Giáo sư Ngô Bảo Châu qua ký ức của thầy dạy Toán

Giáo dụcThứ Bảy, 05/02/2011 10:42:00 +07:00

Để làm bài báo theo ý tưởng của thầy Tôn Thân, Ngô Bảo Châu đã viết 17 trang với nhan đề "Bạn biết gì về Tổ hợp" được cả thầy và các bạn trầm trồ thán phục

Để làm bài báo Toán theo ý tưởng của thầy Tôn Thân, Ngô Bảo Châu đã viết 17 trang với nhan đề "Bạn biết gì về Tổ hợp" được cả thầy và các bạn trầm trồ thán phục.

Thầy Tôn Thân là cái tên quen thuộc với những học trò chuyên Toán. Công tác tại trường Trưng Vương, Hà Nội, dạy 7 khóa chuyên Toán trung học cơ sở đầu tiên của cả nước, thầy đã đào tạo nhiều nhân tài, như: TSKH Vũ Đình Hòa, nữ tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam Lê Thị Hồng Vân, rồi Nguyễn Đình Công, Vũ Hà Văn...

Nheo vầng trán đã có nhiều nếp nhăn, người thầy giáo ở tuổi thất thập chậm rãi kể lại thời dạy chuyên Toán ở trường Trưng Vương. Lớp chỉ có 30 em nên thi vào cạnh tranh rất gay gắt. Vào được rồi, học trò lại phải nỗ lực không ngừng vì lớp chuyên mỗi năm loại một lần. Đỗ vào lớp 6 nhưng nếu học không tốt, năm sau vẫn sẽ bị loại.

Ngô Bảo Châu thi vào lớp 6 chuyên Toán Trưng Vương không đỗ. Thông qua người bạn của thầy Thân, bố của Châu, giáo sư Ngô Huy Cẩn, đã dắt con trai đến nhà nhờ thầy kèm cặp để năm sau thi lại. Qua vài buổi kiểm tra kiến thức, thầy Thân nhận lời vì nhận thấy Châu thông minh, nhưng chưa học đúng phương pháp.

"Học để biết và học để thi hoàn toàn khác nhau. Châu học tiểu học ở Trường Thực nghiệm, chưa được chuẩn bị để thi chuyên nên không đỗ là điều dễ hiểu", thầy giải thích và cho biết đã để Châu tham gia vào lớp học hè. Sau một thời gian, bố mẹ Châu băn khoăn về sự tiến bộ của con trai thì được thầy trấn an: "Chắc chắn Châu sẽ thi đỗ trong năm tới".

"Quả nhiên là năm đó Bảo Châu đỗ vào chuyên Toán lớp 7 Trưng Vương với điểm số cao nhất", thầy Thân kể lại.

Từ trái sang: Giáo sư Ngô Bảo Châu, thầy Giang (chủ nhiệm chuyên Toán cấp 3), thầy Tôn Thân, thầy Hùng (dạy Toán cấp 3).

Do chậm một năm so với các bạn nên kiến thức và phương pháp Toán học của Châu có nhiều lỗ hổng. Thầy Thân đã từng bước hướng dẫn Châu tự học để lấp đầy những khoảng trống ấy. Ban đầu, thầy dặn Châu về nhà đọc sách giáo khoa lớp 6 và đọc thêm các sách tham khảo.

Thầy đưa cho Châu cuốn "Định lý hình học và các phương pháp chứng minh" dày 200 trang bảo đọc từng đoạn. Sau khi đọc đến gặp thầy, trình bày nội dung của đoạn sách đó, nhận xét về cách giải của họ, đề xuất cách giải mới và phát triển các bài toán khác. Cứ lần lượt như thế, sau 6 tháng thì Châu đọc xong cuốn sách.

"Với từng ấy thời gian, Châu đã có sự tiến bộ vượt bậc. Những kiến thức còn yếu em đã tự học và bổ sung, tư duy sáng tạo, sự tự tin ở cậu học trò này đã bắt đầu phát triển", thầy Thân cho hay.

Những cuốn sách như dựng hình, quỹ tích, chỉ một tuần sau là Bảo Châu đã đọc xong và bàn luận, phản biện lại cuốn sách với thầy rất hăng hái. Cậu còn tự tìm mua những cuốn sách hay, kể cả cuốn sách lớp lớn hơn để đọc.

"Ngày ấy, tôi thường nghĩ ra nhiều cách để học trò ham học như hội thảo Toán học hay báo Toán. Trong những buổi sinh hoạt đó, Châu luôn tham gia rất sôi nổi", thầy Thân kể.

Hội thảo Toán học là những buổi sinh hoạt Toán theo tháng. Mỗi buổi, thầy sẽ đưa ra một chủ đề để học trò sưu tầm tài liệu và nêu ý kiến của mình. Trong những buổi như vậy, Bảo Châu luôn đưa ra ý kiến sắc sảo, thuyết phục, đôi khi phản biện lại thầy và các bạn.

Báo Toán là một hình thức ghi chép, trong đó sưu tầm những bài toán về một chủ đề, tập trung suy nghĩ của mình về nó, đưa ra cách chứng minh và lý giải cách làm của sách giáo khoa, đề xuất những bài toán mới. "Đây là cách để học trò rèn luyện năng lực độc lập và cách nhìn Toán học dưới nhiều góc độ", thầy Thân chia sẻ.

Thầy nhớ lại, trong một bài báo Toán, thầy và cả lớp đã bất ngờ khi Bảo Châu nộp tập tài liệu dài 17 trang với nhan đề "Bạn biết gì về Tổ hợp". Bất ngờ vì một bài báo tâm huyết và vì nội dung tổ hợp cấp 2 chưa được học.

"Điều đặc biệt trong bài báo Toán của Châu là những bài do em tự đề xuất. Chúng xuất phát từ đời thường và các nhân vật trong đó đều là học sinh trong lớp. Những học sinh khác đã đua nhau giải tạo nên một không khí học tập vô cùng sôi nổi", thầy Thân hào hứng kể lại.

Với phương châm "đừng bắt người ta uống, hãy để người ta khát", thầy Thân đã gieo cho học sinh niềm khát khao học hỏi, tự khám phá kiến thức, tự cảm thấy mình có nhu cầu phải học. Thầy cho rằng, muốn trò học giỏi thì phải luôn để các em được hít thở trong bầu không khí Toán học.

Trong ký ức của thầy Thân, cô Trang, Ngô Bảo Châu luôn là cậu học trò thông minh, ngoan ngoãn. Ảnh: Hoàng Thùy

Riêng Ngô Bảo Châu, không chỉ ngoan ngoãn, hiền lành, trong tâm trí của thầy Thân đây còn là cậu học trò ham hiểu biết. Ngoài Toán là niềm đam mê đã ngấm vào máu, Châu vẫn thường tìm đọc rất nhiều sách về Văn, Sử. Những ngày mới đi du học ở Pháp, Bảo Châu thường gửi thư về hỏi thăm thầy, trong đó rút ra những bài học về Toán mà trước đó thầy đã dạy anh.

Mới đây, sau khi nhận giải thưởng Fields, Bảo Châu đã gửi một bức thư khiến thầy Thân xúc động rơi nước mắt. "Đó là câu chuyện về chiếc áo mưa của tôi bị các em lấy làm bóng đá. Bản thân tôi đã quên từ lâu nhưng Châu vẫn nhớ, vẫn day dứt. Đó là điều làm tôi xúc động nhất", thầy Thân nghẹn ngào.

Thầy Thân kể, trong thư Bảo Châu kể lại hôm đó trời mưa to. Sau khi vào lớp, thầy vắt chiếc áo mưa lên bàn. Sau giờ giải lao, thầy thấy chiếc áo mưa bị vo tròn như quả bóng, nằm lăn lóc dưới chân cậu học trò tên Huy. Thầy hỏi nguyên nhân, nhưng không ai lên tiếng, còn Huy thì im lặng chịu phạt.

Thầy Thân nghiêm giọng nói: "Tại sao các em lại làm thế với chiếc áo mưa của tôi? Hôm nay các em làm tôi rất buồn, mất lòng tin. Một là các em không biết tôn trọng tài sản riêng của người khác, hai là các em đã không dũng cảm để đứng ra nhận lỗi cùng bạn Huy".

Và giáo sư Châu thú nhận: "Lúc đó, em cảm thấy rất xấu hổ vì đã nhiệt tình tham gia đá bóng với cái áo mưa khốn khổ của thầy mà lại im thin thít. Em học được ở thầy để yêu cái đẹp trong sáng của một bài Toán, học được rằng trình bày lời giải cho sáng sủa cũng khó như tìm ra lời giải. Ngoài ra, chúng em học được ở thầy một điều rất quan trọng là muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ".

Bảo Châu ngày nào giờ đã thành đạt, đã là cha của 3 đứa con xinh xắn, nhưng trong tâm trí của thầy Thân, cậu học trò có biệt danh "Bò" ấy vẫn gần gũi, thân thiết và đáng yêu như những ngày mới 11-12 tuổi.

Theo VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn