Giải cứu... Lương

Thể thaoThứ Tư, 19/12/2012 01:00:00 +07:00

Chồng đang ngồi xem bóng đá ở phòng khách, bà vợ đứng dưới bếp nấu cơm hỏi vọng ra: “Lương thế nào anh?”

Chồng đang ngồi xem bóng đá ở phòng khách, bà vợ đứng dưới bếp nấu cơm hỏi vọng ra: “Lương thế nào anh?”


Ông chồng hồ hởi: “Lương vẫn tốt, vẫn là niềm hy vọng của chúng ta, nếu lương cao hơn thì còn hay nữa. Nhưng nhìn chung anh nghĩ HLV Phan Thanh Hùng vẫn có thể hài lòng với Thành Lương”.

Bà vợ lúc bấy mới hét lên: “Tôi hỏi đồng lương, chứ có hỏi… Thành Lương đâu”.

Ông chồng: “Ơ, ơ…”.

Đấy là câu chuyện cách đây khá lâu rồi, khi ĐT Việt Nam còn chưa bị loại loại. Còn bây giờ, cả Thành Lương lẫn… đồng lương đều kẹt cứng.

Thành Lương đang bị kẹt cứng

Hôm qua có luật sư nói rằng: “Thành Lương không phải đền bù cho ai cả”. Đại khái là khi CLB Bóng đá Hà Nội giải thể thì các cầu thủ, trong đó có Thành Lương được tự do thoải mái ký kết hợp đồng với công ty khác mà không cần đền bù bởi hợp đồng trước đó của Thành Lương vô hiệu.

Đấy là trong trường hợp có chữ “nếu”: Nếu CLB Bóng Đá Hà Nội giải thể. Thực tế thì CLB này… chưa giải thể mà chỉ là “tạm dừng” không chơi V.League 2013. Hơn nữa, sở hữu các cầu thủ là công ty cổ phần thể thao ACB mà CLB bóng đá chỉ là một trong những thành viên của công ty này.

Vậy thì Lương vẫn bị… trói và để giải phóng khả năng phải đền hợp đồng là khá cao.

Khi khó thì ai cũng khó, Thành Lương là mẫu cầu thủ nhiều HLV thích. Nhưng thích là một chuyện, còn giải phóng hợp đồng thì lại là chuyện khác.

Nó giống như câu chuyện giữa thời buổi khó khăn có đôi vợ chồng hùn tiền mở một tiệm ăn với tham vọng cải thiện cuộc sống. Vậy là một cửa hàng đặc sản được khai trương, vốn dốc vào đó 400-500 triệu nhưng chỉ được tuần đầu tiên, bạn bè, họ hàng đến ăn ủng hộ. Sau khách thưa dần dù chất lượng vẫn rất ổn. Và cho đến tuần thứ 3 thì nguyên nhân được hé lộ khi một vị khách, đồng thời cũng là bạn của chủ quán nói: “Hồi đầu ăn ủng hộ thôi, chứ thời buổi này, tiền đâu mà cứ ngày ngày ăn đặc sản, có trà đá là may rồi”.

Đôi vợ chồng nghe xong chỉ biết khóc, rồi huy động anh em họ hàng đến lôi hết đặc sản ra đánh chén trong mấy ngày rồi… đóng cửa tiệm.

Thành Lương là một loại cửa hàng đặc sản như thế. Rất nhiều người thích, nhiều người thèm nhưng lúc này thì ai cũng phải nắn túi xem như thế nào đã.

Và câu chuyện “thèm khát” Thành Lương cũng là câu chuyện thèm khát… đồng lương của đa số các cầu thủ hiện nay.

Ai giải cứu... lương?

Một thực tế là cầu thủ không thể sống bằng lương chuyên nghiệp trong khi chính đội bóng của họ lại đang ở chế độ bao cấp, nghĩa là nguồn tiền có từ ngân sách nhà nước.

XSKT.Lâm Đồng chính thức giải tán vì nhà tài trợ tháo lui còn tỉnh không lo nổi, K.Kiên Giang phải đợi tỉnh bật đèn xanh, Đồng Nai vừa dự V.League cũng chỉ tham gia với kinh phí tối thiểu với phần đóng góp từ… UBND tỉnh.

Bây giờ người ta mới thấy… ngân sách quý như thế nào, nghĩa là trong khủng hoảng thì vẫn… bám vào nhà nước là ổn nhất.

Vậy nên mới có câu chuyện phải “chạy” 100 triệu mới được vào công chức - tức là được ăn lương nhà nước. Bao nhiêu năm câu chuyện cũ lại hiện về: đến nhà người yêu, chàng trai phải chứng minh bằng được mình thuộc… biên chế nhà nước.

Bóng đá là tấm gương phản ánh cuộc sống. Không sai!

Thành Lương hay đồng lương không thể tung tăng và thỏa mãn với những đam mê được nữa.

Cả 2 đều phải có những cuộc giải cứu của riêng mình.


Song An

Bình luận
vtcnews.vn