Football Leaks- Kẻ bí ẩn khiến giới tỷ phú bóng đá tái mặt

Thể thaoThứ Hai, 25/01/2016 08:10:00 +07:00

Những tranh cãi về một loạt thương vụ bom tấn chuyển nhượng đã kết thúc khi Football Leaks công khai các con số chi tiết xung quanh bàn đàm phán

(VTC News) - Những tranh cãi về một loạt thương vụ bom tấn chuyển nhượng đã kết thúc khi Football Leaks công khai các con số chi tiết xung quanh bàn đàm phán.

Mọi chuyện vỡ lở bắt đầu từ thương vụ của Gareth Bale. Real Madrid luôn khẳng định họ chỉ bỏ ra 78 triệu bảng (khoảng 91 triệu euro) vào hè năm 2013 để chiêu mộ ngôi sao người xứ Wales. Báo chí Tây Ban Nha cũng hùa theo thông tin này, trong khi cũng trong thời điểm đó, rất nhiều tờ báo Anh lại cho biết, giá của cựu cầu thủ Tottenham lên tới 100 triệu euro.
Gareth Bale là cái tên lớn nhất bị 'sờ gáy'
Gareth Bale là cái tên lớn nhất bị 'sờ gáy' 
Con số thực sự về bản hợp đồng của Gareth Bale vẫn mãi là dấu hỏi trong suốt hơn 2 năm qua. Để rồi trong nhiều tài liệu ghi lại lịch sử của các vụ chuyển nhượng đình đám, giá của B11 được chốt ở mức 78 triệu bảng – như Real Madrid khai báo.

Nhưng cho đến cuối tuần vừa rồi, trang Football Leaks đã công bố những chi tiết cụ thể để chứng minh rằng “Kền kền trắng” đã nói dối. Con số 78 triệu bảng mà Real Madrid khai báo chỉ có giá trị nếu đội bóng Tây Ban Nha thanh toán toàn bộ số tiền cho “Gà trống” trong vòng 15 ngày kể từ khi thương vụ hoàn thành.

Tuy nhiên Luật công bằng tài chính mà UEFA áp dụng khi đó không cho phép Real Madrid thanh toán như vậy. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha buộc phải chia nhỏ làm nhiều lần thanh toán. Lần thanh toán cuối cùng diễn ra vào ngày 24/7 năm nay.

Tổng số tiền mà đại diện xứ bò tót phải chi trả lên tới hơn 100 triệu euro (khoảng 85 triệu bảng), nghĩa là chính Gareth Bale chứ không phải Cristiano Ronaldo mới là cầu thủ đắt giá nhất thế giới bóng đá.
Trang chủ của Football Leaks
Trang chủ của Football Leaks 

Những thông tin này dĩ nhiên khiến người hâm mộ Real Madrid, nội bộ BLĐ cũng như đại diện của Gareth Bale hết sức tức giận. Nguyên nhân chính là bởi “Kền kền trắng” không muốn làm mất lòng CR7 khi siêu sao người Bồ từ lâu luôn được coi là số 1 ở Bernabeu, từ thành tích, cống hiến cho đến giá trị thương mại.

Không chỉ có Gareth Bale, rất nhiều thương vụ khác cũng được Football Leaks đưa ra ánh sáng. Ví dụ như việc Man City mua Mangala hồi hè năm 2014. Đội bóng thành Manchester khai báo rằng họ chi 40 triệu euro cho trung vệ người Pháp, nhưng thực tế, Football Leaks khẳng định The Citizens phải bỏ ra nhiều hơn 14,5 triệu euro.

Hay như Anthony Martial. MU cho biết họ chỉ trả 50 triệu euro (tương đương 36 triệu bảng) để đổi lấy sự phục vụ của tài năng trẻ người Pháp. Tuy nhiên Football Leaks cho rằng, Quỷ đỏ phải móc hầu bao nhiều hơn thế rất nhiều.

Những cú hích tạo tiếng vang lớn của Football Leaks giúp họ nhận được sự chú ý rất lớn từ truyền thông. Mặc dù vậy, ông chủ thực sự của tổ chức này cho đến nay vẫn còn được giữ trong vòng bí mật.

Tất cả những gì người ta biết về Football Leaks đến giờ chỉ là một trụ sở đặt tại Bồ Đào Nha và hệ thống máy chủ được đặt ở Nga. Mục tiêu ban đầu của họ là chống lại quyền sở hữu thứ ba, điều mà FIFA vừa đưa vào danh sách cần phải loại bỏ trong hệ thống chuyển nhượng.
Theo Football Leaks, giá của Martial không phải 50 triệu euro
Theo Football Leaks, giá của Martial không phải 50 triệu euro 

Phương thức làm việc của Football Leaks là thông qua áp lực của công chúng làm thay đổi diện mạo của bóng đá. Một trong số những thành công bước đầu của họ là khiến CLB Twente của Hà Lan phải đóng cửa bởi gian dối trong việc sở hữu bên thứ ba. Bắt đầu từ việc tập đoàn Doyen Sports chi 4 triệu bảng tài trợ áo đấu nhưng thực chất là để sở hữu 5 cầu thủ trong đội, trong đó có Dusan Tadic của Southampton.

Khi Tadic chuyển sang Southampton với mức giá 10,3 triệu bảng, mọi quá trình sở hữu của Doyen bị đưa ra ánh sáng. Để rồi Twente bị cấm thi đấu trên toàn châu Âu trong 3 năm và nộp phạt hơn 40.000 euro.

Dù bản thân Doyen Sports cùng một số công ty quản lý cầu thủ khác phản đối Football Leaks vì cho rằng những nhân viên của tổ chức này dùng những biện pháp không đúng mực như tấn công máy chủ, đe dọa nhân viên để lấy thông tin, nhưng rất nhiều người vẫn công khai ủng hộ Football Leaks.

Mark Goddard, phụ trách hệ thống chuyển nhượng của FIFA thổ lộ quan điểm: “Họ chơi không đẹp khi phơi bày bí mật chuyển nhượng nhưng với chúng tôi, những thông tin này vô cùng hữu ích.”

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn