3 người "cân tài cân sức" với GS Ngô Bảo Châu là ai?

Giáo dụcThứ Năm, 19/08/2010 03:42:00 +07:00

(VTC News) - Ngô Bảo Châu đã được trao giải Fields cùng 3 người nữa. VTC News xin giới thiệu về 3 nhà Toán học vừa cùng GS Châu bước lên đỉnh vinh quang.

(VTC News) - Sự kỳ vọng của hàng triệu người Việt Nam đã trở thành hiện thực. Hôm nay, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được trao Huy chương Fields, giải thưởng danh giá nhất đối với một nhà Toán học và thường được coi như giải “Nobel Toán học”.


Tại phiên họp toàn thể khai mạc Đại hội Toán học thể giới (ICM 2010), Bà Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ đã công bố chủ nhân các giải thưởng của Hội Toán học thế giới (IMU), trong đó GS Ngô Bảo Châu là 1 trong 4 nhà Toán học trẻ xướng tên.

Danh sách 4 người đạt giải.

Báo điện tử VTC News xin giới thiệu về 3 nhà Toán học vừa cùng Ngô Bảo Châu đạt giải Fields.

1. Elon Lindenstrauss (Israel, Giáo sư Đại học Princeton)

Elon Lindenstrauss. (Ảnh: Website chính thức của ICM)

Elon Lindenstrauss sinh ngày 1/8/1970 tại Jerusalem, là một nhà Toán học người Israel và hiện là Giáo sư tại Đại học Princeton. Ông “được trao giải Fields Medal cho những kết quả nghiên cứu Lý thuyết Ergodic cũng như những áp dụng của nó đối với Lý thuyết số”.

Lindenstrauss dành nhiều thời gian nghiên cứu Giả thuyết Furstenberg - Margulis, liên quan tới phép đo độ cứng của các đường chéo bậc cao trong không gian đồng nhất và những ứng dụng của nó. Cùng với 2 người đồng nghiệp Einsiedler - Katok, Lindenstrauss đã đặt ra một giả thuyết mới liên quan tới các Entropy dương.

Lindenstrauss đã cải tiến Giả thuyết Littlewood cổ điển trong Lý thuyết xấp xỉ Diophantine và đem lại những ứng dụng mạnh mẽ đối với Lý thuyết Ergodic và bằng các ý tưởng Số học, ông đã đưa ra lời giải khác cho giả thuyết của Rudnick và Sarnak trong Lý thuyết các dạng Modular.

Giống như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Elon Lindenstrauss đã lập gia đình và là cha của ba đứa trẻ.

2. Stanislav Smirnov (Nga, Giáo sư Đại học Geneva)

Stanislav Smirnov. (Ảnh: Website chính thức của ICM)

Smirnov sinh năm 1970 tại Leningrad, Nga. Anh 2 lần nhận Huy chương Vàng với điểm tuyệt đối Toán quốc tế vào các năm 1986, 1987. Smirnov học Toán tại Đại học Saint Petersburg và nhận bằng Tiến sĩ năm 1996 tại Đại học công nghệ California, dưới sự hướng dẫn của Nikolai Makarov.

Smirnov là một người ưa xê dịch, ông từng làm việc tại Đại học Yale, Viện nghiên cứu Max Planck ở Bonn và Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (nơi Ngô Bảo Châu từng làm việc). Năm 1998 ông tới làm việc tại Viện công nghệ Stockholm và từ 2003 trở thành Giáo sư Đại học Geneva.

Lĩnh vực nghiên cứu của Smirnov là Xác suất, Vật lý thống kê, Hệ động lực phức,... Ông nhận giải thưởng Clay khi mới tròn 31 tuổi và là một trong số những người đầu tiên và trẻ nhất có được vinh dự này.

Theo trang web chính thức của ICM 2010, Stanislav Smirnov “được trao giải Fields cho phép chứng minh về tính bất biến bảo giác của sự thấm và mô hình Ising phẳng trong Vật lý thống kê”.

Smirnov đã nhận rất nhiều giải thưởng như Giải thưởng Khoa học của Viện toán Clay (2001), Salem Prize (cùng Oded Schramm, 2001), Giải Rollo Davidson Prize (2002), Giải EMS của Hội Toán học châu Âu (2004), trước khi giành được phần thưởng danh giá nhất: Fields Medal.

3. Cédric Villani (Pháp, Viện nghiên cứu Henri Poincaré)

Cédric Villani. (Ảnh: Website chính thức của ICM) 

Theo trang web chính thức của ICM 2010, Cédric Villani “được trao giải Fields Medal cho những lời giải cho sự thấm ướt phi tuyến Landau và sự hội tụ cân bằng của Phương trình Boltzmann”.

Cédric Villani sinh năm 1973 tại Brive-la-Gaillarde, Pháp. Ông học Toán tại trường École Normale Supérieure ở Paris từ 1992 đến 1996 trước khi làm trợ giảng cho trường Đại học này. Villani nhận bằng Tiến sĩ tại đây vào năm 1998 với những nghiên cứu về Phương trình Boltzmann và Lý thuyết động lực. Người hướng dẫn của Villani chính là Giáo sư Pierre-Louis Lions (Huy chương Fields năm 1994).

Cédric Villani đã tới làm việc ở Atlanta (1999), Berkeley (2004) và Princeton (2009), viết 50 bài báo, 2 cuốn sách chuyên khảo về Lý thuyết truyền ánh sáng. Từ năm 2009, Villani chuyển tới làm việc tại Viện nghiên cứu Toán học Henri Poincaré. Trước khi đoạt Huy chương Fields, ông đã đoạt các giải thưởng: Herbrand Prize của Viện Khoa học Pháp (2007), EMS Prize của Hội Toán học châu Âu (2008), Fermat Prize (2009) và Henri Poincaré Prize của Hội Vật lý Toán thế giới.

Lĩnh vực nghiên cứu của Cédric Villani là Phương trình vi phân, Phương trình đạo hàm riêng và Toán Vật lý.

Website của ICM ca ngợi Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Website của ICM)

“Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields cho lời giải của ông về Bổ đề cơ bản trong Lý thuyết các dạng tự đẳng cấu thông qua các phương pháp mới của Đại số - Hình học” - Website chính thức của ICM viết.

Lời giải lỗi lạc của Ngô cho Giả thuyết tồn tại từ lâu đã đặt khởi đầu cho những đề tài Hình học mới lạ và những kỹ thuật tương ứng bằng phép phân tích tinh vi. Công trình của ông giống như một chiếc cầu nối giữa Hình học Đại số, Lý thuyết nhóm và các dạng tự đẳng cấu, đã mang lại nhiều ứng dụng trong Chương trình Langlands” - Website chính thức của ICM tiếp tục.

Rõ ràng, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã mang lại niềm tự hào vô tận cho Toán học Việt Nam nói riêng và Khoa học Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Tiểu Muội

Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn về sự kiện trọng đại này và gửi lời chúc tới GS Ngô Bảo Châu bằng cách bấm vào dòng chữ:Viết thảo luận về bài báo ở dưới cuối bài này. Gõ tiếng Việt có dấu để được đăng tải ngay. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn