Đường sắt cao tốc Trung Quốc - từ kiêu hãnh đến nguy cơ

Thế giớiThứ Hai, 25/04/2011 06:35:00 +07:00

(VTC News) - Tham nhũng cấp cao, chất lượng xây dựng và những nguy cơ tương tự đang biến biểu tượng kiêu hãnh của Trung Quốc thành "quả bom nổ chậm".

(VTC News) - Biểu tượng mới đang tỏa sáng trong công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc – những chiếc tàu siêu tốc – có vẻ như đang trở thành biểu tượng cho nhiều vấn đề nổi cộm mà nước này đang phải đối mặt, chẳng hạn như tham nhũng cấp cao, những mối lo ngại về chất lượng xây dựng, hay việc thiếu đi sự đóng góp của người dân trong việc lập các dự án quy mô lớn.

Việc mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc tối tân ở Trung Quốc đang được xem xét lại một cách kĩ lưỡng hơn về mọi mặt bởi những mối lo ngại dấy lên rằng các nhà xây dựng đường sắt ở đây đang bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn và mải mê chạy đua theo thời gian để lập kỉ lục trong công cuộc xây dựng đường sắt với tốc độ ngày càng nhanh hơn trước.

Những chiếc tàu cao tốc - một biểu tượng cho sự phát triển với tốc độ chóng mặt của đất nước này - đã từng nhận được nhiều lời ca ngợi từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, thậm chí cả mối quan ngại về nguy cơ tụt hậu của nước Mỹ. Nhưng những gì đã xảy ra trong tháng 2 vừa qua, với việc kết án tử hình và giam giữ các quan chức hàng đầu của ngành đường sắt có liên quan tới vụ tham nhũng nghiêm trọng tại đất nước này, đã đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của dự án mở rộng thêm mạng lưới đường sắt cao tốc này.

Vào tuần trước, các nhà lãnh đạo mới của Bộ Đường sắt Trung Quốc đã tuyên bố rằng, để đảm bảo an toàn, tốc độ tối đa của tất cả các tàu cao tốc sẽ bị giảm từ 350 km/h xuống còn khoảng 299 km/h.

 

Không cần vòng vo, Bộ Đường sắt nước này tuyên bố mức độ an toàn của các tàu cao tốc đang ở mức báo động “nghiêm trọng”, đồng thời cho biết họ sẽ tiến hành các đợt kiểm tra độ an toàn của tất cả các mạng lưới giao thông còn lại tại đây. Các nhà chức trách thuộc Bộ Đường sắt cũng cho biết họ sẽ giảm giá vé để tăng số lượng hành khách và cũng sẽ bình tĩnh hơn trong việc xây dựng các tuyến đường cao tốc để tránh “lỗi nhịp”, phát triển quá nhanh so với nhu cầu của người dân nơi đây.

Với những tiết lộ trên, biểu tượng mới đang tỏa sáng trong công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc – những chiếc tàu siêu tốc – có vẻ như đang trở thành biểu tượng cho những vấn đề nổi cộm mà nước này đang phải đối mặt, chẳng hạn như tham nhũng cấp cao, những mối lo ngại về chất lượng xây dựng, hay việc thiếu sự đóng góp của người dân trong việc lập các dự án quy mô lớn.

Các câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu vấn đề chi phí và nhu cầu của người dân nơi đây có bị bỏ ngoài tai quá nhiều hay không, khi mà các nhà lãnh đạo của họ liên tục theo đuổi các dự án hoành tráng – những thứ mà theo như nhận xét của các nhà phân tích thì chỉ là để làm đẹp bộ mặt bề nổi hoặc để tăng niềm tự hào quốc gia mà thôi, mặc dù chúng cũng được xem là một trong số những nỗ lực để thúc đẩy sự tăng trưởng thông qua việc đầu tư cho các công trình công cộng có tầm cỡ lớn.

Tuần trước, Bộ Tài chính nước này cho biết, Bộ Đường sắt tiếp tục bị thâm hụt tài chính trong quý I năm nay. Các khoản nợ của Bộ Đường sắt đã lên tới 276 tỷ USD với hầu hết vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc. Ông Patrick Chovanec, một giảng viên của trường đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nhận định: “Họ đã vay một khoản lớn để đầu tư xây dựng tàu siêu tốc”. Ông cũng cho biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới tàu cao tốc bao gồm cả việc xây dựng 295 nhà ga được bao bọc bởi kính bóng và đá cẩm thạch - như một phần chi tiêu trong gói kích cầu của chính phủ nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.

Ông Zhao Jian, một giáo sư của trường Đại học Giao thông Bắc Kinh, đồng thời cũng là một nhà phê bình kì cựu của dự án tàu cao tốc bày tỏ sự lo lắng trước mức chi phí của dự án này. Ông cho rằng tổng chi phí cho dự án có thể tạo ra một quả bom nợ vô hình đe dọa sự phát triển của hệ thống ngân hàng Trung Quốc: “Tại Trung Quốc, chúng ta sẽ gặp phải một cuộc khủng hoảng nợ nần – một cuộc khủng hoảng nợ nần do các dự án tàu cao tốc. Tôi nghĩ rằng nó sẽ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng vay nợ mua nhà; bởi vì bạn có thể ở hoặc rời khỏi ngôi nhà đó, nhưng hệ thống đường sắt thì chỉ nằm ở đó. Đó là một gánh nặng. Bạn phải vận hành hệ thống đường sắt và khi bạn đưa nó vào hoạt động, chi phí sẽ rất cao”.

 

Một trong các vấn đề về chi phí mà Trung Quốc sẽ gặp phải khi thực hiện dự án này là ở mỗi phân đoạn của hệ thống sẽ tốn nhiều chi phí hơn so với mức dự tính ban đầu, do xuất hiện những cá nhân tham nhũng, trong đó bao gồm cả hiện tượng tham nhũng ngay trong quá trình đấu thầu.

Sau khi Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Liu Zhijun bị bắt giữ vì các cáo buộc tham nhũng, câu chuyện về việc làm thế nào một nữ doanh nhân ở tỉnh Sơn Tây có thể thành lập được một công ty đầu tư chuyên nhận hoa hồng từ các công ty nhận được hợp đồng thực hiện các dự án đường sắt cho tàu cao tốc mới bị bại lộ.

Trong tháng 3 vừa qua, các kiểm toán viên của chính phủ nước này đã phát hiện ra một số sai phạm trong việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, trong đó bao gồm các hóa đơn giả mà hơn 10 công ty và các giám sát viên thiếu bằng cấp kỹ sư chuyên nghiệp tại một số công ty xây dựng đã khai khống là sử dụng vào việc mua vật liệu xây dựng.

Tiết lộ này đã gây hoang mang dư luận, dẫn tới những câu hỏi về độ an toàn thực sự của hệ thống đường sắt. Nhiều người còn lo ngại rằng liệu những nhà thầu phụ tham gia thi công dự án có “bớt xén” của công để bỏ túi riêng của mình hay không.

Việc xây dựng đường sắt cao tốc đòi hỏi sử dụng lượng tro bay có chất lượng cao trong bê tông. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc liên tục đưa tin về những cáo buộc một số nhà thầu đã sử dụng tro bay có chất lượng kém hơn, không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn hoặc pha trộn tro bay với các chất khác để “cắt xén” chi phí xây dựng hòng bỏ túi.

 

Các nhà chức trách ở đây luôn tự hào nói rằng tàu cao tốc của họ chạy nhanh nhất thế giới. Nhưng việc giảm tốc độ của các tàu cao tốc theo như tuyên bố vào tuần trước đã đặt họ vào thế cạnh tranh ngang bằng với tốc độ của các tàu cao tốc ở châu Âu và ở Nhật Bản.

Các con tàu cao tốc và đường ray sẽ bị mòn nhanh hơn nếu tàu chạy ở tốc độ cao hơn bình thường, và muốn tàu chạy nhanh thì các đường ray cần phải thẳng hơn nữa. Các nhà chức trách ở đây đang lo ngại rằng người dân và các vật liệu nguy hiểm đang ở quá gần các đường ray, làm tăng các rủi ro thương vong tại khu vực tàu cao tốc đi qua, mặc dù tại một số nơi, người dân đã cắm biển báo. Thêm vào đó, qua kiểm tra sơ bộ, họ nhận thấy ít người đi tàu cao tốc do giá vé được xem là quá cao so với hầu hết người Trung Quốc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mặc dù Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nếu tính tổng thu nhập quốc dân, nhưng đại đa số người Trung Quốc vẫn còn khá nghèo, với ước tính thu nhập bình quân khoảng 4.300 USD 1 người/ năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới.

Số đông những người đi tàu là người lao động nhập cư, nhưng khi lựa chọn mua vé tàu về quê, thì dù là mức vé rẻ nhất của tàu cao tốc cũng vượt quá khả năng chi trả của hầu hết trong số họ.

Kiều Vui(theo Washingtonpost)
Bình luận
vtcnews.vn