Ngậm ngùi nhà trọ sinh viên

Tổng hợpThứ Hai, 20/09/2010 02:46:00 +07:00

Nếu phải chịu đựng cả ngày trên tầng 2 của chiếc giường, sát mái tôn, thì chắc chắn “không nhịn ăn cũng ốm”. Được biết, căn phòng này trước đây dùng để… nhốt gà

TP.HCM hiện có khoảng 509.000 sinh viên (SV) đang theo học, trong đó, khoảng 239.000 SV có nhu cầu về chỗ ở, nhưng hệ thống các ký túc xá (KTX) của các trường ĐH, CĐ chỉ đáp ứng được 63.000 chỗ, đạt 26%, số còn lại đành ngậm ngùi đi tìm nhà trọ.

Ở nhà trọ “không nhịn ăn cũng ốm”

Điển hình cho sự tồi tàn của nhà trọ SV phải kể đến những khu nhà trọ nằm trong khu ĐHQG TP.HCM (thuộc địa bàn Q.Thủ Đức, TP.HCM và huyện Dĩ An, Bình Dương). Thắng và Giang - SV năm thứ hai Trường ĐH KHXH&NV, dắt tôi đi tìm nhà trọ tại khu vực này. Ở đây, gần như 100% các hộ dân đều có nhà cho thuê.

Nhà trọ được xây dựng thành từng dãy từ hai - ba căn cho đến năm – bảy căn liền kề, mỗi căn chỉ khoảng 8 - 10m2, thấp lè tè; đường đi lối lại chật hẹp, quanh co… khiến người ta liên tưởng đến những khu dân cư ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc, hay những gian nhà kho chứa dụng cụ nhà nông. Quanh khu nhà trọ có hộ gia đình còn nuôi heo.

Luyến - SV năm thứ hai Trường ĐH Thể dục thể thao, đang cư ngụ tại khu nhà trọ hơn 100 căn bên cạnh khu chuồng heo - ao cá, cách Trường ĐH KHXH&NV hơn 100m cho biết: Mấy hôm nay, tân SV đến hỏi phòng trọ rất đông nhưng không còn phòng trống. Thấy chúng tôi cần chỗ ở, Luyến giới thiệu tôi sang ở chung phòng với Việt - một SV ở trọ cách đó một phòng. Việt mở cửa phòng cho tôi xem. Căn phòng trông giống một chiếc hộp với chiều rộng vừa đủ trải một chiếc chiếu, chiều dài khoảng 3m, chiều cao khoảng 2,5m, mái lợp tôn, không có la phông, không cửa sổ. Mùi ẩm mốc và nóng bức xộc ra cửa.

Thắng hài hước: “Ở phòng này chắc mình thành… ổ bánh mì quá!”. Nhưng Việt phản bác: “Bây giờ muốn có nó cũng không dễ đâu nha!”. Căn phòng này có giá thuê 400.000đ/ tháng, chưa tính tiền điện nước. Còn phòng của Luyến thuê có diện tích rộng hơn (2,4m x 4m), nhà vệ sinh ngay trong phòng, giá cho thuê tăng lên 600.000đ/tháng. Tính cả tiền điện, nước là 750.000đ. Giá thuê phòng thường tăng khoảng 50.000đ mỗi học kỳ. SV sẽ phải trả trước từ ba - sáu tháng tùy chủ nhà trọ. Để giảm chi phí, mỗi phòng trọ trên dưới 10m2 thường có ba SV cùng trọ.

Cách đó 50m là một căn phòng có chiếc giường hai tầng, mới nhìn có vẻ rộng và gọn ghẽ hơn. Tuy nhiên, nếu phải chịu đựng cả ngày trên tầng 2 của chiếc giường, sát mái tôn, thì chắc chắn “không nhịn ăn cũng ốm”. Được biết, căn phòng này trước đây dùng để… nhốt gà.

Chúng tôi sang khu nhà trọ của ông Tài trước cổng vào trường ĐH KHXH&NV. Lối vào khu nhà trọ chỉ rộng khoảng 1,5m, sâu hun hút, nên việc ra vào của SV khá khó khăn. Chúng tôi bắt chuyện với một phụ huynh vừa đưa con đến thuê phòng. Vị này thè lưỡi: “Căn phòng chưa đầy chục mét vuông, tồi tàn thế này mà 600.000đ/tháng đấy!”.

Các khu phòng trọ gần ĐH Quốc tế, ĐH Bách khoa, ĐH KHTN… cũng đều hết phòng.

Theo sự chỉ dẫn của SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thuộc địa bàn Q.Bình Thạnh), chúng tôi băng qua hầm chui Văn Thánh, theo đường Phú Mỹ ra khu dân cư nằm gần kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (P.22, Q.Bình Thạnh). Khu vực này có nhiều hộ dân cho thuê phòng trọ với giá khá đắt, từ 900.000đ - 1.200.000đ/phòng cho ba người ở, chưa tính điện nước. Tuy nhiên, khi hỏi thì nhà nào cũng hết chỗ.

“Cháy” phòng trọ SV trong khi các trường ĐH vẫn đang còn xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 báo hiệu phòng trọ SV sẽ càng khan hiếm trong vài tuần tới, khi SV chính thức nhập học!

Giấc mơ KTX: Bao giờ?

Hầu hết SV ở tỉnh về TP.HCM học ĐH đều mong muốn có một chỗ ở tốt để ổn định việc học suốt 4 - 5 năm, và KTX với điều kiện ăn ở tốt hơn, tiền ở rẻ hơn (khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/năm), môi trường học tập và rèn luyện tốt hơn... luôn là đích ngắm. Điển hình như khu KTX ĐHQG - nơi có trạm y tế với đầy đủ y bác sĩ, xe cấp cứu; có các câu lạc bộ thể thao, võ thuật, ca múa nhạc và thường xuyên có những chương trình văn nghệ lớn; có thể mở internet bất cứ chỗ nào... là nơi ở mà nhiều SV mơ ước.

Không kể các khoảng sinh hoạt công cộng (công viên cây xanh, hành lang, phòng đọc, phòng tự học…), phòng ở của SV tại KTX này cũng rất “tiêu chuẩn”: mỗi phòng rộng 32m2 được trang bị khép kín với nhà vệ sinh, nhà tắm, sân phơi quần áo, giường ngủ, bàn ghế, tủ kệ… dành cho tám SV.

SV trong KTX ĐHQG - Ảnh: Minh Nhậ 

Không được như KTX ĐHQG, nhưng KTX của các trường ĐH Giao thông vận tải (Q.9), Giao thông vận tải TP.HCM (Q.2), Bách khoa (Q.10), Thể dục thể thao (Thủ Đức)… cũng khá tiện nghi. Điều đáng nói là số chỗ ở tại các KTX luôn có hạn nên việc xin vào KTX cũng không đơn giản, dễ dàng.

KTX Trường ĐH Thể dục thể thao chỉ xét ưu tiên cho SV diện chính sách, vùng sâu vùng xa. Tương đối “rộng cửa”, vì kêu gọi được sự đầu tư xây dựng KTX từ các tỉnh thành, nhưng việc xét vào KTX ĐHQG cũng theo thứ tự ưu tiên sau: SV của các tỉnh có đầu tư xây dựng KTX, con thương binh liệt sĩ, SV khuyết tật, SV vùng hải đảo. Những SV không thuộc diện trên thì… còn chỗ mới xét. Đến nay, KTX này mới chỉ đáp ứng chỗ ở cho 10.000 SV trong 13.000 SV ĐHQG có nhu cầu.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2011 phải hoàn thành mục tiêu xây dựng 60.000 - 70.000 chỗ ở cho SV tại TP.HCM từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên khối lượng công việc của kế hoạch vừa nêu hiện còn đến… hơn 92%. Nghĩa là để hoàn tất chỉ tiêu trên, mỗi tháng thành phố phải hoàn thành khoảng 4.000 chỗ ở. Cho nên, mong đợi được vào ở KTX vẫn sẽ là mơ ước của nhiều thế hệ SV!

 Theo Minh Nhật/ Báo Phụ Nữ

Bình luận
vtcnews.vn