Dương Vi Khoa – Chàng “Colombo ” của Việt Nam

Tổng hợpChủ Nhật, 28/11/2010 03:48:00 +07:00

Mười năm trước, Diễn đàn Tin học Việt Nam ra đời bắt nguồn từ sự trăn trở của cậu thư sinh 17 tuổi Dương Vi Khoa

Dương Vi Khoa – Chàng “Colombo ” của Việt Nam

 

 

Mười năm trước, Diễn đàn Tin học Việt Nam ra đời bắt nguồn từ sự trăn trở của cậu thư sinh 17 tuổi Dương Vi Khoa khi tham gia vào nhiều forum IT của nước ngoài: “Sao người Việt Nam không thể có một forum như vậy bằng tiếng Việt?”. Mười năm sau, những câu hỏi tương tự đã đưa chàng trai nhiều ý tưởng đột phá này tiếp tục trở thành Huấn luyện viên Thể thao điện tử đầu tiên, người chụp bức ảnh phong cách Panorama đầu tiên trên dải đất hình chữ S. Khai phá nhiều mảnh đất khoa học mới, Vi Khoa được ví như chàng “Colombo của Việt Nam”….

 Nhiếp ảnh, thể thao điện tử, làm diễn đàn – những niềm đam mê ấy của Khoa đọc lướt qua thấy hoàn toàn… chẳng liên quan gì đến nhau. “Kỳ thực nó có một điểm chung làm mạch xuyên suốt, đó là sử dụng nền tảng công nghệ. Nhờ công nghệ mới có thể làm những tấm ảnh lớn theo phong cách panorama, nhờ công nghệ mới có thể chơi được thể thao điện tử, và nhờ công nghệ mới có thể xây dựng được các diễn đàn. Nên nếu nói niềm đam mê lớn nhất của tôi là gì thì đó chính là sử dụng công nghệ để phục vụ cho những điều mình muốn thực hiện”, chàng trai có chất giọng Sài thành bộc bạch.

Quần jean xanh nhạt, áo phông trắng, dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt thư sinh, nhìn Vi Khoa trẻ hơn nhiều so với tuổi 29 của mình. Nếu gặp lần đầu, ít người có thể nghĩ chàng trai sinh năm 1981 đang ngồi đối diện trước mặt tôi lại là người khai phá và trồng nên rất nhiều cây non xanh tốt trên những mảnh vườn khoa học còn đầy cỏ dại ở Việt Nam…. Và sẽ có nhiều người bất ngờ hơn khi biết rằng Khoa chưa từng học qua bất cứ trường đại học đào tạo công nghệ thông tin nào …

 

 

Từ “Đàn chủ” diễn đàn tin học…

Khoa bắt đầu biết tới chiếc máy tính vào năm lớp 6, trong một lần tới nhà văn hóa Quận 1 TP Hồ Chí Minh chơi. Nhìn mấy anh lớn vẽ những hình họa đầy màu sắc trên máy, cậu học trò nhỏ ngay lập tức bị cuốn hút và đam mê… Một năm sau, Khoa đã tự mày mò cho ra mắt sản phẩm công nghệ đầu tiên, đó là phần mềm hát karaoke ngoài dots. Ngày ấy, karaoke trên nền dots chỉ đơn thuần chạy text để mọi người hát theo, tẻ nhạt và ít cảm xúc. Vốn thích âm nhạc, Khoa đã nảy ra một ý tưởng mới…

Suốt ba tháng hè, thay vì đến bể bơi, đi nghỉ mát, chơi đá banh… như các bạn cùng trang lứa, cậu học sinh lớp 7 dành toàn bộ thời gian cặm cụi ngồi vẽ đồ họa nền. Tận mắt nhìn thành quả của Khoa, thầy giáo tin học ở trường của cậu (một chuyên gia viết phần mềm) cũng phải… ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi sự siêng năng của cậu học trò nhỏ, ngỡ ngàng bởi những hình hoạt họa minh họa dù chưa thật đẹp nhưng cũng mang tới một màu sắc mới sinh động và hấp dẫn hơn cho phần mềm hát karaoke. Và quan trọng hơn, mặc dù đó là sản phẩm còn mang nặng tính thủ công nhưng nó đã chứng tỏ tình yêu của Khoa dành cho công nghệ và mở ra một con đường rộng thênh thang, mới mẻ cho chàng trai nhiều ý tưởng đột phá này.

Những năm cuối thập kỉ 90, internet bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Khi phần lớn dân số còn chưa biết khái niệm “online” nghĩa là gì thì Khoa đã mày mò và tham gia vào khóa học lập trình viên (MCSE)của Microsoft trên mạng. Không có tiền mua sách, Khoa lân la đọc và tìm kiếm tài liệu trên các diễn đàn tin học nước ngoài. Cùng với nguồn kiến thức khổng lồ thu nhận được từ thế giới mạng là câu hỏi lớn khiến Vi Khoa luôn trăn trở: “Tại sao mình không làm một diễn đàn như thế bằng tiếng Việt cho người Việt? Có như thế mới phổ biến được kiến thức tin học cho dân mình được”. Và Khoa bắt tay vào thực hiện câu trả lời cho chính mình với một khát khao mạnh mẽ…

Tự tìm phần mềm làm diễn đàn, tự kiếm nhà cung cấp hosting, tự nghiên cứu các công đoạn, quy trình thực hiện… khó khăn lớn nhất mà chàng trai 8X phải đối mặt chính là chi phí để xây dựng diễn đàn. “Vài chục đô tiền thuê hosting một tháng, với một học sinh cấp 3 như Khoa ngày ấy kiếm được số tiền như thế đâu có đơn giản? Chưa kể tiền điện thoại, tiền internet… Hồi ấy cước phí các dịch vụ ấy còn đắt kinh khủng. Tháng nào hóa đơn điện thoại gửi tới cho Khoa cũng trên dưới hai triệu. Cứ phải tự xoay xở, tìm mọi cách để kiếm tiền, kiếm được bao nhiêu cũng đổ hết vào nuôi diễn đàn… cũng chẳng khác nuôi con mọn là mấy”, Vi Khoa hóm hỉnh.

Không một ngày học công nghệ thông tin ở trường đại học, tất cả những gì Khoa trang bị để lăn lộn kiếm sống đều xuất phát từ… internet. Đầu tiên là bán sách trên mạng, sau đó là sưu tập, lượm lặt lọc những tài liệu mình thu được từ thế giới online rồi in đĩa để bán cho mọi người… “Mỗi ngày Khoa dành 10 đến 12 tiếng ngồi trước máy tính, nhiều khi bố mẹ Khoa cũng cảm thấy lo lắng. Nhưng bù lại Khoa vừa tự trang bị được kiến thức cho bản thân, vừa chia sẻ được những kiến thức đó với mọi người và quan trọng nhất là có thu nhập đủ để Diễn đàn Tin học Việt Nam có thể hoạt động”, chàng trai đời đầu 8X bộc bạch.

Khoa đã trở thành “Đàn chủ” đầu tiên của Việt Nam và cũng là một trong những người trẻ nhất nhận chứng chỉ MCSE của Microsoft vào năm 2000, khi vừa tròn 19 tuổi. Từ vài trăm người tham gia, đến nay Diễn đàn Tin học Việt Nam đã có khoảng 100.000 thành viên và lọt vào “top” những diễn đàn uy tín nhất của giới tin học tại Việt Nam. Năm 2005, “đàn chủ” tiếp tục được Microsoft trao chứng nhận MVP (Microsoft Most Valuable Professional) vì những đóng góp cho cộng đồng IT Việt Nam. Gần như những sự kiện nổi bật của giới CNTT ở Việt Nam trong 10 năm qua đều có mặt ddth.com cùng cái tên Dương Vi Khoa.

 

 

…Huấn luyện viên thể thao điện tử

Vốn là con nhà thể thao chính tông, nhưng chưa bao giờ “Đàn chủ” của Diễn đàn tin học Việt Nam muốn trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Dù vậy, như sự sắp đặt của số phận, cậu cả nhà họ Dương lại vẫn gắn với nghiệp thể thao của gia đình, chỉ có điều nó theo một cách thức khác…

Từ hồi bé tí Khoa đã say mê trò xếp gạch, rồi sau đó là game bóng đá, đua xe. “Người ta thường chơi game theo hai cách: để giải trí và để đạt đến một cái gì đó. Khoa mê game theo cách thứ hai. Tất cả những game mà Khoa chơi đều mang tính thi đấu. Lúc đầu thua người khác, nhưng càng ngày Khoa càng cố gắng để vươn lên để đạt vị trí đứng đầu. Điều đó giống như chơi một môn thể thao vậy”, Khoa bộc bạch.

Năm 2003, khi Việt Nam có ADSL và Khoa bắt đầu có thể tham gia chơi các giải thi đấu game ở nước ngoài, chàng trai đời đầu thế hệ 8X ngay lập tức bị choáng ngợp bởi kĩ năng thi đấu của các game thủ quốc tế: “Lúc đó thấy mình giống như cậu bé mê bóng đá được ngồi xem Ronaldo thi đấu vậy. Và Khoa cũng muốn mình có thể vươn lên đẳng cấp như vậy”….

Chính đam mê công nghệ và thích chơi game đã đưa Vi Khoa đến với e-Sport (thể thao điện tử). Một năm trở lại đây, khái niệm này mới bắt đầu được biết đến ở Việt Nam. Nhưng 6 năm trước, Kylin (nick của Khoa trong các diễn đàn game) đã là một tay Sniper (bắn tỉa) có hạng của các game thể thao Counter Strike, Sudden Attack, Crossfire… Khoa nhận ra ở một số nước tiên tiến trên thế giới, game được tổ chức thành một môn thể thao và Khoa khát khao có thể triển khai những giải đấu e-Sport ở Việt Nam: “Khoa nhận ra tiềm năng của e-Sport Việt Nam là rất lớn. e-Sports khác game thông thường ở tính đối kháng, chiến thuật, đồng đội và nhất là xuất phát của các bên là như nhau, đảm bảo sự công bằng. Một VĐV e-Sports không cần thiết phải “cày” level ngày đêm như game online mà chỉ cần tập luyện đúng cách”.

Xách hành lý ra Hà Nội, tự bỏ tiền tổ chức một giải đấu nhỏ cho game thủ, và điều mà Khoa không ngờ tới là số lượng người tham gia… tăng vọt, vượt ngoài dự kiến. Trên đà hứng khởi, chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết lại quyết tâm bỏ tiền túi ra để giành quyền phát hành bản quyền game Counter Strike tại Việt Nam. Nhiều người nói Khoa “điên” khi nói đến chuyện bán game bản quyền ở trong nước, khi chơi game vẫn nhạy cảm và bị nhiều người bài xích và bằng chứng là suốt một thời gian dài Khoa không thu được một đồng lợi nhuận nào. Nhưng anh chàng lại luôn thấy mình “lời” vì đã đưa e-Sport phát triển ở Việt Nam. “Lời” hơn nữa khi vài năm sau đó, Hiệp hội thể thao điện tử và giải trí Việt Nam do ông bác ruột Dương Nghiệp Chí làm phó chủ tịch được thành lập. Khoa được bổ nhiệm là HLV trưởng đội tuyển e-Sport Việt Nam tham dự Asian indoor Games 3 với nhiệm vụ phải lấy được một Huy chương đồng. Và vượt xa sự mong đợi, huấn luyện viên trẻ tuổi cùng các đồng đội của mình đã mang về cho Việt Nam 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng… “Tập luyện miệt mài suốt 5,6 năm nay để đạt thành tích mang về cho quê hương, Khoa chỉ mong truyền thông hãy nhìn nhận những mặt tích cực của game. Không có lĩnh vực nào chỉ toàn mặt xấu”, Vi Khoa bày tỏ.

 

Hà Nội trên cao của Dương Vi Khoa

… Đến chàng nhiếp ảnh chơi ngông..

Mải mê câu chuyện với Khoa, khi tôi nhìn đồng hồ đã là 20h30… Tiệm bánh ngọt Paris Gâteaux trên đường Hai Bà Trưng hôm nay đông khách lạ! Những vị khách chẳng tập trung ăn bánh, uống trà, cũng chẳng thảnh thang như tôi vẫn thường bắt gặp mỗi lần đến đây. Ngược lại, ai cũng khệ nệ, tay xách máy ảnh, nách vác ba lô to, miệng trò chuyện không dứt và ánh mắt thì vô cùng háo hức… Họ là những tín đồ của Panorama ở Hà Nội, và họ cùng chờ đợi một người: Dương Vi Khoa.

Một vài trong số gần 20 con người ấy có đôi khi hướng ánh mắt về góc phòng – nơi tôi và Vi Khoa đang ngồi trò chuyện, dù có vẻ sốt ruột, nhưng hoàn toàn không lộ một tia trách móc. “Họ đều hiểu lịch làm việc của tôi kín mít như thế nào mỗi lần ra Hà Nội công tác. Đây là tối rảnh rỗi duy nhất nên chẳng có cách nào khác là chia sẻ một chút thời gian để gặp gỡ phóng viên. Tất cả thời gian còn lại của đêm nay tôi sẽ cùng mọi người lang thang và chụp những tấm hình về Hà Nội”, đàn chủ diễn đàn tin học Việt Nam chia sẻ.

Thích chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp chia sẻ cho mọi người cùng xem, không ai chỉ dạy, Khoa cứ thế tham gia vào các diễn đàn của dân ảnh để học hỏi. Cách đây gần hai năm, trong một lần lang thang lướt web, Khoa tình cờ xem được một bức ảnh mang phong cách panorama (ảnh ghép chụp góc rộng) về thành phố Dresden (Đức), rồi Paris. Choáng ngợp trước sự sắc nét, tinh tế và hoành tráng của những bức ảnh, Khoa tự nhủ: “Sao Việt Nam lại không có những bức hình như vậy để đem vẻ đẹp của mình đến với thế giới?”. Và anh chàng nhiều ý tưởng đột phá này lại một lần nữa bắt tay vào thực hiện câu trả lời cho chính mình.

Mỗi khi có các loại máy, ống kính máy ra đời, Khoa đều tìm cách mua. Đến bây giờ Khoa cũng không thể nhớ nổi mình đã đổ bao nhiêu tiền để mua máy ảnh. Chỉ riêng số tiền góp vào dịch vụ cho thuê phụ kiện cùng hai anh bạn để quay vòng vốn đã tiêu tốn của Khoa tới 50.000 USD. Không những tốn tiền đầu tư, đam mê nhiếp ảnh phong cách Panorama của Khoa còn khiến vợ anh không ít lần thót tim khi nhìn chồng đứng cheo leo trên nóc nhà cao mấy chục tầng, trên mái hiên của sân vận động lộng gió không một chỗ bám trụ để setup góc chụp…

Những tấm ảnh chụp Sài Gòn, Hà Nội mang phong các Panorama lần lượt ra đời, ghép từ 50 tấm, 100 tấm, 300 tấm… tăng dần lên tới 600 tấm, nhưng phải đến khi tấm ảnh Panorama chụp Mỹ Đình trong đêm pháo hoa mừng thủ đô 1000 năm tuổi ghép từ 1000 tấm được chia sẻ trên internet mới khiến cư dân mạng và những người xem thực sự… xúc động. Bức ảnh thể hiện hình ảnh dòng người xếp hàng dài dằng dặc từ Làng bún Phú Đô tới sân vận động Mỹ Đình chờ xem màn bắn pháo hoa nghệ thuật. Hàng ngàn gương mặt với hàng ngàn tâm trạng hiện lên rất rõ trên màn ảnh, chi tiết đến mức có thể đọc được dòng chữ “tôi yêu Hà Nội” in trên áo một nam thanh niên đứng trong đám đông…

Vi Khoa cho biết: “Sau Hà Nội, Khoa sẽ đi nhiều tỉnh thành khác để có thể chụp được hết những cảnh đẹp dọc đất nước. Tới khi nào chụp được khoảng một nửa nước Việt Nam may ra Khoa mới thỏa mãn. Không chỉ đơn thuần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, khi chụp những bức Panorama này Khoa mong muốn một lần nữa khẳng định về mặt công nghệ, Việt Nam có thể làm được như thế giới”.

 “Đam mê là chính…”

Khai phá nhiều cái mới, nhưng cho đến giờ thành quả mà Vi Khoa nhận được vẫn là những trái xanh cần chăm bẵm. Thể thao điện tử và nhiếp ảnh chưa có nguồn thu, Diễn đàn Tin học Việt Nam đã bắt đầu có thu nhập từ banner quảng cáo, nhưng khoản thu ấy chả thấm vào đâu so với số tiền Khoa đã đầu tư, chỉ vừa đủ để duy trì hoạt động của diễn đàn chứ chưa cho “đàn chủ” bất cứ món lời nào.

Nhiều người nghi ngờ Dương Vi Khoa, không ít người lo ngại cho chàng trai trẻ, và chẳng thiếu người đặt câu hỏi: “Rốt cuộc, Dương Vi Khoa được gì? Đến bao giờ những trái xanh ấy mới đến ngày chín ngọt?”…  Còn Khoa thủng thẳng: “Đam mê là chính, còn thu được hay không thì… hậu xét. Khoa thích làm những cái gì ít người làm được hoặc chưa có ai làm, ít nhất là trong một khu vực nào đó. Với lại, có thể chưa có lợi nhuận về doanh thu thôi chứ Khoa thấy mình “lời” nhiều thứ lắm… Khoa được thỏa mãn chính mình, được nhiều bạn bè tốt, thậm chí là cả một người… vợ tốt. Vợ Khoa cũng là một thành viên của Diễn đàn tin học Việt Nam. Nhờ thực hiện đam mê, Khoa cũng có rất nhiều mối quan hệ với các hãng nổi tiếng như Intel, Canon, Acer, Gigabyte, Galaxy, Viva Marketing, Rapture Gaming (Singapore), e-Club Malaysia. Và có cơ hội làm việc cho nhiều công ty lớn: Rudolf Lietz, VCCI, Vina Game, VASC, ILA Việt Nam, IDG Ventures Vietnam và bây giờ giữ vị trí eSport & Community Manager của VTC Online… dù không có bất cứ bằng Đại học nào trong tay. Đó chẳng phải là những quả ngọt mát lành hay sao?”

Tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự của Dương Vi Khoa trong việc tận hưởng vị ngọt của những trái quả do chính mình tạo ra. Và tôi cũng tin rằng những ai có đam mê, dám đi tận cùng những đam mê ấy cũng sẽ có ngày gặt hái được quả ngọt giống như chàng trai đời đầu thế hệ 8X đang ngồi trước mặt tôi!

Khánh Toàn

Bình luận
vtcnews.vn