GIÁO DỤC TRỰC TUYẾN: XƯƠNG SỐNG CỦA MẠNG VIỆT NAM

Tổng hợpThứ Sáu, 25/06/2010 03:13:00 +07:00

Viễn cảnh về một ngôi trường số hiện đại cung cấp các bài giảng, phương pháp học tập cho học sinh, công cụ soạn bài điện tử cho thầy giáo...

Ngày 19/5/2010, Mạng Việt Nam Go.vn chính thức ra mắt cộng đồng với tiêu chí: lấy giáo dục làm trọng tâm và mũi nhọn phát triển. Viễn cảnh về một ngôi trường số hiện đại cung cấp các bài giảng, phương pháp học tập cho học sinh, công cụ soạn bài điện tử cho thầy giáo, đồng thời là cuốn bách khoa điện tử toàn thư – nơi người dùng và chuyên gia cùng đóng góp, thảo luận, chia sẻ dữ liệu về lịch sử, văn hoá, địa lý, kinh tế, xã hội và doanh nhân Việt Nam... khiến nhiều người hi vọng nhưng không ít người vẫn đặt dấu hỏi hoài nghi... Tạp chí Truyền hình Số đã có buổi trò chuyện với ông Phan Anh Tuấn, phó giám đốc VTC Online nhằm giải đáp một phần thắc mắc xung quanh vấn đề “nóng” này...

 

 

Trong khi các Mạng xã hội lớn trên thế giới cũng như các mạng xã hội “made in Vietnam” đang tồn tại hiện nay đều lấy yếu tố giải trí làm trọng tâm để thu hút người dùng cũng như lợi nhuận, thì lý do nào khiến VTC quyết định lấy Giáo dục trực tuyến làm xương sống cho sự phát triển của Mạng Việt Nam?

VTC làm Giáo dục trực tuyến trước khi làm mạng xã hội. Khi xây dựng Cổng giáo dục trực tuyến chúng tôi đã định hướng đây sẽ là một cổng xã hội giáo dục với tất cả các tính năng chia sẻ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài việc học, người sử dụng sẽ được cung cấp các công cụ để soạn bài giảng, up bài giảng, chia sẻ các bài giảng, hình ảnh các hoạt động và các kỷ niệm, các video clip dạy học và sinh hoạt, các lĩnh vực văn thể mỹ có trong nhà trường. Chủ trương của VTC là không chú trọng tới việc sản xuất và cung cấp nội dung cho người học mà chỉ tạo ra các công cụ công nghệ để họ chia sẻ các nội dung do chính mình tạo ra. Về bản chất nó chính là sự chia sẻ cộng đồng trong một Mạng xã hội.

Khi VTC được giao làm Mạng Việt Nam, chúng tôi đã cân nhắc và nhìn thấy được những lợi ích lớn sẽ mang lại cho cộng đồng khi lấy yếu tố Giáo dục làm xương sống cho sự phát triển của mạng và quyết định lấy đó làm hướng đi chính để tạo ra bản sắc và sự khác biệt cho Mạng Việt Nam.

Giáo dục luôn là cái cần thiết, là vấn đề cơ bản ở bất cứ xã hội nào. Đối với Mạng Việt Nam, chúng tôi không xác định Giáo dục trực tuyến là một mảng kinh doanh mà là một việc cần thiết đóng góp cho xã hội. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa VTC với các đơn vị làm về dịch vụ trực tuyến khác.

Những lợi ích nào được sinh ra từ việc lồng ghép Giáo dục trực tuyến vào trong Mạng Việt Nam, thưa ông?

Rất nhiều lợi ích. Xu hướng của các bạn trẻ hiện đại là online không chỉ vì mục đích giải trí mà còn vì mục đích học tập. Theo kết quả điều tra xã hội học thì ngày nay giới trẻ sử dụng từ 3 tới 4 tiếng để online mỗi ngày. Đó là một khoảng thời gian khá dài mà nếu chỉ sử dụng vào mục đích giải trí người ta dễ cảm thấy nhàm chán và thậm chí nảy sinh nhiều tiêu cực. Và như vậy, Giáo dục trực tuyến có thể coi là chiếc chìa khoá để cân bằng thời gian online của cộng đồng mạng giữa việc học tập và giải trí. Các bạn có thể nghe nhạc, tán gẫu, xem phim... và cũng có thể học.

Với việc lấy Giáo dục trực tuyến làm mũi nhọn trọng tâm phát triển Mạng Việt Nam, mục tiêu của VTC là tạo ra một môi trường mạng hữu ích cho các bạn trẻ. Khi họ online họ có thể tìm kiếm được những thông tin mà họ cần cho sự học, họ cũng có thể học hỏi lẫn nhau, học thầy, bổ sung những kiến thức chưa đủ ở trường, ở sách vở... Đây có thể coi là hình thức học mà chơi, chơi mà học để tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, khi đặt GoEdu trong Mạng Việt Nam, người dùng được tạo điều kiện không chỉ trong học tập mà còn trong tất cả các lĩnh vực giao tiếp xã hội khác: thương mại, việc làm, diễn đàn... Trước đây, khi người dùng tham gia vào một cổng giáo dục trực tuyến mà muốn quan tâm tới những vấn đề khác thì bắt buộc họ phải lục lọi mở ra rất nhiều các cửa sổ website khác. Nhưng với sự kết hợp Giáo dục trực tuyến với Mạng Việt Nam như thế này người dùng hoàn toàn có thể thực hiện mọi tương tác, nhận mọi thông tin... chỉ trên một cửa sổ, một trang web mà thôi. Hơn nữa, khi Giáo dục trực tuyến nằm trong Mạng xã hội, mọi hoạt động thể hiện của người dùng trong giáo dục sẽ có nhiều cơ hội hơn để cả xã hội biết đến.

Vừa có công cụ của một cổng giáo dục trực tuyến, lại vừa có công cụ của một mạng xã hội. Sự tích hợp quá nhiều tính năng, công cụ như thế liệu có khiến người dùng bị “hoa” mắt?

Hoàn toàn không. Tuy nằm trong Go.vn nhưng GoEdu vẫn mang đặc thù riêng. Nếu chỉ đăng kí tham gia làm thành viên của Go.vn mà không tham gia GoEdu thì đăng kí của bạn khác và trang “tôi” của bạn cũng khác. Bạn sẽ chỉ sử dụng được các chức năng chia sẻ bình thường tương tự như các mạng xã hội khác như: chia sẻ ảnh, clip, nhạc, blog... Nhưng khi muốn làm thành viên của GoEdu thì bạn sẽ phải đăng kí thêm một số thông tin để việc chia sẻ cùng như tham gia các hoạt động tương tác tốt hơn và khi đó trang “tôi” của bạn cũng sẽ hiển thị khác. Bạn sẽ có thêm đầy đủ các công cụ và tính năng của một cổng Giáo dục trực tuyến. Với giáo viên thì sẽ có công cụ để soạn bài giảng, chia sẻ bài giảng, đăng kí mở lớp học trực tuyến, gửi bài cho các tạp chí điện tử của bộ môn mà bạn thích... Với học viên sẽ có công cụ tạo học bạ điện tử, lưu trữ bài giảng, lưu giữ tài liệu tham khảo,  đăng kí lớp học, chia sẻ cộng đồng...  Các tính năng chia sẻ về mặt giải trí của Mạng Việt Nam mang tính hỗ trợ, bổ sung cho người dùng GoEdu, nhưng nó hoàn toàn có thể tách biệt nếu người dùng không có nhu cầu. Người dùng vào Mạng Việt Nam có thể với mục đích giải trí hoặc giáo dục, hoặc cũng có thể kết hợp cả hai.

Đã từng có tiền lệ nào về việc lồng ghép Giáo dục trực tuyến trong Mạng xã hội chưa, thưa ông?

Theo như tôi biết thì  hiện tại, trên thế giới cũng như Việt Nam mạng xã hội và mạng giáo dục trực tuyến là độc lập. VTC có thể nói là mở đầu cho việc lồng ghép mạng giáo dục trực tuyến vào trong mạng xã hội, thậm chí lấy giáo dục là mũi nhọn của mạng xã hội. Chúng tôi hi vọng, Mạng Việt Nam sẽ tạo ra một môi trường hữu ích, ngoài việc giải trí đơn thuần sẽ trở thành một ngôi trường số hiện đại của Việt Nam mà bất cứ người thầy nào có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đều có thể trở thành người thầy của ngôi trường này và cánh cửa của ngôi trường số goEdu luôn rộng mở cho mọi đối tượng cần học tập (không chỉ là học sinh, sinh viên đang học tập trong các ngôi trường thực).

 

Là đơn vị tiên phong, VTC có tự tin mình sẽ thành công?

Tôi rất ấn tượng với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khi nói về định hướng phát triển lấy Giáo dục làm cốt lõi của Mạng Việt Nam: “Khi làm chúng ta đều phải tính đến hai mặt, làm bằng tất cả tấm lòng, bằng văn hoá, trí tuệ, bằng thương hiệu Việt Nam”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh để đạt được thành quả sẽ là một cuộc phấn đấu không đơn giản, phải làm rất quyết liệt, rất dày công... Chúng tôi đang xây dựng Mạng Việt Nam bằng tất cả tấm lòng và sự quyết liệt của mình, cố gắng để Mạng Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của những người cần đến nó, trở thành trường đại học tổng hợp với những kiến thức tổng hợp phục vụ cho cộng đồng, vì cộng đồng...

 

Xin cảm ơn ông!

 Mạnh Tiến
Ảnh: HQ - HTS


Bình luận
vtcnews.vn