Đường sắt cao tốc HN - TP.HCM: Cần, nhưng phải khả thi

Thời sựThứ Năm, 20/05/2010 05:45:00 +07:00

(VTC News) - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần làm rõ tính khả thi một số nhiệm vụ quan trọng của Dự án này.

(VTC News) - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần làm rõ tính khả thi của một số nhiệm vụ quan trọng của Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (ĐSCT) như: thời điểm khởi động dự án, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối nguồn vốn nhà nước với vốn cho các mục tiêu phát tiển kinh tế - xã hội khác, hiệu quả tài chính của dự án...

Chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM. Đồng thời Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương này.

Đường sắt cao tốc giúp giảm 20% số người chết do TNGT


Trong tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng ĐSCT, Bộ trưởng Bộ GD&VT Hồ Nghĩa Dũng đã phân tích những yếu tố cần thiết phải xây dựng ĐSCT.

Một mô hình đường sắt cao tốc ở nước ngoài (Ảnh có tính minh họa). 

Theo đó, hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước nằm ở hai đầu đất nước, chiếm 85% dân số và đóng góp trên 90% vào GDP của Quốc gia, nên việc đi lại trên trục Bắc - Nam kết nối hai đầu đất nước là một vấn đề rất quan trọng và ngày càng tăng cao.

Về hiệu quả xã hội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: "Dự án đưa ra nhiều ưu điểm như thỏa mãn nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường sắt năm 2020, 2035 và những năm tiếp theo; Giảm thiểu số người chết, bị thương do tai nạn giao thông gây ra (khoảng 20% so với số liệu năm 2009); Giảm thiểu khí thải ảnh hưởng tới môi trường; Phân bố lại mật độ dân cư; Rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 đầu đất nước, liên kết chặt chẽ các khu công nghiệp, các đô thị dọc theo đất nước; Góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước".

Theo dự án, có 4.170 ha đất phải thu hồi và 9.480 hộ cần tái định cư và dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: 34.208 tỷ đồng, tương đương 1.791 triệu USD. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng: Tiến hành huy động từ nguồn thu phát triển quỹ đất trên cơ sở hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp dọc tuyến đường sắt cao tốc và giao cho tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc đối với các khu ga có thể kết hợp hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ.

Dự án đưa ra 3 chính sách giá vé ĐSCT (giai đoạn đầu bằng 50%, thông toàn tuyến bằng 100% giá vé máy bay hạng phổ thông; bằng 50% giá vé máy bay hạng phổ thông; bằng 75% giá vé máy bay hạng phổ thông) thì ở chính sách giá vé 2 có tỷ lệ nội hoàn kinh tế (EIRR) cao nhất, đạt 10,6%.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án sẽ là khoảng 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km).

Dự án mới chỉ ở mức báo cáo tiền khả thi

Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, báo cáo đầu tư Dự án đường sắt Hà Nội – TP.HCM đã đáp ứng bước đầu những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của giai đoạn lập Báo cáo đầu tư (báo cáo tiền khả thi) theo quy định tại Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội.

Ủy ban đồng ý với sự cần thiết phải có ĐSCT nhưng đề nghị cần làm rõ tính khả thi của một số nhiệm vụ quan trọng của Dự án như: Thời điểm khởi động dự án, khả năng huy động vốn cho Dự án, khả năng cân đối nguồn vốn nhà nước cho Dự án với vốn cho các mục tiêu phát tiển kinh tế - xã hội khác và hiệu quả tài chính của Dự án.

Ủy ban cho rằng cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý ĐSCT. Dự án đưa ra dự kiến khởi công vào năm 2012, với khối lượng lớn công việc cần gấp rút chuẩn bị, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, huy động vốn, đào tạo nhân lực cho xây dựng... thì rất khó có thể khởi công vào năm 2012, cũng như hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020 như Dự án đề ra.

Về phần việc di dân tái định cư, Ủy ban cho rằng, báo cáo trong dự án còn quá sơ bộ, trong khi có tới 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 9.480 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất.

Hiện nay, với những địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị nên việc xây dựng quỹ đất tái định cư phải hết sức cụ thể. Dự án cũng chưa tính đến chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân, do đó số tiền 34.208 tỷ đồng chắc chắn là chưa đủ.

Ngoài ra, Ủy ban còn đề nghị cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm của công tác di dân tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã và đang làm hiện nay để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp.

Đề nghị làm rõ khả năng huy động vốn để tránh làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên

Theo báo cáo Chính phủ, tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương gần 56 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Minh, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì, có ý kiến cho rằng với việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao với đường bộ, tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến.

"Với tổng mức đầu tư của Dự án riêng cho giai đoạn đầu là 21 tỷ USD, thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu (khoảng 2/3) vào vốn vay nước ngoài gồm ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn (OCR). Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho Dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể” – Ông Minh lo ngại.

Do đó, Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy và đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này.

Kết luận sau quá trình thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần lưu ý những vấn đề nêu trên, đặc biệt cần phân tích đầy đủ nợ quốc gia của nước ta hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư Dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

Do đây là dự án thực hiện trong thời gian dài và quy mô vốn lớn nên Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét quyết định theo từng cụm dự án thành phần, trước mắt là trong thời kỳ đến năm 2020.


H.L
Bình luận
vtcnews.vn