách sạn, nhà trọ hay ở nhà riêng gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện xử lý. Trong khi đó công tác đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh vẫn đang bị ách tắc - từ đầu năm 2014 đến nay chưa đưa được trường hợp nào vào cơ sở chữa bệnh.

CA TP.HCM đã phát hiện xử lý 1.257 vụ, bắt 2.543 tên mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức, sử dụng các chất ma túy. Số vụ và số đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển tăng 186 vụ (tăng 20,87%), tăng 436 đối tượng (tăng 28,55% ) - so với cùng kỳ năm 2013; thu giữ hơn 21kg heroin, hơn 11kg cocain, 29 kg ma túy tổng hợp, 10 kg cần sa, 17 khẩu súng quân dụng.

Khó đưa vào trại

Một trong những khó khăn trong việc xử lý các đối tượng nghiện ma túy là chưa đủ yếu tố khởi tố hình sự. 

"Từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, thì có dấu hiệu lực lượng công an phường không còn kiên quyết, thậm chí là ngần ngại trong việc lập biên bản người sử dụng ma túy trái phép phát hiện nơi công cộng" - Thiếu tướng Phan Anh Minh nói.

Tướng Minh phân tích, nguyên nhân bởi vì Nghị định 111 chưa có văn bản hướng dẫn cho nên việc đưa giáo dục tại phường/xã, xử lý hành chính khác bị bế tắc. Nếu ra quyết định xử phạt các đối tượng này thì phải theo Luật xử lý vi phạm hành chính trong thời hạn tối đa 30 ngày phải ra quyết định xử phạt. 

Video: 
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó GĐ CA TP.HCM: 'Thực tế có công an không còn cương quyết, thậm chí ngần ngại khi xử lý người sử dụng ma túy trái phép'

Thực hiện: Phan Cường
Khi ra quyết định xử phạt rồi thì người ra quyết định lại phải chịu trách nhiệm cưỡng chế thi hành quyết định nếu không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và như vậy gánh nặng, chế tài đặt nặng trên vai người thi hành pháp luật hơn là người bị vi phạm. Do đó số vụ vi phạm hành chính và người bị lập biên bản vi phạm hành chính về ma túy giảm khoảng 50% so với năm 2013.

"TP.HCM hiện có hơn 19.000 người nghiện ma túy, tăng hơn 7.000 người so với cuối năm 2013",  thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết. "Tuy nhiên con số hơn 19.000 người nghiện ma túy là thống kê chưa đầy đủ và có thể sót lọt 50-80% bởi số người nghiện ma túy lang thang, không nơi cư trú tại TP.HCM rất nhiều" - tướng Minh nói thêm.

 Số ma túy bị bắt trong hộp nhang biếu tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất

Để giải quyết vấn nạn nói trên, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-UBND ngày 9/5/2014 về Kế hoạch thực hiện “Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn TP.HCM”; 

Triển khai thực hiện Dự án 5 về “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các bài thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy giai đoạn 2012 – 2015.

Video: Ông Nguyễn Ngọc Túc - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan (Bộ tài chính) nói về vụ án ma túy 'khủng' bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ cuối tháng 9/2014 

Thực hiện: Phan Cường
Xây dựng đề án “Thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại TP.HCM, giai đoạn 2014-2016”, triển khai mở rộng các cơ sở điều trị và điểm phát thuốc Methadone ra tất cả các quận/huyện trên địa bàn TP; triển khai đề án xây dựng phường/xã/thị trấn không có tội phạm và tệ nạn ma túy; tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát, thống kê người nghiện trên địa bàn thành phố.

 9 tháng đầu năm 2014 tại TP.HCM dù có hàng ngàn vụ việc liên quan đến ma túy được phát hiện, xử lý hành vi vi phạm hành chính nhưng chưa có đối tượng nào được đưa đi chữa bệnh tập trung theo luật mới. Trong khi đó, năm 2012 đưa đi cai nghiện bắt buộc hơn 1.000 người, năm 2013 là 767 trường hợp.

Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn