Dũng sỹ diệt máy bay và 20 năm tìm mộ đồng đội

Tổng hợpThứ Hai, 20/12/2010 10:28:00 +07:00

(VTC News) – Dũng sỹ Kiểm nhớ như in từng nơi ông và đồng đội cùng vào sinh ra tử. Nước mắt lăn dài khi ông kể về quãng thời gian gần 20 năm tìm mộ đồng đội.

(VTC News) –  Dũng sỹ Kiểm nhớ như in từng thời điểm, dấu ấn, nơi ông và đồng đội cùng vào sinh ra tử. Nước mắt lăn dài khi ông kể về quãng thời gian gần 20 năm đi tìm mộ đồng đội…
“Sát thủ” của máy bay địch
Một ngày giữa tháng 12/2010, chúng tôi tìm về gặp ông Bùi Minh Kiểm (SN 1942), người từng được mệnh danh là “xạ thủ” máy bay trong thời kháng chiến và hành trình hơn 20 năm đi tìm mộ phần đồng đội, trong căn nhà nhỏ tại tổ 3 Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
"Sát thủ" máy bay địch Bùi Minh Kiểm và vợ bùi ngùi kể lại thời "hoa lửa" sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bảo về đất nước (ảnh: Bửu Lân) 

20 tuổi (năm 1962), người con trai đất cảng ấy đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Từ biệt quê hương, gia đình ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), Bùi Minh Kiểm khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ, chiến đấu tại mặt trận 44 Quảng Đà. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế vào đơn vị 91 đặc công (thuộc Quân khu V) chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà từ năm 1964 đến 1969. Năm 27 tuổi ông Kiểm ông giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội 11, thuộc Đoàn pháo binh 575 cho đến ngày đất nước giải phóng.
Và thời khắc khiến cái tên Bùi Minh Kiểm gắn liền với biệt hiệu “sát thủ” máy bay địch bắt đầu vào khoảng 9h sáng một ngày tháng 4/1968, khi đơn vị của ông đang đào hầm chiến đấu trên bãi cát gần bờ sông Thạnh Mỹ (trước thuộc huyện Giằng, nay là huyện Nam Giang, Quảng Nam) thì trên bầu trời xuất hiện hàng chục chiếc trực thăng bất ngờ đổ bộ xuống vị trí đó. Trước khi đáp xuống mặt đất, địch đã tập kích pháo vào mục tiêu, trong số 4 đồng đội cùng làm nhiệm vụ thì 2 người bị trúng đạn và hy sinh. Nhìn dòng máu đỏ tươi trên ngực áo của đồng đội, 2 người lính với 2 khẩu AK trong tay quyết một phen sống còn với giặc. 
Đối mặt với cả Tiểu đoàn trực thăng của Ngụy, ông Kiểm và đồng đội Nguyễn Phú Thao (quê Hải Phòng) đã bắn hạ 8 máy bay, thiêu cháy hàng trăm tên giặc trước khi cả hai bị thương nặng, lê thân máu tới mép sông Thạnh Mỹ, thả người trôi theo dòng sông.
Như có phép màu nhiệm, dòng nước đã đưa ông và đồng đội thoát khỏi sự truy kích của kẻ thù và được người dân cứu sống, đưa về đơn vị. Với chiến công ban đầu đó, ông và đồng đội tặng thưởng Huân chương chiến công hạng II.
Với những chiến công của mình, ông Kiểm được mệnh danh "sát thủ" máy bay địch và được Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, huân chương... (ảnh: Bửu Lân)  
Sang năm 1970, ông chuyển về công tác, chiến đấu và giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội 11, Đoàn pháo binh 575. Cuối năm 1971 đầu 1972, ông được đơn vị giao nhiệm vụ phụ trách 4 trinh sát khác đặt đài quan sát trên đỉnh Bà Nà-Núi Chúa để theo dõi tình hình hoạt động của địch ở sân bay Đà Nẵng. 
Nhớ như in cùng đồng đội vào trận đánh ngày 2/8/1972 tại sân bay Đà Nẵng, ông không khỏi tự hào rằng mình là một trong những người được góp một phần công lao vào chiến thắng “phủ đầu”, phá hủy 57 máy bay, diệt 147 lính Mỹ, giặc lái, kho xăng trong sân bay bốc cháy dữ dội 5 giờ liền, nhiều phương tiện chiến tranh của địch bị phá huỷ.
Hành trình gần 20 năm đi tìm mộ đồng đội
Sau khi đất nước được thống nhất, ông Kiểm trở về với cuộc sống đời thường cùng gia đình nhỏ ở xóm nghèo Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Bắc, Q Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), quê hương cô y tá cùng đơn vị Lê Thị Ngọc (SN 1952). Cuộc sống tuy gặp muôn vàn khó khăn nhưng ông luôn canh cánh một nỗi niềm xót thương cho những đồng đội của mình đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt. Ông muốn làm điều gì đó cho đồng đội đã ngã xuống. Và kể từ năm 1990 đến nay, đôi chân ông đã vượt rừng, băng núi trở về chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. 
Ông Kiểm tâm sự: “Nhiều đêm trằn trọc, nghĩ suy và day dứt mình có được cuộc sống không được sung túc nhưng hạnh phúc hôm nay, còn đồng đội thì…”. Nhất là những ngày hội ngộ ấy, ông lại chạnh lòng khi nghĩ về những người đã ngã xuống, có người tìm được mộ, còn có rất nhiều người khác đang nằm cô quạnh đâu đó trên núi, dưới khe mà chưa một lần có một nén nhang thắp trên mộ phần. Ở quê nhà, người thân, vợ con của họ cũng chỉ nghe thông tin họ hy sinh ở mặt trận phía Nam mà chưa có cơ hội tìm lại dù chỉ là một chút tro tàn hài cốt… 
Suốt gần 20 năm qua, ông Kiểm vẫn đau đáu một "nổi đau" chưa đưa hết được đồng đội về quê hương, để được thắp nén hương lên phần mộ (ảnh: tư liệu)

“Biết đồng đội của mình hy sinh mà không đi tìm là có tội, trước hết là với đồng đội, với gia đình của họ và có tội với Tổ quốc”, ông Kiểm nói.
Gần 20 năm qua, bước chân của ông và đồng đội đã rải dọc khắp các nẻo đường, vượt qua không biết bao nhiêu cánh rừng, con khe dòng suối, trong hàng chục chuyến đi ấy đã mang lại kết quả là tìm được hơn 30 hài cốt liệt sỹ, đưa “các anh” trở về quê hương. 
Những năm trở lại nay, căn nhà nhỏ ở tổ 3- Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam nơi ông ở đã trở thành địa chỉ tin cậy cho thân nhân các liệt sỹ khi muốn đi tìm hài cốt.
Kể về những chuyến ngược rừng, ông bảo khó khăn lớn nhất trong mỗi chuyến đi là việc tìm lại địa điểm chiến trường xưa. Mắt hướng về phía Tây, nơi chiến trường Quảng Đà ác liệt, ông bùi ngùi: “Trải qua 40 chục năm trời, đường đi lối lại bây giờ đã khác xưa nhiều nên rất khó để nhận ra đâu là chỗ họ hy sinh, đâu là chỗ mai táng…”. 

Để làm được điều đó, bắt buộc ông và những người đồng hành phải tìm lại dấu vết đường cũ, tìm được các đường mòn của đơn vị hành quân, rồi lần ra hậu cứ. Dấu vết duy nhất là các quả đồi, những hòn đá lớn, các địa điểm trên dòng suối ngày xưa thường hay ra tắm giặt… Mỗi một chuyến đi kéo dài đằng đẵng, hành trang của ông mang theo gồm có gạo, cá khô, muối, tăng bạt, võng, dao, xẻng, cuốc…, và có một thứ không bao giờ thiếu đó là một vài lít rượu để mỗi khi tìm thấy hài cốt lại cùng đồng đội “hàn huyên”!.
Còn sức còn đi

Lật giở từng trang giấy trong cuốn sổ nhỏ mà mỗi lần tìm được hài cốt ông đều cẩn thận ghi lại chi tiết tên tuổi, quê quán từng người, ngày tìm thấy… rồi đưa cho chúng tôi xem, vẻ mặt ông bỗng trầm ngâm: “Đó vẫn chỉ là số ít thôi chú ạ, còn có rất nhiều người đang nằm đâu đó trên những cánh rừng mà chúng ta vẫn chưa tìm thấy và có thể sẽ mãi không tìm được. Đau lắm khi còn chưa đưa các anh trở về với quê hương. Còn sức, còn đi được, tôi sẽ không bao giờ dừng bước trước nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả này”. 
Trong cuốn “nhật trình” ông lưu giữ được thể hiện chi tiết các lần ông và mọi người đi, khi nói chuyện ông vẫn thầm cảm ơn lãnh đạo, bà con các địa phương đã dốc hết lòng cùng ông trèo đèo, lội suối mà không quản ngại khó khăn vất vả. Ông bảo, người dân quê bao giờ cũng vậy, ngày xưa chiến đấu được họ chở che, bây giờ về lại được họ đùm bọc.
Mỗi khi mở những tấm huân chương, bằng khen... do Nhà nước trao tặng cũng là lúc ký ức thời "hoa lửa" tràn về cũng nổi niềm "người sống" trong ông Kiểm trỗi dậy 

Với ông, được sống, được hưởng một chút thành quả, công sức máu xương mà mình đã bỏ ra…, đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh nổi. Tuy nhiên, khi nghĩ lại ở đâu đó trong lòng đất Mẹ còn có những người đã ngã xuống nhưng chưa một lần được thắp nén hương, được đắp lên phần mộ một nắm đất cho đỡ cô quạnh!. Từ đó, ông quyết tâm về lại chiến trường xưa tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cao cả của một người lính, người đồng chí đồng đội- tìm hài cốt liệt sỹ…
Trong thời gian từ 1964 đến 1975, với những thành tích xuất sắc, ông được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công, 4 danh hiệu Dũng sỹ (diệt Mỹ, diệt Ngụy, diệt máy bay, diệt xe cơ giới); 3 Huân chương chiến sỹ giải phóng, 1 Huân chương kháng chiến và 31 bằng khen, giấy khen các loại…


Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn