Gần 6 thập kỷ tồn tại, Su-22 vẫn được Iran nâng cấp để mang tên lửa đạn đạo

Quân sựThứ Năm, 01/02/2024 15:54:18 +07:00
(VTC News) -

Những chiếc Su-22 của Iran đã được lột xác sau loạt nâng cấp mới, những cải tiến này sẽ giúp máy bay có thêm khả năng chiến đấu trong môi trường hiện nay.

Theo Bulgarian Military, truyền thông Iran gần đây đăng tải thông tin cho biết Lực lượng Không quân Iran (IRIAF) đang hiện đại hoá phi đội máy bay tấn công Sukhoi Su-22. Việc nâng cấp bao gồm lắp đặt các hệ thống khí tài mới lên Su-22, trong đó có bom lượn phóng từ trên khôngYasin và tên lửa đạn đạo Arman.  

Bom lượn Yasin có trọng lượng khoảng 320 kg, kèm theo đầu đạn lên tới 215 kg. Chúng được thiết kế với cánh có thể thu vào và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Các nguồn tin của Iran cho rằng bom Yasin có thể bay tới các mục tiêu cách xa máy bay tới 40 km khi được phóng đi từ độ cao trên 8.000 mét, bất kể được phóng đi từ máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu.

Chiến đấu cơ Su-22 của Iran.

Chiến đấu cơ Su-22 của Iran.

Về tên lửa đạn đạo Arman, loại tên lửa này được giới thiệu tới công chúng lần đầu tiên vào năm 2023 tại một triển lãm hàng không vũ trụ do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tổ chức.

Arman được cho là phiên bản phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn Ababil (al-Fat'h). Theo các chuyên gia quân sự, việc Iran phát triển tên lửa Arman là nhằm tạo ra một loại vũ khí phóng từ trên không, có thể sánh ngang với tên lửa Kinzhal của Nga.

Su-22 nâng cấp

Phi đội Su-22 thuộc biên chế của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Iran (IRGC-AF), dễ dàng được nhận biết bởi số hiệu ghi trên thân máy bay được viết bắt đầu bằng số "15-". 

Năm 1991, Iran mua lại 40 chiếc Su-20/22 từ Iraq. Tuy nhiên, những chiến đấu cơ này vẫn không được đưa vào hoạt động trong một thời gian dài. Cho đến năm 2013, khi Iran bắt tay vào chương trình hiện đại hoá tiềm lực quân sự toàn diện. 

Điều thú vị là vào khoảng tháng 3/2015, Lực lượng Không quân Iran đã chuyển giao một số máy bay Su-22 của họ cho Lực lượng Không quân Syria tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân nổi dậy.

Su-22 Iran với tên lửa Arman.

Su-22 Iran với tên lửa Arman.

Hiện tại, Không quân Iran có 30 chiếc Su-22 đang hoạt động. Đến tháng 7/2018, Iran đã hiện đại hóa thành công 10 chiếc Su-22. Quá trình nâng cấp trên đã trang bị cho Su-22 những công nghệ tiên tiến nhất, giúp chiếc máy bay này có khả năng mang bom thông minh, đạn dẫn đường chính xác, trao đổi dữ liệu với UAV và các công nghệ thiết yếu để sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ trên không với tầm bắn lên đến 1.500 km.

Chiến đấu cơ Su-22

Máy bay Sukhoi-22  “tên định danh của NATO là Fitter”, là một máy bay tiêm kích - ném bom, Su-22 là phiên bản nâng cao của Su-17 do công ty sản xuất máy bay quân sự Sukhoi (Liên Xô) sản xuất vào năm 1966. Chiếc máy bay này chủ yếu được xuất khẩu, nhưng Su-22 cũng được sử dụng rộng rãi trong lực lượng không quân của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. 

Đây là loại máy bay có thiết kế khá độc đáo với kiểu cánh cụp - cánh xòe đầu tiên được Liên Xô chế tạo. Việc sở hữu khả năng thay đổi diện tích mặt nâng của cánh giúp chiếc máy bay hoạt động cực kì linh hoạt và giảm thiểu các nhược điểm về khí động học.

Khi cất cánh hoặc cần bay ổn định để tấn công, Su-22 sẽ giữ cánh thẳng, hai cánh dang rộng giúp máy bay có hệ số lực nâng cao, dễ dàng tăng tốc độ cao. Đặc biệt khi máy bay được nạp đầy nhiên liệu và vũ khí, cũng như tạo sự ổn định ở tốc độ cận âm.

Bom Yasin được thả từ Su-22 Iran.

Bom Yasin được thả từ Su-22 Iran.

Trong khi đó, khi hai cánh được xếp lại thu hẹp góc lệch với chiều dọc thân máy bay có thể giúp Su-22 đạt tốc độ vượt âm, giúp cho máy bay có khả năng chống nhiễu loạn không khí tốt hơn khi cận chiến hoặc bay nhanh qua vùng chiến sự có lưới phòng không dày đặc. 

Những cải tiến đối với Su-22 bao gồm những tiến bộ về thiết bị điện tử định vị, hệ thống điều khiển và thu thập mục tiêu. Máy bay cũng được trang bị các hệ thống có khả năng phá vỡ cơ chế nhắm mục tiêu và định vị của đối phương. Ngoài ra, Su-22 có thể trang bị thêm thiết bị cảm biến cho nhiệm vụ trinh sát.

Vũ khí của Su-22

Kho vũ khí của Su-22 bao gồm tám đến mười giá đỡ vũ khí, mỗi giá được thiết kế để chứa nhiều hệ thống vũ khí. Tùy thuộc vào cấu hình các loại vũ khí, có thể có hai hoặc bốn giá đỡ vũ khí được gắn chặt dưới thân, hai pháo tự động NR-30 nằm ở gốc cánh trái và cánh phải. Mỗi khẩu pháo được trang bị 80 viên đạn. 

Trong số sáu giá đỡ vũ khí được đặt bên dưới cánh, hai giá đỡ được trang bị thêm hộp đựng súng. Hộp đựng súng này được gọi là SPPU-22-01 (có 260 viên đạn) có thể di chuyển xuống dưới, trong khi đó súng GSch-23L có thể điều chỉnh lên đến 30° theo chiều dọc. Điều thú vị là nó cũng có thể được lắp đặt dưới thân máy bay theo hướng bay. Tính năng độc đáo này cho phép Su-22 vẫn có thể bắn trúng các mục tiêu trên mặt đất hoặc trên biển mà nó đã bay vượt qua.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)
Bình luận
vtcnews.vn