Giá vàng tăng, giảm quay cuồng, nhà đầu tư trở tay không kịp

Tin giá vàngThứ Sáu, 15/03/2024 09:20:00 +07:00
(VTC News) -

Giá vàng gần đây liên tục biến động, khi tăng, giảm vài triệu đồng/lượng ngay trong ngày khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay, không biết nên mua hay bán.

Giá vàng miếng trong nước mấy ngày gần đây liên tục "nhảy múa" theo giá thế giới, mỗi ngày biến động từ 1 đến gần 3 triệu đồng/lượng. Ví dụ, chiều 13/3, giá giảm tới 2,7 triệu đồng/lượng (giá bán) so với buổi sáng và mất mốc 80 triệu đồng/lượng. Nhưng chỉ đến hôm sau (14/3), giá lại vọt tăng gần 2 triệu đồng/lượng, về lại 81,5 triệu đồng. 

Diễn biến thất thường này khiến các nhà đầu tư đau đầu khi trở tay không kịp và không biết nên tính toán như thế nào để đảm bảo lợi nhuận cao nhất.

Chị Thu Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết, ngày 13/3, khi nghe giá vàng liên tục lao dốc, chị vô cùng sốt ruột vì vừa trót "đu đỉnh", ôm vài lượng vàng để "lướt sóng". Tính toán một hồi, chị Giang quyết định mang vàng đi bán vì lo sợ vàng sẽ đảo chiều sau đợt tăng dồn dập thời gian qua. Nhưng khi chị vừa bán hôm trước thì hôm sau giá vàng lại tăng mạnh. 

"Hôm trước tôi chỉ bán được giá 77,5 triệu đồng/lượng, trong khi nếu bán hôm sau thì được giá 79,5 triệu đồng/lượng. Với 5 lượng vàng, tôi đã thiệt cả chục triệu đồng. Thậm chí có thể nói tôi đã bị lỗ kép 2 lần, vì tôi đã phải bán giá thấp dù trước đó mua giá cao", chị Giang nói.

Nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp vì diễn biến thất thường của vàng. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp vì diễn biến thất thường của vàng. (Ảnh minh họa: Minh Đức).

Tương tự, anh Lê Văn Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tiếc đứt ruột khi đưa ra quyết định bán vàng hơi vội.

Anh Long đầu tư vàng từ giai đoạn giá vàng chỉ 78 triệu đồng/lượng. Đến đầu tháng 3/2024, khi giá đạt ngưỡng 79,5 - 81,5 triệu đồng/lượng (mua -bán), thấy cơ hội chốt lời đã chín muồi, anh Long quyết định "tất tay" số vàng hơn 30 lượng đã đầu tư. Tính ra, anh lãi 1,5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, điều khiến anh Long bất ngờ là chỉ sau đó vài ngày, giá vàng đã lên ngưỡng 80,5 - 82,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ vì bán sớm mà anh Long đã thiệt khoảng 1 triệu đồng/lượng.

"Nếu đợi thêm vài ngày, mỗi lượng vàng tôi sẽ lãi 2,5 triệu đồng so với lúc mua. Tuy nhiên, tôi cũng không phải tiếc lâu vì sau đó giá lại giảm mạnh, chỉ còn cao hơn giá tôi bán trước đó một chút. Đúng là giá vàng đang biến động quá nhanh, không dễ dự báo trước được", anh Long nhận xét.

May mắn hơn, anh Trần Văn Lộc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, do có quá nhiều nhận định giá vàng sẽ còn tăng mạnh và thực tế giá liên tục phá đỉnh cũ, lập đỉnh mới nên anh quyết định xuống tiền đầu tư dù giá kim loại quý đang ở mức cao.

Hồi cuối tháng 2/2024, anh Lộc đã xuống tiền mua 5 lượng vàng miếng với giá 79,15 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 12/3, khi giá vàng leo lên mức 80,5 - 82,5 triệu đồng/lượng (mua-bán), anh Lộc đã định bán chốt lời thì ngay đầu giờ chiều hôm đó, giá vàng lại bắt đầu giảm nên anh đành gác ý định này lại.

Sang hôm sau (13/3), giá vàng bất ngờ tiếp tục lao dốc, giảm tới gần 3 triệu, về mốc 77,5 - 79,9 triệu đồng/lượng. Nếu bán ở mức này, anh Lộc lỗ 1,65 triệu đồng/lượng so với lúc mua.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày, giá vàng lại hồi phục. Cụ thể, ngày 14/3, giá vàng lại tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với mức tăng này, tiền lãi chưa nhiều nên anh vẫn quyết định "ôm" vàng chờ thêm.

"Cũng may là tôi chậm một nhịp nên chưa kịp xả hàng khi giá lao dốc, vì thế chưa bị lỗ nặng. Nhưng đúng là giờ vừa giữ vàng vừa lo, giá biến động quá nhanh khiến tôi không tính toán kịp", anh Lộc nói.

Còn anh Thành Lâm (Từ Liêm, Hà Nội) thì lại tiếc nuối vì không kịp mua vàng khi giá giảm mạnh hôm 13/3. "Đã lâu lắm tôi mới thấy giá vàng giảm mạnh như vậy. Tôi vẫn tin giá sẽ tiếp tục tăng nên đã muốn mua tích trữ từ lâu, nhưng vì giá luôn ở mức quá cao nên không dám mua vào. Đến hôm vừa rồi thấy giá xuống thấp, tôi đã định đi mua nhưng vì vẫn gợn việc thị trường đảo chiều mạnh nên chưa quyết, dự định theo dõi một vài phiên nữa xem sao. Ai ngờ giá lại hồi phục ngay hôm sau, giờ lại ở mức cao chót vót rồi, tôi có muốn mua cũng khó", anh nói.

Nhận định việc giá vàng trong nước thời gian gần đây tăng mạnh, liên tục lập kỷ lục, các chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo những diễn biến của  khó lường có thể xảy ra, vì vậy nhà đầu tư không nên đợi đỉnh để chốt lời vì không biết đâu sẽ là đỉnh. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: "Nhà đầu tư không nên chờ giá lên đỉnh mới chốt lời. Bởi lẽ giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là đỉnh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời".

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, diễn biến của giá vàng cũng rất khó lường và nhiều rủi ro khi chênh lệch với giá thế giới khá lớn, nên nếu có lời, nhà đầu tư nên bán. Cụ thể, giá vàng trong nước thường biến động theo giá thế giới, thế nhưng có thời điểm hoàn toàn trái ngược. 

Đồng quan điểm, chuyên gia về vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, với các nhà đầu tư đã mua vàng từ thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, với mức giá như hiện tại cũng đã có tỷ suất sinh lời khá tốt. Nhà đầu tư cứ tính mức lãi trung bình khoảng 2 triệu đồng/lượng thì nên chốt lời. 

Ngoài ra, việc mua vàng thời điểm này cũng rất rủi ro vì rất khó để đoán định được mức tăng của vàng do giá biến động nhanh chóng và dữ dội.

CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT đưa ra dự báo 2024 là năm không nên bán vàng. Nhưng trong danh mục đầu tư, vàng không chiếm quá 15% tỷ trọng.

Theo FIDT, giá vàng nhất định còn tăng trong năm 2024. Giá vàng nhẫn có thể lên tới 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, thời điểm này không nên mua thêm vàng tại vùng giá này. Nếu giá vàng giảm 5-7% thì có thể mua thêm với tỷ trọng nhỏ. Về dài hạn, vàng không phải là kênh đầu tư lâu dài. Và thực tế, không ai tích luỹ loại tài sản có xu hướng giảm trong dài hạn.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn