Giá xăng trong nước thế nào khi giá dầu thế giới liên tục 'chạm đáy'?

Kinh tếThứ Tư, 30/09/2015 05:03:00 +07:00

giá xăng trong nước: Giá dầu thế giới liên tục 'chạm đáy', giá xăng trong nước vẫn tiếp tục trồi sụt, giá xăng trong nước giảm 7 lần không bằng tăng 5 lần

(VTC News) - Hiện tại giá dầu thế giới chỉ còn bằng một nửa so với thời điểm cách đây một năm, còn giá xăng trong nước thì vẫn tiếp tục trồi sụt, với mức giảm 7 lần không bằng mức tăng 5 lần trong 9 tháng vừa qua.

Giá dầu thế giới: "Đáy sau" thấp hơn "đáy trước"

Giá dầu thế giới có vẻ như đã không ít lần được cho là "chạm đáy", mà cứ mỗi lần như vậy thì mức "đáy" đó lại tụt xuống thêm, khiến cho "đáy sau" càng thấp hơn "đáy trước".


Mức thấp nhất của giá dầu được ghi nhận trong thời gian vừa qua là vào khoảng cuối tháng 8, khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm mạnh xuống chỉ còn 38,22 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Hiện nay giá dầu ngọt nhẹ đã tăng lên 46 USD/thùng, nhưng một năm trước đây nó có giá cao hơn gấp đôi, khoảng 93 USD/thùng.

Ngay cả dầu thô Brent cũng trong tình trạng tương tự, khi giảm xuống 42,69 USD/thùng vào cuối tháng 8, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Cho tới cuối tháng này, dù giá dầu Brent đang ở mức 48 USD/thùng nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với giá 100 USD/thùng của nó cách đây một năm.

Trên trang Business Insider, Jan Stuart, chuyên gia kinh tế năng lượng toàn cầu đến từ công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Credit Suisse cho biết, giá dầu ở mức thấp thê thảm như hiện nay phần lớn là xuất phát từ hậu quả của việc có quá nhiều nguồn cung lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu. Theo đó, nguồn cung dầu toàn cầu đã tăng lên 2,1% trong năm 2014, trong khi mức tăng nguồn cầu chỉ khoảng 1,1%.
Giá dầu thế giới liên tục thiết lập "đáy" mới - Ảnh minh họa
Vậy, dầu sẽ còn thừa thãi đến bao giờ? Theo quan điểm của OPEC, điều này có thể sẽ kéo dài trong một thời gian nữa. Còn chuyên gia của Credit Suisse dự kiến, hầu hết các quốc gia trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn sẽ tiếp tục giữ ổn định sản lượng cho đến cuối năm 2016.

Ngoài ra, một vấn đề khác nảy sinh là Iran - một đại gia dầu mỏ khác có thể sẽ quay trở lại thị trường dầu mỏ và đổ thêm khoảng 800.000 thùng vào nguồn cung mỗi toàn cầu mỗi ngày.

Vì vậy, nếu muốn giá dầu tăng lên, hoặc là Mỹ, hoặc là các nhà sản xuất khác không thuộc OPEC sẽ phải cắt giảm sản lượng - và cuối cùng, Mỹ dường như đang bắt đầu làm việc đó, khi số lượng các giàn khoan dầu khí đang hoạt động tại quốc gia này đã giảm từ 1.600 chiếc vào tháng 12/2014 xuống còn 644 chiếc vào cuối tháng này.

Tuy nhiên phải đến tháng 6 vừa qua, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ mới có dấu hiệu giảm xuống. Jan Stuart chỉ ra rằng, các dữ liệu mới nhất cho thấy tổng sản lượng dầu của Mỹ đã thấp xuống trong quý II năm nay, và ông hy vọng sự suy giảm này sẽ tiếp tục kéo dài cho đến giữa năm 2016.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu năng lượng của Credit Suisse cho rằng giá dầu thô ngọt nhẹ WTI sẽ ở mức dưới 55 USD/thùng cho đến quý II năm 2016, và không mong đợi nó sẽ quay về mức 65 USD/thùng cho đến năm 2018.

Nguồn cung, tất nhiên, chỉ là một vế của phương trình giá dầu, và vế thứ hai chính là nguồn cầu. Stuart đánh giá rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng lên và có thể sẽ bắt đầu vượt cung kể từ quý IV năm 2015.

Phần lớn, sức cầu tăng lên xuất phát từ Mỹ và châu Âu, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng tới. Credit Suisse cho rằng nhu cầu dầu mỏ của châu Âu sẽ tăng 1,6% trong năm 2015, còn nhu cầu của Mỹ dự kiến tăng 1,9%, gấp hai lần so với 0,8% trong năm 2014.

Thậm chí ở Trung Quốc, dù đang gặp phải sự sụt giảm về tăng trưởng nhưng sức cầu về dầu mỏ vẫn tăng lên trong những năm và những tháng qua.

Vì vậy, sức bật của nguồn cầu về dầu mỏ trên toàn cầu và cùng với sự thắt chặt hơn nữa về nguồn cung sẽ bắt đầu từ từ đẩy giá dầu cao lên trong năm tới. Nhưng với mức giá 100 USD/thùng thì vẫn là một đích đến khá xa vời.

Giá xăng Việt Nam: 7 lần giảm không bằng 5 lần tăng

Theo bảng giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong ngày 18/9 vừa qua, thời điểm giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên 17,950 đồng/lít giá xăng dầu thế giới ngày 17/9 là 61,58 USD/thùng, giá thế giới (FOB) bình quân 15 ngày là 61,33 USD/thùng.

Vào thời điểm năm 2005, khi giá dầu thành phẩm thế giới cũng đang khoảng 61 USD/thùng, giá xăng trong nước mới chỉ ở mức 8.800 đồng/lít. Như vậy, 10 năm sau, khi giá dầu thành phẩm nhập khẩu cũng chỉ ở mức 61 USD/thùng thì xăng trong nước đã tăng lên gấp đôi.

Dù giá xăng dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh theo diễn biến của giá dầu thế giới, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, giá xăng ở Việt Nam vẫn đang ở mức khá cao do còn đang phải gánh tới hàng chục loại thuế và phí.

Cụ thể, giá CIF là 63,83 USD/thùng, giá CIF tính giá cơ sở là 8.899 đồng/lít, giá CIF tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 8.653 đồng/lít.

Theo đó, thuế nhập khẩu (20%) là 1.731 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 1.038 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.632 đồng/lít, tổng cộng các khoản thuế là 7.401 đồng.

Ngoài ra có hai 2 khoản phí là chi phí định mức và lợi nhuận định mức tổng cộng là 1.350 đồng/lít. Như vậy tổng các loại thuế phí này lên đến 8.751 đồng/lít, tương đương 49% giá bán lẻ xăng dầu.
Giá xăng trong nước giảm không bằng 5 lần tăng, 49% giá là thuế và phí
Tính từ đầu năm, giá xăng đã giảm 7 lần, tổng cộng 5.586 đồng/lít nhưng không bằng nổi 5 lần tăng với tổng cộng là 5.660 đồng/lít.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới vừa qua, phản ánh vào thị trường trong nước thì tăng lại rất cao, giảm thì rất thấp, không có sự tương xứng.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, nếu không sử dụng Quỹ bình ổn giá thì mức tăng của xăng có thể còn cao nữa, còn nếu giảm, kể cả giảm 260 đồng/lít thì cơ quan nhà nước cũng yêu cầu giảm để tạo tác động tích cực đến sản xuất.

Cũng theo ông Thỏa, các yếu tố cao hơn so với giá giai đoạn 2008-2010 không phải chỉ do thuế phí, bởi vì thuế phí thời điểm hiện nay so với thuế phí thời điểm năm 2008-2010 là xấp xỉ nhau. Yếu tố cơ bản tác động đến giá xăng dầu trong nước chính là tỷ giá tính trên giá nhập khẩu để quy ra đồng Việt Nam rồi tính giá cơ sở.

Năm 2008-2010, tỷ giá dao động trong khoảng 16.000-19.000 đồng/USD. Nếu như ta so tỷ giá hiện nay khoảng hơn 22.000 đồng/USD so với tỷ giá năm 2008 đã tăng 37%, so với 2009 tăng 25% và so với 2010 đã tăng 18,5%.

Ngoài ra hiện có chi phí kinh doanh được Nhà nước ấn định là 1.050 đồng/lít đối với xăng. So với 2008-2010, nó đã tăng khoảng độ từ 50-70% tuỳ loại mặt hàng xăng dầu. Hai yếu tố này tổng hoà lại đã kích giá xăng dầu cao hơn so với các giai đoạn về trước, dù giá thế giới trong các giai đoạn này không có biến động lớn.

Cũng theo ông Thỏa, giá dầu thô thế giới sẽ xoay quanh khoảng độ 60 USD/thùng và giá xăng trong nước, mà trước hết là giá xăng A92 sẽ dao động độ khoảng 18.000-19.000 đồng/lít, từ nay cho đến cuối năm.

Trước đợt điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/lít xăng ngày 17/9 vừa qua, trả lời phóng viên VTC News, đại diện một cơ sở kinh doanh xăng dầu tại Hai Bà Trưng, Hà Nội còn cho biết, hiện tại cơ sở vẫn đang lỗ khoảng hơn 450 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, hiện tại giá bán lẻ xăng dầu đã có hai khoản chi phí và lợi nhuận định mức trên mỗi lít xăng thì ở thời điểm nào, doanh nghiệp cũng không lo bị lỗ.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn