Euro về làng: Ông Tẹo và bao giờ đi qua bể khổ?

Tổng hợpChủ Nhật, 01/07/2012 04:09:00 +07:00

(VTC News) – Ông Tẹo cũng kể, gần tháng nay ông mê Euro lắm nhưng chỉ biết nằm nghe đài tường thuật. Cái đài giờ cũng già như ông, tậm tà tậm tịt...

(VTC News) – Đêm nay, Euro 2012 sẽ đi đến hồi kết và những câu chuyện “Euro về làng” của tôi cũng vậy. Sau những bi hài quanh trái bóng, giờ là lúc tôi phải kết lại mọi thứ. Chỉ có điều, nó không còn nụ cười như trước nữa, nó chỉ có nước mắt – nước mắt của ông Tẹo, người hàng xóm của tôi với những năm cuối đời vẫn chìm trong bể khổ!

Ảnh minh họa
Ông Tẹo có một chiếc đài bán dẫn, vỏ bọc da nâu suốt từ thời bao cấp. Tuổi thơ tôi và bóng đá là những chiều Chủ Nhật lăng xăng khắp sân nhà ông, cùng ông thái cây chuối lấy rau cho lợn và nghe bác Đình Khải, Hoài Sơn tường thuật bóng đá trên đài. Không biết bao nhiêu lần vì mải nghe, con dao thái chuối liếm qua đầu ngón tay ông Tẹo, máu nhỏ ròng, ông vẫn vui, vẫn thích bởi Thể Công của ông ngày ấy luôn thắng trận.

Năm tôi học lớp 8, ông Tẹo bán đàn lợn tậu được cái tivi Daewoo 16 inch. Chiếc đài bán dẫn tạm cất đi, phòng khi mất điện. Niềm đam mê theo dõi bóng đá của tôi và ông bước sang một trang mới có hình ảnh, màu sắc, âm thanh, sống động, trung thực, không còn là tưởng tượng.

Nhưng trang mới cũng chỉ kéo dài hơn hai tháng đã phải lật về trang cũ. Tôi và ông Tẹo trở lại làm bạn với cái đài bán dẫn bởi chiếc tivi ông phải bán, lo tiền cho thằng con trai hiếm muộn, duy nhất của vợ chồng ông đi thi Đại học.

Những năm tháng tiếp theo nhà tôi có tivi, tôi ít qua nghe đài cùng ông Tẹo. Vợ chồng ông cũng mải nai lưng kiếm tiền nuôi thằng con đi học ngoài Hà Nội, không còn nhiều thì giờ để mê bóng đá nữa.

Những tưởng cho con ăn học để lên người khi về già có chỗ cậy nhờ. Ai ngờ, cuối đời vợ chồng ông rơi vào bể khổ. Thằng con trai ông đi học, chữ chẳng ngấm vào người lại ngấm cái thói ăn chơi, đua đòi… đến mức bị lưu ban, đuổi về.

Về làng, nó tiếp tục lô đề, cờ bạc, bóng bánh, rồi bao nhiêu thứ trong nhà cứ theo nó đội nón ra đi. Bà Tẹo vì con mà lo nghĩ, sinh bệnh, nằm liệt một chỗ rồi cũng ra đi khi không còn tiền để chạy chữa. Ngày thất thất bà cũng là ngày đám chủ nợ vào xiết. Thằng con bất hiếu trốn nhà đi biệt xứ từ đó đến nay.

70 tuổi ngót rồi, đầu ông cũng chẳng còn chừa ra sợ tóc đen nào cho bể khổ nhuộm nốt đi. Giờ ông một thân một mình lọ mọ, bữa đói bữa no trong căn nhà trống lạnh.

Lần nào về quê, ngang qua ngõ nhà ông, tôi cũng ghé vào thắp nén nhang cho bà Tẹo. Và mỗi lần đứng trước bàn thờ bà, lòng tôi là một trời day dứt. Tôi nhớ mãi năm tôi học lớp 10, ông Tẹo thấy tôi có khiếu biết vẽ đã nhờ phóng bức ảnh chụp  bà Tẹo ngày còn trẻ. Tôi không ngờ, bức phóng ấy sau này đã trở thành di ảnh của bà (Từ lần đó, tôi không bao giờ còn truyền thần cho ai nữa).

Chiều qua, trên chiếc chõng tre dưới dàn hoa giấy, tôi và ông ngồi nhâm nhi bát chè xanh, nhai miếng trầu đỏ miệng. Tôi kể ông nghe dăm ba chuyện ngoài lề; từ chuyện phố phường đường xá tắc nghẽn, đến chuyện chính trường, tập trận, tranh chấp… và nhiều hơn cả vẫn là chuyện bóng đá.

Ông Tẹo cũng kể, gần tháng nay ông mê Euro lắm nhưng chỉ biết nằm nghe đài tường thuật. Cái đài giờ cũng già như ông, tậm tà tậm tịt. Nhiều lúc, thấy hàng xóm hô hào mà phát thèm xem một trận trên tivi, song lại sợ đêm khuya phiền hà.

Nghe ông kể, mắt tôi cay cay muốn quay đi một chỗ, giấu lệ. Lúc ra về, tôi hẹn ông đêm mai qua nhà tôi xem trận chung kết. Ông ngượng ngùng đồng ý, nhưng vẫn cố giải thích, rằng, cái đài chạy pin, pin cũ nát, pin nối với nhau dài dằng dặc mà không vớt cố được một trận cuối cùng!


Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn