Giây phút đối mặt tử thần của những phóng viên tác nghiệp trong tâm bão số 10

Thời sựThứ Hai, 18/09/2017 11:45:00 +07:00

Đằng sau những bài viết, hỉnh ảnh về sự hoành hành khủng khiếp của bão số 10 khi đổ bộ vào đất liền là những sự hi sinh thầm lặng của những phóng viên bất chấp nguy hiểm lao vào tâm bão để tác nghiệp.

Để vợ bầu ở nhà lao vào tâm bão

Anh em phóng viên vẫn thường nói chuyện với nhau một cách tếu táo rằng: "Cái nghề nhiều khi cũng lạ, người ta gặp bão thì tìm nơi trú ẩn an toàn còn mình thì cứ chỗ nào bão mạnh nhất là tìm cách lao tới".

Câu nói vui là vậy nhưng thể hiện thực tế để có những bản tin, bài viết và hình ảnh về sự hoành hành khủng khiếp của thiên tai đăng lên các trang báo, sóng truyền hình phục vụ độc giả thì đằng sau đó là những sự hi sinh thầm lặng của những phóng viên tác nghiệp tại hiện trường.

Nói như phóng viên Lan Anh - Kênh VTC 14 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) thì đó là cái "máu nghề" mà khi "máu nghề" đã lên thì những phóng viên có thể liều mình, bất chấp nguy hiểm.

Video: Phóng viên Nguyễn Vương - Báo VTC News tường thuật khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền

Trong đợt bão số 10 vừa qua, khi "siêu bão" mạnh nhất thập kỷ qua tiến sát vào đất liền và những người dân đang khẩn trương phòng chống bão cũng như tìm nơi trú ẩn an toàn thì các phóng viên cũng bắt đầu hành lý, máy móc, phương tiện... để chuẩn bị hành trình "liều mạng" lao vào tâm bão. 

nguyen vuong 8

Phóng viên Nguyễn Vương - Báo điện tử VTC News tường thuật trực tiếp từ tâm bão ở Quảng Trị. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên Nguyễn Vương - Báo điện tử VTC News cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin bão số 10 đang đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ, anh đã chuẩn bị tư trang để ra Quảng Trị tác nghiệp.

Chiều 14/9 bất chấp trời đang có mưa lớn và gió khá to, Vương cùng một số đồng nghiệp chạy xe máy vượt hàng trăm kilomet từ TP. Huế ra vùng biển Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) để "đón đầu" tâm bão lịch sử.

"Trong số những đồng nghiệp đi cùng tôi có phóng viên Quang Thành - Báo Vietnamnet dù vợ đang mang bầu nhưng vì nhiệm vụ, phóng viên này vẫn phải để vợ ở nhà trong lúc trời mưa gió để cùng anh em đồng nghiệp ra vùng tâm bão để đưa tin", phóng viên Nguyễn Vương cho biết.

Phóng viên Phan Sáng - Báo điện tử VTC News chia sẻ: "Trước ngày bão số 10 đổ bộ vào đất liền, nhận được thông tin địa bàn mình phụ trách có thể là tâm bão đi qua. Mặc dù là người con của miền Trung và có chút thâm niên trong tác nghiệp với nhiều trận mưa gió, bão lũ kinh hoàng của vùng đất sỏi đá này nhưng vẫn cảm thấy lo lo.

Phải chăng, đây là lần đầu tiên mình sẽ phải chứng kiến và tác nghiệp trong một trận “cuồng phong” lớn nhất trong đời. Đêm 14/9, ở khu vực Nghệ An bắt đầu xuất hiện nhiều trận mưa kèm theo gió mạnh. Cả đêm thức trắng chờ bão đến và trong suy nghĩ mình phải tác nghiệp ở đâu?".

'Tiết kiệm từng vạch pin để gửi thông tin về'

Quá trình đi vào vùng tâm bão của các phóng viên đã gian nan và nguy hiểm thì việc tác nghiệp ra sao và truyền được thông tin, hình ảnh về cho tòa soạn gửi tới độc giả cũng là một bài toán nan giải.

Phóng viên Lan Anh cho biết, tác nghiệp và truyền được thông tin tực tiếp cho độc giả tại vùng tâm bão là một điều hết sức khó khăn.

nu-phong-vien-suyt-bi-gio-tat-nga-giong-run-di-vi-mua-lon-khi-dang-truyen-hinh-truc-tiep-tu-tam-bao-quang-binh-10-193904 3

Phóng viên Lan Anh - Kênh VTC 14 bất chấp nguy hiểm ra dẫn hiện trường khi bão số 10 đang đổ bộ vào Quảng Bình. 

Bởi lẽ, việc truyền hình ảnh từ hiện trường cần sự hỗ trợ của nhiều phương tiện như bộ phát sóng, máy quay....và những phương tiện này đều cần điện để hoạt động mà ở vùng tâm bão lại không có điện nên toàn bộ ekip phải tiết kiệm từng vạch pin để đưa thông tin về cho khán giả.

"Dù ở khách sạn Mường Thanh Quảng Bình có máy phát điện nhưng cũng chỉ đủ dùng trong một thời gian ngắn. Khi bão số 10 đổ bộ, để truyền hình ảnh trực tiếp về anh em trong ekip phải dùng pin một cách rất dè sẻn và tiết kiệm từng vạch pin để gửi thông tin về.

Rất may, khi bão số 10 đi qua thì cũng là lúc các thiết bị của chúng tôi hết pin. Để tiếp tục truyền hình ảnh về, toàn ekip đã liều mình chạy xe trong mưa bão để đến Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Bình để sạc điện cho các thiết bị", phóng viên Lan Anh kể lại.

Trong khi đó, phóng viên Nguyễn Vương dự đoán trước việc đi vào vùng tác nghiệp bão sẽ không có điện nên trước khi xuất phát anh đã sạc đầy điện cho các thiết bị như laptop, điện thoại, máy ảnh...

Tuy nhiên, những thiết bị này dù đã được sạc đầy pin nhưng cũng chỉ đủ dùng cho khoảng vài giờ đồng hồ. Anh Vương đã cùng các đồng nghiệp liên tục phải nhờ cậy vào máy phát điện dự phòng của khách sạn để có thể nạp đầy năng lượng cho các thiết bị. 

Tuy nhiên, theo phóng viên Nguyễn Vương việc tác nghiệp trong điều kiện ở vùng tâm bão thì việc có internet để truyền tải hình ảnh, thông tin về cũng là một vấn đề hết sức khó khăn. Bởi lẽ, sức gió mạnh và lại ở vùng ven biển nên sóng 3G, 4G rất chập chờn...

Video: Phóng viên Lan Anh tác nghiệp trong tâm bão số 10

"Phương tiện tác nghiệp hữu hiệu nhất tại vùng tâm bão có lẽ là smartphone. Tuy nhiên, hầu hết smartphone của anh em phóng viên đều không có khả năng chống nước nên anh em đã tìm đủ mọi cách để bảo vệ máy móc của mình. Anh em nảy ra ý tưởng là dùng bao cao su bao lại điện thoại để không bị vào nước và cách này tỏ ra khá hiệu quả. Tiếc là bản thân tôi trong quá trình tác nghiệp bao bị rách khiến chiếc smartphone của tôi bị vào nước và bị hỏng", Nguyễn Vương chia sẻ.

Trong khi đó, phóng viên Hữu Dánh - Báo Điện tử VTC News dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng không ở trong hoàn cảnh khá hơn khi phải liên tục phải di chuyển vào những khu vực khó khăn nhất nơi tâm bão qua.

"Tôi lường trước được việc vào vùng tâm bão tác nghiệp sẽ không có điện nên đã mua 4 cục pin dự phòng nhưng tác nghiệp xong thì cũng hết sạch pin. Ghi nhận hiện trường xong, về đền huyện thì mất điện hoàn toàn, đang đứng dưới một quán ven đường để tính cách gửi thông tin về thì nghe thấy tiếng loa của đài phát thanh huyện nên tôi liền chạy vào và xin sạc nhờ thiết bị do đài phát thanh có máy phát" - Hữu Dánh nói.

Nguy hiểm rình rập

5h sáng ngày 15/9, khi từng cơn gió bắt đầu mạnh dần lên, phóng viên Phan Sáng đã chọn vùng “đầu sóng ngọn gió” để tác nghiệp là khu biển Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An).

Gần trưa, gió bắt đầu rất lớn, phố thị vắng người một cách đáng sợ. Lúc này, phóng viên Phan Sáng một mình chạy xe dọc bờ biển để quay phim, chụp ảnh. Đôi lúc anh bị gió quật quay người khi đang cố gắng lao về phía biển để ghi hình các con sóng dữ đang lao vào bờ.

21763547_1601866463168015_1608055912_n 4

 Phóng viên Phan Sáng - Báo Điện tử VTC News đang tác nghiệp trong bão số 10. (Ảnh: NNCC)

"Cầm máy ảnh trên tay mà không tránh khỏi run sợ, biết là tác nghiệp trong mưa bão kiểu này rất nguy hiểm nếu biển xảy ra sóng thần. Tuy nhiên, nghĩ đến công việc của mình đang được tòa soạn giao với vai trò là một phóng viên nên tôi bớt đi lo lắng sợ hãi", Phan Sáng nhớ lại.

 
Máu nghề khiến tôi liều mình tiếp tục lao về hiện trường. Khi tôi đến nơi thì bão về, nhưng không có chỗ trú do người dân đã di tản đi tránh bão hết. Tôi đã phải kéo nắp bê tông của công an xã lên để trốn vào.

PV Hữu Dánh

Quay được một đoạn video ngắn ở thị xã Cửa Lò xong, anh Sáng tiếp tục chạy xe vượt mưa bão để đến huyện Nghi Lộc (Nghệ An) rồi  rồi quay xuống vùng ngập nước của huyện Hưng Nguyên.

"Trong khi mọi người tìm cách tránh bão thì tôi cũng như bao anh em đồng nghiệp khác lại lao ra đường để tác nghiệp. Trên đường đi gió giật mạnh, kèm theo sóng biển ồ ạt đổ vào bờ gây sạt lỡ, hai bên đường cây cối, cột điện gãy đỗ, dây điện chằng chịt, nhà cửa, mái tôn, biển quảng cáo, hàng quán ngỗn ngang...trong gió bão.

Ghi được chút hình ảnh của cơn bão thì oái oăm thay hầu hết chỗ nào cũng bị cắt điện. Để chuyển tải thông tin về kịp cho tòa soạn tôi phải chạy ngược trong mưa bão để về trung tâm thành phố Vinh để gửi thông tin về tòa soạn", phóng viên Phan Sáng nói.

Phóng viên Lan Anh tâm sự đến giờ khi nhớ lại thời điểm đứng trước 'siêu bão' để dẫn hiện trường chị vẫn chưa hiểu vì sao mình lại làm được như vậy.

Theo phóng viên Lan Anh, thời điểm chị đứng dẫn hiện trường là lúc bão số 10 đang đổ bộ vào đất liền, mưa to và gió giật rất mạnh. Dù địa điểm chị đứng dẫn khu vực có tòa nhà của khách sạn Mường Thanh (Quảng Bình) che chắn nhưng gió vẫn rất lớn. Gió đã thổi nữ phóng viên của kênh VTC 14 bay đi chừng 3m.

21844170_1107162412754188_1565710610_o 5

 Cả ngày 15/9 trong lúc tác nghiệp đưa tin về bão số 10, phóng viên Hữu Dánh - Báo Điện tử VTC News chỉ ăn duy nhất 1 gói mỳ tôm sống. (Ảnh: NVCC)

Đến giờ, khán giả xem truyền hình cả nước vẫn còn nhớ hình ảnh nữ phóng viên Lan Anh đứng không vững, giọng run run dẫn hiện trường.

"Thấu hiểu về sự khó khăn của người dân các tỉnh miền Trung, hơn lúc nào hết, tôi mong cơn bão sẽ nhanh chóng qua đi, cuộc sống người dân ở Quảng Bình cũng như các địa phương khác ở tỉnh miền Trung sẽ ổn định trở lại. Tôi mong muốn tất cả mọi người sẽ bình an qua cơn bão có sức tàn phá cực kì khủng khiếp này.

Tôi cảm thấy rất lo sợ và lạnh vì mưa gió đã ngấm vào người. Khi biết chúng tôi sẽ về Quảng Bình đưa tin, từ sáng đến giờ tôi nhận nhiều tin nhắn chúc bình an từ mọi người. Đây cũng là mong muốn của tôi tại thời điểm này", Lan Anh kể.

21743202_1487499168006799_2868512450273901426_n 6

Nhóm phóng viên từ Huế ra Quảng Trị vừa tác nghiệp vừa tranh thủ nấu mỳ tôm ăn qua bữa. (Ảnh: NVCC) 

Lan Anh kể thời điểm ấy nguy hiểm luôn rịch rập bởi những tấm mái lợp bằng tôn bị gió cuốn bay, cây cối gãy đổ... nếu những thứ ấy va chạm với người thì không biết chuyện gì xảy ra.

"Có lẽ máu nghề chính là sức mạnh và động lực để tôi có thể truyền thông tin trực tiếp về", phóng viên Lan Anh nói.

Cũng có cùng góc nhìn này, phóng viên Hữu Dánh tâm sự: "6h ngày 15/9, tôi di chuyển ra khu vực đê biển xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), trên đường đi thì gặp gió to và ngã ướt hết, vừa đau vừa lạnh.

Máu nghề khiến tôi liều mình tiếp tục lao về hiện trường. Khi tôi đến nơi thì bão về, nhưng không có chỗ trú do người dân đã di tản đi tránh bão hết. Tôi đã phải kéo nắp bê tông của công an xã lên để trốn vào. 

Ngày hôm đó tôi ăn đúng một gói mỳ tôm sống do một anh bộ đội huyện đi chống bão biếu. Khi ấy tôi thấy sướng vô cùng, khổ sở và nguy hiểm nhưng chưa bao giờ tôi thấy nghề vui sướng và nhiều kỷ niệm như vậy".

21728120_1487499188006797_2604733989925520227_n 7

 Bữa trưa kiêm bữa sáng của phóng viên Báo Điện tử VTC News khi đi tác nghiệp bão số 10 tại Quảng Trị. (Ảnh: NVCC)

"Tôi từ Huế ra đến Cửa Tùng (Quảng Trị) lúc 17h ngày 14/9, khi ấy trời mưa to khủng khiếp. 7h sáng 15/9 chưa kịp ăn sáng thì gió ở cửa Tùng gió bắt đầu mạnh lên từng phút, sóng biển cao 5 - 8 mét nên tôi bắt đầu ghi hình và cập nhật thông tin gửi về tòa soạn. Ra ngoài tác nghiệp thời điểm ấy nguy hiểm vô vùng vì gió rất mạnh, nếu đứng không vững có thể bị gió hất văng xuống biển.

Khoảng 11h trưa cùng ngày tôi và mấy anh em đồng nghiệp với pha vội được gói mì tôm ăn kèm với cá khô cho qua cơn đói và tiếp tục tác nghiệp", phóng viên Nguyễn Vương nhớ lại.

Quỳnh Hải
Bình luận
vtcnews.vn