BT Phạm Vũ Luận: Tăng cường hậu kiểm sau tuyển sinh

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 21/02/2011 06:53:00 +07:00

(VTC News)- Đó là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011.

(VTC News) - Đó là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 (Ảnh: Phạm Thịnh)

Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội nhấn mạnh công tác hậu kiểm trong kỳ thi tuyển sinh cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn nữa. Vì thực tế, nhiều năm nay, trường ĐH Ngoại thương cũng đã tiến hành so sánh chữ viết các bài làm của thí sinh để kiểm tra tính chính xác, logic của bài thi. Điều này đã tránh được tình trạng thi thuê, thi hộ như một vài năm trước.
 Các ý kiến góp ý đều cho rằng, cho đến thời điểm này, việc thi theo phương thức 3 chung và tổ chức thành 3 đợt thi vẫn phù hợp. Cách thức tổ chức này đã phát huy hiệu quả trong những năm qua và ngày càng được xã hội đồng tình ủng hộ.

Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: "Vấn đề hậu kiểm rất quan trọng. Sau kỳ tuyển sinh, các trường phải kiểm tra lại bài thi và Bộ sẽ kiểm tra một lần cuối. Những trường nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Sai phạm của năm nay nhưng năm sau mới phát hiện cũng bị xử lý”.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến việc công bố NV2, NV3. Một số đại biểu cho rằng, chưa đến hạn nộp hồ sơ NV2, NV3 nhưng một số phương tiện thông tin đại chúng đã có các thông tin. Vì vậy các đại biểu cũng kiến nghị Bộ nên có quy trình chặt chẽ hơn trong việc quá trình nhận hồ sơ NV2, NV3.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh công tác hậu kiểm sau tuyển sinh như một nét mới trong tuyển sinh năm 2011. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Về vấn đề này, ông Luận cho rằng, nên triển khai trên tinh thần công khai, không nên hạn chế cơ hội của thí sinh, càng công khai được thì tiêu cực càng giảm. Thời gian xét tuyển cũng không nên cứng quá để tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề nghị Bộ nên  đưa tất cả những vấn đề liên quan đến môn thi trắc nghiệm vào bản hướng dẫn giống như môn thi tự luận chứ không tách riêng ra để tiện cho các trường trong việc tra cứu.

Lãnh đạo trường ĐH Hàng Hải nhiều năm nay cũng phải soạn ra bộ quy chế riêng để giúp đỡ các thí sinh làm các bài thi trắc nghiệm. “Bộ GD&ĐT nên soạn thảo hệ thống quy chế đồng bộ cho cả thi trắc nghiệm và thi tự luận để giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác thi cử”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến môn thi trắc nghiệm, ông Nguyễn Văn Bản, phó hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp đề nghị Bộ nên nghiên cứu để thời gian biểu thi các môn tự luận và trắc nghiệm sao cho tương thích, nếu không, tại một địa điểm thi mà thời gian phát đề thi tự luận và trắc nghiệm lại khác nhau khiến các điểm thi gặp khó khăn...

Vấn đề gửi kết quả thi cho các thí sinh đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi tuyển, Ông Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, việc gửi thẳng kết quả về Sở như trên sẽ tiện hơn cho các trường tổ chức thi có thí sinh thi nhờ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết chỉ tiêu tuyển sinh cử tuyển Bộ sẽ giao riêng, không liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh, làm thế nào để chỉ tiêu cử tuyển đủ về số lượng nhưng cũng đảm bảo chất lượng ngày càng cao.

Điểm mới trong tuyển sinh 2011 về đối tượng tuyển sinh: Thí sinh có quốc tịch nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển.

Năm 2011, Bộ sẽ xử lý mạnh tay với các trường: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đảng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời hạn quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn