Dừng nhập siêu sẽ tắc nghẽn sản xuất kinh doanh

Kinh tếThứ Tư, 06/04/2011 08:52:00 +07:00

(VTC News) - Trong bối cảnh hiện nay, chưa thể giải quyết ngay tình trạng nhập siêu, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu.

(VTC News) - Giá trị nhập siêu/xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm là 15,7%, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể giải quyết ngay tình trạng nhập siêu, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu - Đây là những ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khi trao đổi với báo chí sau Hội nghị giao ban Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2011, ngày 5/5.

- Thưa ông, Bộ Công thương đã đưa ra những biện pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) và giảm nhập khẩu (NK)?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Nếu siết chặt nhập siêu sẽ dẫn đến tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất kinh doanh 

- Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành danh mục hàng không khuyến khích NK, đây là những biện pháp mang tính kỹ thuật. So với năm 2008, 2010, ngay sau thời điểm Việt Nam  ra nhập WTO thì tỷ lệ nhập siêu năm trước luôn cao hơn năm sau. Trong 3 tháng đầu năm, giá trị Nhập siêu/XK chỉ có 15,7%. Đây là mức thấp nhất trong cùng kỳ nhiều năm (những năm trước có thể lên cao nhất là mức 28%) và tương đối an toàn cho cán cân thanh toán. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chưa thể giải quyết ngay tình trạng nhập siêu, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu...  Nếu siết chặt nhập siêu sẽ dẫn đến tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm tăng 60%, nếu duy trì tốt thì sẽ điều chỉnh được tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 25%, xuất khẩu sang trung Quốc tăng nhưng tận dụng ưu đãi theo khu vực mậu dịch tự do ASEAN, chúng ta đã tận dụng ưu đãi này được hơn 1 năm, doanh nghiệp (DN) đã nắm rõ hơn mặt hàng nào được giảm, cũng như điều kiện nào được giảm và thủ tục để được miễn giảm ra sao... Có những mặt hàng có lợi thế đã tăng XK sang Trung Quốc cả về lượng và giá.

- Tình hình XK của nước ta sang Nhật Bản đang tăng, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Trong bối cảnh Nhật Bản đang có nhu cầu NK nhiều mặt hàng thì DN Việt Nam cần tổ chức các khâu thật tốt để cung ứng được cho thị trường này. Cùng với sự điều chỉnh của các DN nước ta, thị trường Nhật Bản cũng sẽ phải tự điều chỉnh. Những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh có thể xuất khẩu sang Nhật Bản là: nông sản, dệt may, vali, ô dù, kể cả cơ khí, linh kiện điện tử...

- Bộ Công Thương đã thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ thế nào, nhất là với việc thúc đẩy sản xuất?

- Bộ Công Thương đã có chương trình hành động thực hiện nghị quyết 11 và đã trình chính phủ kế hoạch điều hành XNK năm 2011, để đẩy mạnh XK, kiềm chế nhập siêu. Cơ chế đã rất mở, nhưng khó là tổ chức thực hiện ra sao để chủ trương chính sách tốt đi được vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. 

- Độ trễ của chính sách đối với DN  được nhìn thấy trong quý II, III, ông có đánh gía gì về ảnh hưởng của nó tới XK trong thời gian tới?

- Bộ Công thương thấy rằng, có một yếu tố rõ là với lãi suất cao cộng với chi phí đầu vào cao thì sẽ tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt nam. Vì vậy, cần điều tra kỹ, đánh gía kỹ, hàng Việt Nam đang bị mất sức cạnh tranh ở mặt hàng nào, thị trường nào, vì nguyên nhân gì thì mới có thể giải quyết được.

Khó để vừa tăng XK lại vừa giảm nhập siêu trong khi kiềm chế lạm phát, vì các biện pháp có thể có những sự mâu thuẫn với nhau. Cần có sự điều chỉnh dần dần đồng bộ chứ không thể giải quyết ngay lập tức. Bản thân các DN và hiệp hội ngành hàng phải phát hiện vấn đề phát sinh và có kiến nghị về giải pháp phù hợp.

- Cái khó của các Hiệp hội và các DN XNK là vay vốn của ngân hàng, lãi suất thì cao mà khó tiếp cận nguồn vốn, trong thời gian tới, liệu vấn đề này có được cân nhắc để thuận lợi hơn cho DN XNK ?

- Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì với cơ quan chức năng đưa trần lãi suất xuống mức hợp lý. Tuy nhiên, thực tế, lãi suất cho vay cao hơn thì phải có phân biệt. Có những lĩnh vực hiệp hội ngành hàng có năng lực tốt quy tụ hội viên và tác động chính sách thì quyền lợi DN được đảm bảo. Ví dụ, Hiệp hội lương thực Việt nam (VFA) cung cấp cho ngân hàng danh sách DN trong hiệp hội có nhu cầu vốn mua hàng tạm trữ. Ngân hàng nhà nước sẽ căn cứ vào danh sách này cung cấp cho các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại, theo đó, các ngân hàng yên tâm cho vay nhiều hơn so với các DN ngoài danh sách.

Có DN được vay với lãi suất lên tới 13,5%. Các ngân hàng cũng đã khẳng định họ có vốn vay. Chứng tỏ vấn đề là khả năng phối kết hợp giữa DN và ngân hàng.

- Tình hình cung ứng đường ra thị trường trong năm 2010 tương đối khó khăn, trong năm 2011, Bộ Công thương đã làm những gì để tháo gỡ cho các DN thu mua mía đường?

- Hạn ngạch NK đường và muối cân đối từ cuối năm 2010 trên cơ sở nhu cầu trong nước và năng lực sản xuất của DN trong nước, hạn mức này đã được lấy ý kiến cơ quan chức năng. Diễn biến quý I có nảy sinh: sản xuất trong nước tăng, nguồn cung trên thế giới cũng tăng. Trong khi đó, các DN cần thu mua mía đường gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất và thời tiết. Để tháo gỡ cho các DN thu mua miá đường, Bộ công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và các hộ tiêu thụ đường lớn để điều chỉnh tiến độ NK đường theo các hạn ngạch đã ký.

Minh Đức(ghi)

           

 

Bình luận
vtcnews.vn