"Giải mã" căn nguyên gây chiến tranh ở Libya

Thế giớiChủ Nhật, 03/04/2011 10:31:00 +07:00

(VTC News) - Các nhà chức trách ở châu Phi và các chuyên gia đều cho rằng dầu mỏ chính là động cơ thực sự thúc đẩy các cuộc không kích ồ ạt ở Libya.

(VTC News) - Các nhà chức trách ở châu Phi và các chuyên gia đều cho rằng dầu mỏ chính là động cơ thực sự thúc đẩy các cuộc không kích ồ ạt tấn công vào chính phủ Libya.

Trong khi cuộc chiến ở Libya đang diễn ra ngày càng căng go, khốc liệt, đặc biệt từ khi NATO nắm quyền kiểm soát mọi hoạt động tấn công, thì một số nhà lãnh đạo ở châu Phi bắt đầu lên tiếng về thảm họa này. Hầu hết họ đều cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột khó có thể giải quyết một cách triệt để bằng biện pháp hòa bình này bắt nguồn từ lượng dầu mỏ dồi dào của Libya – cường quốc hùng mạnh tại Bắc Phi.

Ông Mahboub Maalim, Tổng thư kí Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) cho rằng các nước phương Tây luôn mong mỏi thành lập một chính phủ thân phương Tây ở Libya để dễ bề quản lý nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú ở đây.

Dầu mỏ chính là nguyên nhân khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây tham chiến? 

Giáo sư khoa học chính trị Bihella Mahoundi của trường Đại học Botswana (Gaborone) cũng đồng tình với quan điểm của ông Maalim, đồng thời nói rằng phần lớn dầu mỏ ở Libya đều “chảy” về tay nhiều nước hùng mạnh ở châu Âu trong đó bao gồm Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Đức.

Ông Bihella cũng nhận xét, Pháp hiện đang nắm giữ một phần rất lớn lượng dầu dự trữ tại Libya. Hầu hết trong số hơn 30 công ty của Pháp đầu tư vào Libya đều kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng. Riêng các công ty dầu mỏ của Pháp đã rót vào quốc gia đang hỗn loạn của Bắc Phi này hàng tỷ USD. Do vậy, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trên đất Libya, Pháp đã trở nên sốt sắng hơn cả trong số các liên minh trong việc lật đổ chính quyền Gaddafi.

Tuy nhiên, trong suốt 2 tuần ngày tham gia vào chiến dịch chống lại chính phủ Libya, có vẻ như các cuộc không kích đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Bằng chứng là quân đội của ông Gaddafi vẫn kiểm soát được tình hình, ông Mahoundi nói.

Vị giáo sư này cũng nhấn mạnh rằng nếu họ cứ tiếp tục mở các cuộc không kích gây thương vong dân thường, nhiều khả năng người dân Libya sẽ đứng về phía ông Gaddafi nhiều hơn. Áp lực mạnh mẽ từ trong nước và quốc tế sẽ càng tăng lên nữa nếu sự can thiệp quân sự vào Libya được thực hiện trên quy mô lớn hơn.

Cuộc chiến ở Libya đang diễn ra đầy cam go, quyết liệt 

Về phần mình, ông Maalim cho rằng hoạt động quân sự có thể sẽ chia cắt Libya, phân chia quốc gia này thành các khu vực lãnh thổ chống đối hoặc ủng hộ ông Gaddafi. Tình hình ngày một tồi tệ ở Libya cũng sẽ làm gia tăng dòng người tị nạn xâm nhập vào các nước lân cận và đe dọa tới an ninh khu vực.

Ngoài ra, các lực lượng khủng bố ở Afghanistan, Somalia và các quốc gia tương tự cũng sẽ xem việc can thiệp chống phương Tây như một cái cớ để xâm nhập vào Libya và các khu vực lân cận. Điều này sẽ đặt ra một áp lực an ninh lớn.

Ông Maalim cũng tiết lộ, hiện tại có một ủy ban đang nỗ lực tìm ra giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột tại Libya. Các thành viên trong ủy ban này bao gồm những người đứng đầu 5 quốc gia Mauritania, Uganda, Mali, Cộng hòa Congo và Nam Phi. Ngoài ra còn có ông Jean Ping, Chủ tịch Liên minh châu Phi.

Ông Godfrey Ayoo, một nhà chính trị gia quốc tế của Kenya đã kêu gọi các nước phương Tây ngay lập tức chấm dứt các hoạt động quân sự của họ và kêu gọi thực thi lệnh ngừng bắn giữa quân đội của họ và của chính quyền Gaddafi. Đồng thời, chuyên gia này cũng nói thêm Liên đoànẢ Rập, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, và Liên minh châu Âu cần phải đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột này.

Tuy nhiên, ông Godfrey cũng nhấn mạnh, các quốc gia liên quan tới hoạt động quân sự ở Libya không nên tham gia vào quá trình giải quyết cuộc xung đột này nữa, còn Liên Hợp Quốc nên điều tra xem con số thương vong ở Libya sau những cuộc không kích của liên minh hiện tại đã là bao nhiêu.

Nên chăng việc thành lập một vùng cấm bay ở Libya? 

Trước đó, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo cũng từng lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Libya. Ngay sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đưa ra ý tưởng về việc thiết lập một vùng cấm bay ở Libya, các nhà chức trách thuộc tổ chức này đã lên tiếng phản đối kịch liệt.

Tổng thư kí của tổ chức này, ông Ekmeleddin Ihsanoglu đã từng phát biểu: “Cho phép tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi phản đối bất cứ việc can thiệp quân sự nào vào tình hình ở Libya. Để kết thúc thảm họa này, chúng ta nên lựa chọn một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chứ không nên sử dụng vũ lực”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, một số quốc gia phương Tây vẫn quyết định dùng tới sức mạnh của các máy bay chiến đấu để áp đặt việc thành lập một vùng cấm bay tại Libya, nhằm tránh việc binh sĩ chính phủ nơi đây tàn sát dân thường. Lý do mà họ đưa ra là họ muốn giúp những người dân nơi đây – những người khát khao “dân chủ, một chính phủ vì lợi ích của nhân dân và quyền con người” – biến mong ước thành sự thật.

Kiều Vui(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn