Gặp 'phù thủy thời gian' sở hữu 7 bằng quốc tế

Thời sựThứ Năm, 13/02/2014 07:24:00 +07:00

(VTC News) - Người thợ từng tham gia lắp đặt đồng hồ tại Bưu điện Hà Nội sở hữu 7 tấm bằng diplome của các hãng đồng hồ nổi tiếng của Thuỵ Sỹ từ Rado, Omega đến Longines.

Bước vào ‘dinh cơ’ của người được mệnh danh là  ‘phù thủy thời gian’ ở Hà Nội, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một bãi chiến trường với la liệt các loại đồng hồ, linh kiện và máy móc.
Đó là nơi ở và làm việc của ‘phù thủy thời gian Đào Văn Dư tại phố Nguyễn Tri Phương (Hà Nội). Gắn bó với nghề sửa chữa đồng hồ hàng chục năm nay, người thợ ‘sửa thời gian’ vẫn nguyên vẹn một đam mê với những chiếc kim giây, kim phút, với những chiếc quả lắc mang màu hoen ố của thời gian.
“Tôi thích mày mò về những chiếc đồng hồ từ khi còn nhỏ. Ngày đó, bố tôi cũng sửa đồng hồ, thường xuyên ngồi xem bố sửa rồi chót mê từ lúc nào không biết” ông Dư nói về cơ duyên với những chiếc đồng hồ.
Người lắp đặt đồng hồ trên bưu điện Hà Nội
Đã hơn 30 năm nay, chiếc đồng hồ trên nóc toà nhà Bưu điện Hà Nội hoạt động miệt mài không ngừng nghỉ; trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.
"Tham gia lắp đặt chiếc đồng hồ trên Bưu điện Hà Nội là một công việc, một kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời cũng như những năm tháng làm nghề của tôi",  ông Dư nói về công việc lắp đặt chiếc đồng hồ đặc biệt của thủ đô Hà Nội.
Ông Đào Văn Dư bên chiếc bàn 'tác nghiệp' của mình

Ông Đào Văn Dư bên chiếc bàn 'tác nghiệp' của mình

Theo ông Dư, chiếc đồng hồ được lắp đặt trên tầng 5 của toà nhà Bưu điện Bờ Hồ là do Trung Quốc tặng. Ban đầu thợ đồng hồ của Trung Quốc cũng được cử sang để lắp đặt, tuy nhiên, khi đang lắp đặt dở thì chuyên gia Trung Quốc rút về hết. Mọi công việc dở dang còn lại được giao cho ông Dư. Đích thân ông Nguyễn Minh Chi - Giám đốc Bưu điện Hà Nội hồi đó cùng tham gia vào công việc lắp đặt đồng hồ cùng ông.
Quốc khánh năm 1978 cũng là ngày chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội bên bờ Hồ Hoàn Kiếm ngân lên tiếng chuông đầu tiên.

Lắp đặt đồng hồ trên Bưu điện Hà Nội là một kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời ông Dư

Ngoài ra, ông Dư còn tham gia lắp đặt nhiều chiếc đồng hồ công cộng trên các phố chợ Hàng Da, chợ Mơ, Bách hoá Tổng hợp, chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, Ngã Tư Sở...
Tiêu biểu trong số những chiếc đồng hồ ông Dư đã lắp đặt là chiếc đồng hồ đặt trên cổng chợ Hàng Da. Khi đó, chiếc đồng hồ này có bốn mặt quay về bốn hướng thường xuyên xảy ra tình trạng mỗi mặt đồng hồ lại chạy một giờ khác nhau. Để khắc phục, ông Dư cùng những đồng nghiệp của mình hàng ngày phải túc trực thường xuyên ở những cột đồng hồ để điều chỉnh ngay khi thấy các mặt không khớp nhau. 
Về sau, những chiếc đồng hồ công cộng ở Hà Nội đã được dỡ bỏ nhưng riêng chiếc đồng hồ lớn ở Bưu điện Bờ Hồ vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ngày đêm đếm nhịp thời gian cho người Hà Nội, chiếc đồng hồ trên nóc bưu điện thành phố vừa trở thành một biểu tượng lịch sử vừa thể hiện công lao của người thợ lặng lẽ lưu giữ nhịp thời gian đất Hà thành.
Người thợ đồng hồ sở hữu 7 bằng quốc tế
Với công việc lặng lẽ và cần mẫn bên những chiếc đồng hồ, ít ai biết rằng ông Đào Văn Dư đã từng 2 lần tu nghiệp tại trung tâm đồng hồ quốc tế WOSTEF vào năm 1980 và 1991. Ông còn bổ sung vào thành tích đáng nể của mình với 7 bằng diplome của các hãng đồng hồ nổi tiếng của Thuỵ Sỹ từ Rado, Omega đến Longines... Ông Dư có lẽ là người thợ sửa đồng hồ duy nhất tại VN có trong tay 7 bằng diplome.
Có được những tấm bằng diplome nhưng ông Dư vẫn quyết định trở về Việt Nam để tiếp tục công việc sửa đồng hồ của mình, từ chối lời đề nghị lập nghiệp tại vương quốc đồng hồ - Thụy Sĩ. Trong tay có được những tấm bằng diplome, những chứng chỉ (certificate) công nhận tài năng của các hãng đồng hồ lớn có lịch sử hàng trăm năm, đủ để làm giấy thông hành cho một chỗ làm ưu đãi tại Thụy Sĩ với lương lên đến 8.000 USD mỗi tháng, nhưng người thợ cả ấy vẫn quyết tâm khăn gói trở về quê hương để gắn bó tại mảnh đất mình sinh ra.    
Như mong ước của nhiều người thợ sửa đồng hồ khác, ông Dư đã được đặt chân đến Thụy Sĩ - vương quốc của những chiếc máy đếm thời gian. Trong chuyến đi Thụy Sĩ, ông đã được đến nơi lưu giữ hầu như tất cả các loại đồng hồ tồn tại trong lịch sử nhân loại từ đồng hồ mặt trời, đồng hồ lửa, đồng hồ cát đến đồng hồ cơ...
Nhớ lại những ngày đầu khổ ải để được kết quả lớn lao như vậy, ông Dư tâm sự: "Quyết định theo nghề, năm 17 tuổi, tôi đã theo ông nội và cha đi làm thuê cho hiệu đồng hồ Vạn Sinh ở Hà Nội. Với kinh nghiệm làm nghề, sau ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, ở tuổi 20 đã là người thợ trẻ được xếp bậc cao nhất (5/7) trong làng thợ đồng hồ Nhà nước khi đó".

Một số chiếc đồng hồ đặc biệt trong bộ sưu tầm của 'phù thủy thời gian'

Ngoài việc làm thợ, ông đã tham gia đào tạo hàng trăm người thợ sửa chữa đồng hồ lành nghề khắp cả nước. Với tài sửa chữa đồng hồ “thiên bẩm” của mình, năm 1960, khi Nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, ông đã được mời làm phụ trách kỹ thuật, rồi Trưởng phòng Đào tạo của Trường Công nhân kỹ thuật đồng hồ Hà Nội, đến chuyên gia kỹ thuật sửa chữa đồng hồ vượt khung bậc 7/7. 
Đến nay, niềm đam mê với những chiếc đồng hồ vẫn cuộn cháy trong ông. Đôi tay ông vẫn miệt mài ngày đêm làm bạn với những chiếc đồng hồ của khách hàng từ khắp trong Nam – ngoài Bắc.

Bình luận
vtcnews.vn