Nên hay không ép một “hình mẫu” cho con cái?

Giáo dụcThứ Bảy, 10/07/2010 06:06:00 +07:00

(VTC News)- Bất chấp rất nhiều khuyến cáo, không ít cha mẹ ở Trung Quốc vẫn đưa ra cho con trẻ những tấm gương buộc chúng noi theo.

( VTC News)- Kết quả kỳ thi đại học hàng năm của Trung Quốc bắt đầu được công bố, báo chí địa phương tập trung vào việc đưa tin những câu chuyện thành công.

Lí Thái Bạch, một học sinh dự thi trường Đại học Nhân dân, sở hữu điểm số cao nhất ngành khoa học. Lí không phải là một “con mọt sách”, báo chí mô tả cậu thích chơi piano, yêu nhạc Mozart và hội hoại, là chủ tịch hội sinh viên.

 
Lí từng giành ba giải toán quốc gia, hai lần thám hiểm Bắc Cực. Dự định của cậu là theo học ngành kỹ sư và quản trị tại Đại học Hong Kong – nơi cậu giành học bổng toàn phần.

Có những học sinh được báo chí nói tới tuy không phải là những thủ khoa. Câu chuyện về Dương Hàng ở tỉnh Liêu Ninh trở nên rất phổ biến vì cậu mới chỉ 12 tuổi, là học sinh trung học ít tuổi nhất ứng thi trong tỉnh. Theo mẹ của Dương, Dương có trí nhớ tuyệt vời ngay từ khi chưa tròn hai tuổi. Lên 3, em có thể tính trừ với ba con số hay nhân nhẩm với hai con số.

Rất nhiều câu chuyện tương tự được đề cập trong năm nay, và chúng thu hút người đọc chính là vì đưa ra con đường để cha mẹ có thể có những cách tốt nhất trợ giúp thành công cho con trẻ.

Mọi người vẫn còn nhớ chuyện của Lưu Nhất Đình, cô gái Trung Quốc giành học bổng toàn phần tại trường Đại học danh tiếng Harvard của Mỹ khi chưa tốt nghiệp năm 1999. Cha mẹ cô đã viết hai cuốn sách nói về thành công của con. Theo nhà xuất bản, cuốn đầu tiên mang tên Cô gái Harvard Lưu Nhất Đình (2000), đã tiêu thụ được hơn hai triệu bản và cuốn thứ hai – Phương pháp học của Lưu Nhất Đình (2004), bán được gần nửa triệu bản.

Cho dù Lí Thái Bạch thành công trong kỳ thi, nhưng con đường tới các ngôi trường danh tiếng không phải dễ dàng với cậu. Có khoảng 30 bạn học của cậu được chấp nhận vào các trường đại học ở Mỹ, nhưng Lí - người nộp đơn vào Harvard và một số trường khác - lại không thành công. Thủ khoa Bắc Kinh đã bị 11 trường đại học hàng đầu của Mỹ không tiếp nhận.

Những câu chuyện trên đặt ra câu hỏi: “Con cái chúng ta cạnh tranh thế nào?”.

Bất chấp rất nhiều khuyến cáo, không ít cha mẹ vẫn đưa ra cho con trẻ những tấm gương buộc chúng noi theo. Bình luận cuốn sách về Lưu Nhất Đình, một vài công dân mạng trả lời, không phải tất cả đều là Lưu Nhất Đình, vì thế các bậc cha mẹ không nên đem Lưu ra làm tấm gương mẫu mực của con trẻ.

"Chúng ta có suy nghĩ và cái đầu riêng của chúng ta”, một công dân mạng tuổi teen viết.

"Không phải ai cũng phải tới Harvard", một người khác bình luận. “Tương lai của chúng ta thuộc về chính mình”.

Vậy thủ khoa trong thi cử đã thực sự tốt hay chưa?.

Trong nhiều thập niên, hệ thống giáo dục của Trung Quốc bị chỉ trích quá nặng về thi cử điểm số. Thậm chí nhiều cha mẹ ngày nay than phiền, các thầy cô giáo chỉ chú ý tới những trường hợp tốt nhất hay tồi nhất, còn “lớp trung trung” bị lơi là. Rất nhiều người coi thành tích học tập – thông qua điểm số - là thước đo cho sự thành công của con trẻ.

Hai năm trước, một giáo viên ở Hàng Châu đã tiến hành cuộc thăm dò với 2.400 cha mẹ về con của mình. Chỉ bốn người nói, giá trị lớn nhất ở con cái là “hợp tác với người khác”, và không ai đề cập tới sự quan trọng của “tính ham hiểu biết” ở con cái.

Có rất nhiều thứ quan trọng trong cuộc sống hơn là các kỳ thi và điểm số. Một công dân tương lai tận tâm chu đáo, có khả năng phối hợp nhóm, có tính sáng tạo, độc lập và cá tính riêng, ấy mới là sự cần thiết của hệ thống giáo dục.

An Huy (Theo THX)

Bình luận
vtcnews.vn