Bóng đá Việt: Giá cũng đạp xe 300km đi thi đại học

Thể thaoChủ Nhật, 08/07/2012 08:41:00 +07:00

Thử so sánh: một cầu thủ ngoài 20 tuổi có mức lương tháng gấp chục lần ông Tiến sỹ không còn là khập khiễng.


Kỳ thi tuyển sinh Đại học vừa rồi, trong vô số những chuyện cảm động có câu chuyện về một sỹ tử nghèo ở Nghệ An đã chấp nhận đạp xe đạp ra Hà Nội thi khi trong túi chỉ có 30.000 đồng, chai nước và chiếc bánh mỳ không.

Đạp xe đạp 300 km đã trở thành chuyện hiếm thời buổi này, trừ phi nó là một chuyến đi có chuẩn bị từ trước như đua xe hoặc hành hương. Sỹ tử người Nghệ, thực ra cũng đã có sự chuẩn bị cho mình, đó là thi vào một trường không phải mất tiền học phí và nếu không đỗ năm nay, năm sau sẽ thi tiếp bởi đó là con đường gần như duy nhất để thoát nghèo.

Chuyện đạp xe, có người khen về ý chí nhưng cũng có bạn trẻ cho rằng đó là cách không thông minh cho lắm khi mà chỉ cần treo tấm biển xin đi nhờ ra Hà Nội để thi Đại học, thế nào cũng có người cho đi.

Nguyễn Văn Thuận đạp xe 300km ra Hà Nội thi đại học


Vấn đề ở đây không phải là chuyện di chuyển quãng đường dài 300 km bằng phương tiện gì mà có lẽ, nó thể hiện quyết tâm nhiều hơn. Cái quyết tâm vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, để khẳng định khó mấy cũng làm được mới là điều đáng quý.

Cũng trong kỳ tuyển sinh, bên cạnh những sỹ tử phải đạp xe cả mấy trăm km, cũng có những sỹ tử được bố mẹ đưa đến nơi thi bằng xe siêu sang, thậm chí là những chiếc xe công biển xanh.

Khả năng vào Đại học của những sỹ tử nghèo và những cậu ấm là như thế nào? Rất khó nói trước, bởi suy cho cùng vào Đại học chỉ là sự khởi đầu, anh đóng góp gì cho xã hội, cho nơi anh làm việc sau này mới là điều đáng nói.

Bây giờ, đặt lại vấn đề, chàng trai nghèo xứ Nghệ kia thay vì vùi đầu vào sách vở và tìm cho mình một tia hy vọng có thể đổi đời mà lại có khả năng chơi bóng. Liệu sẽ có ứng xử thế nào? Trong rất nhiều trường hợp, đổi đời bằng bóng đá là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Thử so sánh: một cầu thủ ngoài 20 tuổi có mức lương tháng gấp chục lần ông Tiến sỹ không còn là khập khiễng.


Bóng đá và cầu thủ bây giờ đã được xếp vào một loại lao động đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ giá mà họ nhận được có vẻ cao hơn nhiều những giá trị (về cả tinh thần lẫn vật chất) mà họ đã làm ra.

Xã hội chấp nhận nghịch lý này như một tất yếu. Một ông bầu sau khi bỏ khá nhiều tiền ra nuôi bóng đá đã phải thở ra một câu đại ý thế này: “Tôi đang nuôi báo cô đội bóng đấy chứ, thử hỏi xem họ đã làm được gì cho doanh nghiệp và cho xã hội chưa mà đòi hỏi”. Ấy là khi ông bầu này phản ứng về “những lao động đặc biệt của mình ỉ eo về chuyện chậm lương.

Thời kinh tế khó khăn, lạm phát, thất nghiệp, phá sản nhan nhản ở khắp mọi nơi, bóng đá Việt lại đang đứng trước nguy cơ khi nó thể hiện khá rõ kiểu phát triển bong bóng thời gian qua.

Đôi khi, những nghịch lý được phơi bày sẽ mang những giá trị ảo trở về gần với giá trị thật hơn.

Để một sỹ tử, trên chặng đường 300km đạp xe đạp tử Vinh ra Hà Nội không ước là thay vì cái đầu có thể thi đại học, hãy có một đôi chân biết đá bóng có hơn không?



Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn