Mời các doanh nghiệp cùng sinh viên nghiên cứu khoa học

Giáo dụcThứ Ba, 29/03/2011 06:34:00 +07:00

(VTC News)- Đó là giải pháp được hầu hết các đại biểu tán đồng tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.

(VTC News) - Đó là giải pháp được hầu hết các đại biểu tán đồng tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.

ĐH dân lập cũng nghiên cứu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý khẳng định: Trường ĐH nào mà không đẩy mạnh các hoạt động NCKH thì khó có thể nói tới chất lượng được.

Qua 20 năm tổ chức xét và trao tặng giải thưởng, số lượng sinh viên tham gia NCKH ngày càng tăng và chất lượng các công trình dự thi ngày càng được nâng cao. Năm 1990 Bộ GD&ĐT xét và trao tặng giải thưởng chỉ có 18 đơn vị tham gia với 62 công trình dự thi thì năm 2009 đã có 98 đơn vị tham gia dự thi với 653 công trình.

Sinh viên, học viên cao học trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội trong các giờ thực hành nghiên cứu khoa học (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, sự phát triển nhanh chóng đã cho thấy Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” đã được dư luận xã hội và sinh viên, các nhà trường và doanh nghiệp đánh giá cao, đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Đặc biệt, không chỉ có sinh viên các trường ĐH công lập ham mê nghiên cứu khoa học mà phong trào này đã lan rộng sang sinh viên các trường ĐH ngoài công lập.

ĐH Văn Hiến được coi là một trong những trường ĐH dân lập đứng đầu toàn quốc về công tác nghiên cứu khoa học. ĐH Văn Hiến ưu tiên rất lớn cho nghiên cứu khoa học hàng năm. Thống kê của nhà trường đã chỉ ra từ năm 2000 nhà trường mới chỉ có 29 công trình sinh viên NCKH thì đến năm 2009 đã có tới 91 công trình sinh viên NCKH. Bên cạnh đó, từ 17 giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH (năm 2000) đã tăng lên 39 giảng viên hướng dẫn năm 2009.

Tại trường ĐH Văn Hiến, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng liên tục tăng qua các năm. Chỉ từ 35 triệu đồng năm 2000 đã tăng lên 125 triệu đồng năm 2009. Chính vì sự chú trọng đầu tư cho sinh viên NCKH nên trong 2 năm liên tiếp 2008, 2009 trường ĐH Văn Hiến đã đạt được 7 giải khuyến khích sinh viên NCKH cấp Bộ.

Đại học Lạc Hồng là trường đại học ngoài công lập, có đầu vào tuyển sinh chỉ ngang với điểm sàn nhưng phong trào sinh viên NCKH đã đem lại kết quả cao. Nếu như giai đoạn 2000-2002, ĐH Lạc Hồng vẫn chưa có công trình sinh viên NCKH thì đến năm 2009 đã có 368 công trình nghiên cứu với 91 công trình đạt giải các cấp. Kinh phí ĐH Lạc Hồng chi phí cho hoạt động sinh viên NCKH năm 2009 là 1,65 tỉ đồng.

Năm 2010, ĐH Lạc Hồng đã xuất sắc giành chức vô định Robocon 2010 toàn quốc.

Bên cạnh đó, ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động sinh viên NCKH. Nếu như giai đoạn 2000-2003, nhà trường chưa có một nghiên cứu khoa học nào thì năm 2009, nhà trường có 33 công trình sinh viên NCKH với 17 giải thưởng các cấp.

Xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học

TS. Nguyễn Văn Tân (ĐH Lạc Hồng) cho rằng để khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cần phải tổ chức nhiều hình thức để thu hút sinh viên. Bản thân ĐH Lạc Hồng, xã hội hoá công tác NCKH được đẩy mạnh. Nhà trường đã ký hợp đồng với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên tới làm quen với nghiên cứu khoa học tại doanh nghiệp, sinh viên được doanh nghiệp trả lương cho những giá trị mình đem lại.

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng cho rằng các trường cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứ khoa học của sinh viên đồng thời gắn với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp.

Ông Quý cũng đề xuất, ngoài nguồn kinh phí từ sự nghiệp khoa học công nghệ, các trường cần trích một phần phí từ thu học phí để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Thứ trưởng Trần Quang Quý trao tặng phần thưởng cho các đơn vị có thành tích trong phong trào "Sinh viên nghiên cứu khoa học" (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Thạc sĩ Lê Sĩ Hải (ĐH Văn Hiến) cho rằng ngoài những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm như đã nêu trên thì cần phải chú ý đến vai trò của các giảng viên trẻ với công tác nghiên cứu khoa học sinh viên.

Ông Hải chỉ ra lợi thế khi giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học: “Lợi thế của giảng viên trẻ đối với việc hướng dẫn sinh viên NCKH thể hiện ở sự nhiệt tình, gần gũi, cùng sinh viên tranh luận các vấn đề xoay quanh quá trình thực hiện một đề tài nghiên cứu. Các giảng viên trẻ sẽ hướng dẫn, kèm cặp các kỹ năng cơ bản, mà trong tương lai sẽ giúp sinh viên học tập và NCKH tốt hơn”.

PGS.TS Nguyễn Đình Đức (ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) kiến nghị các cấp lãnh đạo và các thầy cô giáo nên dành thời gian hơn nữa cho việc bồi dưỡng các sinh viên tập sự nghiên cứu thông qua các phong trào NCKH và khuyến khích các giảng viên cho sinh viên tham gia nhiều hơn vào các công trình nghiên cứu của mình.

Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan sẽ tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các trường ĐH cải thiện điều kiện nghiên cứu. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục cấp học bổng đi đào tạo sau đại học tại các nước phát triển cho các sinh viên đat giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” được đánh giá đặc biệt xuất sắc.

Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn