Gần 60% cử nhân không biết xin việc ở đâu

Giáo dụcThứ Bảy, 10/12/2011 09:13:00 +07:00

(VTC News)- Đó là một trong những kết quả rất đáng lưu tâm trong “Kết quả khảo sát việc làm của sinh viên năm 2009 – 2010” của ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN).

(VTC News)- Đó là một trong những kết quả rất đáng lưu tâm trong “Kết quả khảo sát việc làm của sinh viên năm 2009 – 2010” do Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) công bố ngày 9/12/2011.

Cử nhân loay hoay tìm việc

Trong “Tọa đàm Giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam” do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức, nhiều người không khỏi giật mình khi những số liệu được đưa ra đang chứng minh sinh viên ra trường phần đông là không thỏa mãn với công việc của mình.
 

Khảo sát 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp, có đến 26,2% cho biết chưa có việc làm. Trong số những sinh viên đã có việc thì 70,8% không thỏa mãn với công việc của mình và đang có ý định thay đổi chỗ làm trong thời gian sắp tới.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong số các cử nhân chưa có việc làm, có đến 46,5% cho biết đã xin việc nhưng không thành công và 42,9% chọn con đường an toàn hơn là tiếp tục học.

Đáng phải trăn trở hơn nữa khi các em cho biết, khó khăn lớn nhất khi đi xin việc là… không biết xin việc ở đâu (58,2%), 42% chia sẻ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác cũng được đưa ra khi 27% cho biết không xin được việc vì ngành học của mình không phù hợp với thị trường.

Với những sinh viên may mắn tìm được việc làm thì cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và 32% cho biết thiếu kiến thức chuyên môn.

Cử nhân mới ra trường phần lớn thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp 

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách cho thấy có đến 91% sinh viên nhận định rằng chương trình đào tạo quá nặng về lý thuyết.

Bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời  chia sẻ “Phần lớn sinh viên được công ty tuyển dụng phải đào tạo lại. Điều này đã làm mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí của chúng tôi. Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp không mặn mà với sinh viên mới ra trường”

Theo bà Hà, phần lớn sinh viên mới ra trường, thậm chí là bằng giỏi nhưng vẫn mơ hồ về công việc mình đang làm, thiếu các kỹ năng mềm và đặc biệt là ngoại ngữ yếu kém.

TS. Trịnh Hòa Bình ( Viện Xã hội học) cho rằng: Việt Nam đang sở hữu một nền kinh tế năng động, nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân với số lượng doanh nghiệp đông đảo.

“Chúng ta không thiếu việc làm mà chúng ta thiếu cử nhân làm được việc.” Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nếu coi cử nhân đại học là một sản phẩm của ngành giáo dục thì quan tâm đến nhu cầu của khác hàng tức các đơn vị tuyển dụng lao động chất lượng cao là điều kiện đủ. TS Trịnh Hòa Bình khẳng định.

Giải pháp nào cho cử nhân mới ra trường?

TS. Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết để khắc phục tình trạng sinh viên ra trường tìm việc khó khăn, Trung tâm đã tổ thức thực nghiệm giải pháp thí điểm là lớp tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên.

Trung tâm đã chọn 38 sinh viên năm cuối được chọn trên các tiêu chí: Có kết quả học tập, ngoại hình, trình độ ngoại ngữ, tin học và mức độ kinh tế gia đình đều ở mức trung bình và chưa tự tin khi giao tiếp. “Đây là nhóm có khả năng xin việc thấp hơn,” ông Trường lý giải.

Các sinh viên này được theo học khóa tập huấn 6 kỹ năng: Xác định giá trị bản thân, quản lý văn phòng, xây dựng hồ sơ xin việc và phỏng vấn xin việc, giao tiếp nơi công sở, xác định mục tiêu nghề nghiệp, dựng bảng mô tả công việc.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng một nhóm đối chứng gồm 38 em, là những sinh viên có tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn nhóm học kỹ năng mềm.

Kết quả cho thấy, sau khi ra trường, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm ở nhóm học kỹ năng mềm là 88,2% trong khi con số này nhóm đối chứng là 72%. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm ngay trong tháng đầu tiên của nhóm học kỹ năng mềm là trên 26% trong khi ở nhóm đối chứng là 0%.

Qua những kết quả của việc khảo sát, TS Đào Thanh Trường nhận định: “Kết quả thực nghiệm cho thấy, giải pháp tăng cường khối kiến thức kỹ năng mềm trong các chương trình đào tạo mang tính khả thi và có thể được coi là một giải pháp để gắn kết giữa thị trường lao động và đào tạo”

Cùng quan điểm này TS. Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng “Chương trình tập huấn kỹ năng cần được bổ sung vào chương trình học tập chính khóa và cần các giảng viên chuyên nghiệp trong giảng dạy kỹ năng đảm nhiệm”

TS Hà cũng nhấn mạnh: “kỹ năng mềm không phải giải pháp vạn năng mà chỉ là điều cần thiết và dễ thực hiện trong các giải pháp đưa đào tạo gắn chặt hơn nữa với thị trường lao động’.

Đại diện đơn vị tuyển dụng bà Vũ Thu Hà cho rằng, đào tạo kỹ năng nên được đưa vào chương trình chính thức. Hoạt động này không chỉ giúp sinh viên nhanh chóng hoàn thiện bản thân, nhân cách mà còn là cách mà nhà trường hoàn thiện sản phẩm đào tạo của mình, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Trong khi đó TS Trịnh Hòa Bình mạnh dạn kiến nghị: “Tiền đề của sự thay đổi đó cơ bản xuất phát từ cách thức giáo dục đại học, đào tạo cái người khác cần hơn là bán cái mình có và doanh nghiệp cũng cần xem cơ sở đào tạo là đối tác chiến lược lâu dài, bền vững”.

Bạn đọc hiến kế giúp cử nhân khi ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn