Đưa lao động từ Libya về nước bằng đường biển

Thời sựThứ Sáu, 04/03/2011 09:47:00 +07:00

(VTC News) - Các lao động Việt Nam đang sơ tán ở các nước láng giềng Libya và biên giới nước này sẽ được di chuyển về nước bằng phương tiện tàu biển.

(VTC News) - Ngoài việc chuyên chở bằng máy bay, các lao động Việt Nam đang sơ tán ở các nước láng giềng Libya và biên giới nước này sẽ được di chuyển về nước bằng phương tiện tàu biển.

Cục quản lí lao động ngoài nước cho biết trong thời gian tới, sẽ cho tàu biển chở lao động về nước. Việc di chuyển bằng đường biển sẽ góp phần giảm tải số lượng lao động tập trung đông trong nhiều khu vực khác nhau ở Libya và thuận tiện vì có một số cảng biển tập trung rất đông lao động ở đó. Di chuyển về nước bằng đường biển cũng sẽ thuận tiện và tiết kiệm, giảm bớt sự nguy hiểm cho lao động trong hành trình di tản sang qua các địa phận Libya để sang biên giới và tới các nước thứ 3.

Lãnh đạo Cục cũng cho biết thêm, trong vài ngày tới sẽ có 1 chuyến tàu biển chở lao động Việt Nam cập cảng Hải Phòng. Số lao động trên chuyến tàu này hiện đang được chăm lo chu đáo từ vấn đề ăn mặc cho tới ngủ nghỉ. “Dự kiến chuyến tàu đầu tiên này sẽ chở theo khoảng hơn 1.000 lao động Việt Nam trong đó chủ yếu là nam lao động. Trước đó, các lao động này đã mất thời gian chờ đợi khá lâu trong việc di tản sang các vùng biên giới lãnh thổ Libya”, quan chức Bộ LĐTB&XH cho hay.

Hơn 1000 lao động đang trên tàu biển di chuyển về Việt Nam.

Cục quản lí lao động ngoài nước cũng cho biết thêm, hiện tổ chức di cư thế giới IOM vẫn đang có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để đưa lao động Việt Nam về nước và tới các vùng an toàn tập trung. “Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề phương tiện. Hiện ở các nước thứ 3 và một số cửa khẩu, biên giới có lao động Việt Nam tập trung lại ở đó vẫn chưa thể về nước vì thiếu phương tiện chuyên chở", lãnh đạo Cục cho biết.

Trao đổi thông tin về hướng giải quyết cho khoảng 200 lao động Việt Nam hiện vẫn bị mắc kẹt lại thành phố Tripoli và đang trong tâm trạng lo lắng, hành lí của lao động Việt Nam mắc kẹt ở đây cũng đang bị lực lượng cảnh sát tạm giữ, một quan chức ở tổ liên ngành cho hay, các nhà chức trách vẫn đang cố gắng tiếp cận để đưa số lao động này tới vùng an toàn. Số lao động này sẽ được đảm bảo an toàn và đưa ra khỏi Tripoli trong thời gian sớm nhất có thể.

Trong khi đó, về thông tin hỗ trợ cho lao động Việt Nam về nước từ phía các doanh nghiệp, công ty có lao động đi xuất khẩu ở Libya qua mai mối trung gian, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước mắt sẽ thực hiện việc hoãn trả nợ từ phía các ngân hàng thúc ép. Việc cần kíp nhất ngay lúc này vẫn là đưa lao động Việt Nam từ vùng nguy hiểm ở Libya về nước. Đến thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ người Việt Nam nào bị thương vong trong hành trình di tản khỏi Libya tới cửa khẩu, biên giới và các nước thứ 3.

Tại cuộc họp báo ngày 3/3 tại Hà Nội, Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, hiện có rất nhiều chuyến bay thương mại do các doanh nghiệp phối hợp với chủ sử dụng lao động đang đưa các lao động về Việt Nam. Đối với những lao động còn đang mắc kẹt sâu trong nội địa Libya, tổ chức di cư quốc tế IOM đang tìm kiếm nơi cư trú của họ, sớm đưa họ sang nước thứ 3 để về Việt Nam.Một chuyến tàu biển đang đưa 1.121 lao động về nước, dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng trong vài ngày tới. Tính đến chiều 16h chiều 3/3 đã có 2.742 lao động về nước an toàn.

Liên quan đến những vấn đề sau khi lao động về nước, ông Hải cho hay, 2 tuần sau khi lao động về nước, các doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý hợp đồng, hỗ trợ người lao động. Trong trường hợp lao động tiếp tục có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, doanh nghiệp có thể tạo điều kiện để họ tham gia xuất khẩu lao động trở lại. Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản đề nghị các ngân hàng khoanh nợ đối với những lao động trở về từ Libya và tiếp tục vay vốn nếu tham gia xuất khẩu lao động trở lại.

Quang Tùng - Phan Mạnh

Bình luận
vtcnews.vn